Qua nghiên cứu ở trên, tôi thu được một số kết quả như sau:
Có 15 BCH phản hồi, số lượng ĐD/HS tham gia nghiên cứu có trình độ đại học chiếm 33%, cao đẳng 27%, còn lại trung cấp chiếm 40%.
100% đối tượng tham gia nghiên cứu đều là nữ. Điều này cũng phù hợp với đặc thù của 1 bệnh viện chuyên ngành phụ sản.
Bảng 2.2 cho thấy số năm công tác của ĐD/HS ở Khoa Phụ ung thư Bệnh viện Phụ sản trung ương dưới 5 năm chiếm tỉ lệ 40%, còn trên 5 năm là 60%. Điều này cho thấy cán bộ ĐD/HS có thâm niên công tác và kinh nghiệm làm việc nhiều hơn những người mới. Nhờ đó công tác chăm sóc người bệnh cũng được chu đáo, đảm bảo, đồng thời việc hướng dẫn đào tạo nhân viên mới được tốt hơn.
Kiến thức của ĐD/HS về chăm sóc người bệnh cắt LEEP
Biểu đồ 2.3 cho thấy việc khai thác thông tin tiền sử người bệnh có mang dụng cụ cấy ghép hay máy tạo nhịp trong cơ thể có 11/15 và 8/15 ĐD/HS không hỏi, chiếm tỉ lệ 73,3% và 53,3%. Lý do vì các tài liệu về ảnh hưởng của các thiết bị này trong lúc người bệnh được dùng máy LEEP còn hạn chế. Còn lại 100% các phiếu đều khai thác tiền sử dị ứng của người bệnh.
Biểu đồ 2.4 trên cho thấy tất cả ĐD/HS Khoa Phụ Ung thư đều thực hiện đầy đủ những việc cần chuẩn bị cho người bệnh trước khi làm thủ thuật.
Qua biểu đồ 2.5, các phương tiện, dụng cụ, hoá chất ĐD/HS chọn để chuẩn bị làm LEEP có 2 ĐD/HS chọn chưa đúng hoá chất và dụng cụ chuẩn bị làm LEEP. Họ đã chọn Acid axetic và băng thun. Như vậy có 87% người đã chọn đúng các phương tiện, dụng cụ, hoá chất cần sử dụng khi làm LEEP.
Biểu đồ 2.6 về các biến chứng sớm của thủ thuật LEEP thì chỉ có 1 ĐD/HS chọn biến chứng sớm là nhiễm khuẩn, chiếm tỉ lệ 6,67%. Như vậy, có 93% ĐD/HS tham gia nghiên cứu trả lời biến chứng sớm của thủ thuật này là đau, chảy máu, bí tiểu.
Đồng thời tất cả 100% đối tượng nghiên cứu đều biết biến chứng đau sau cắt LEEP mà người bệnh gặp phải là do chèn nhiều mèche. Và họ cũng biết cách xử trí biến chứng này.
Biểu đồ 2.7 trên cho thấy có 14/15 ĐD/HS hướng dẫn người bệnh sau khi ra viện cần chú ý rút mèche âm đạo (nếu có) sau 24h, theo dõi tình trạng chảy máu, sốt, kiêng giao hợp 4 tuần, thực hiện chế độ vệ sinh, và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Tỉ lệ này chiếm 93,3%. Việc này giúp người bệnh hài lòng và yên tâm có thể tự theo dõi an toàn tại nhà cho đến khi vết thương liền tốt. Đồng thời họ cũng có thể đến bệnh viện bất cứ khi nào có dấu hiệu bất thường như sốt, chảy máu, đau, …
Bảng 2.8 về việc ĐD/HS biết được lý do để người bệnh thường phải quay lại bệnh viện sau 7-10 ngày để tư vấn cho người bệnh trước khi họ ra viện. Biểu đồ 3.8 cho thấy có 14/15 và 13/15 ĐD/HS biết được điều này là người bệnh bị chảy máu nhiều do vết thương bong vảy chảy máu và xem kết quả giải phẫu bệnh lý, chiếm tỉ lệ 93% và 86%. Lý do này giúp ĐD/HS có thái độ tích cực trong việc theo dõi tình trạng bất thường của người bệnh khi họ phải quay trở lại bệnh viện.
Bảng 2.9 cho thấy có 13/15 và 14/15 ĐD/HS sẽ thông báo ngay cho người bệnh khi kết quả giải phẫu bệnh lý là CIS/KCTC hoặc CIN III. Chiếm tỉ lệ 86% và 93%. Điều này giúp việc phân loại tình trạng người bệnh trong khoa tốt hơn, những trường hợp nặng hơn sẽ được thông báo và xử trí ưu tiên trước được kịp thời.