1.4.1. Định nghĩa
Kiến thức phòng ngừa tái hẹp mạch vành là một sự hiểu biết, nhận thức về nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và nguyên tắc điều trị tái hẹp mạch vành [40], [19], [18], [36].
Hành vi phòng ngừa tái hẹp mạch vành là các hành động của một cá nhân để duy trì, đạt được tình trạng mạch vành tốt và để ngăn ngừa tái hẹp mạch vành. Điều này bao gồm ngưng hút thuốc lá, lựa chọn thực phẩm tốt cho tim mạch, tăng cường hoạt động thể chất, đạt được một trọng lượng lý tưởng, hạn chế rượu bia, duy trì huyết áp "bình thường" và đạt tổng số cholesterol các cấp trong phạm vi khuyến nghị[16], [19], [57].
1.4.2. Cách đo lường
Tác giả Abu-Sayeef Mirza và cộng sự (2016) [14] đã phát triển bộ câu hỏi trong nghiên cứu “Kiến thức, thái độ và thực hành ở bệnh nhân bị bệnh động mạch vành ở Dhaka, Bangladesh”. Bộ câu hỏi gồm có 10 câu hỏi dùng để đánh giá kiến thức của người bệnh, 11 câu hỏi dùng để đánh giá thái độ của người bệnh và 12 câu hỏi dùng để đánh giá hành vi (thực hành) của người bệnh trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Mỗi một câu trả lời đúng được tính một điểm và tính không điểm cho câu trả lời sai và dựa vào tổng điểm để chia thành 4 mức độ là kém, yếu, trung bình và cao.
Bộ câu hỏi “kiến thức bệnh mạch vành” của Oliver-McNeil Sandra và cộng sự (2008)[48] gồm có 25 câu hỏi về kiến thức bệnh mạch vành trên phụ nữ. Bộ công cụ đã được rất nhiều tác giả sử dụng trong các nghiên cứu của họ để đo lường mức độ về kiến thức bệnh mạch vành của đối tượng nghiên cứu.
Kayaniyil và cộng sự (2009)[38] cũng đã phát triển bộ câu hỏi “nâng cao nhận thức về bệnh mạch vành và kiểm tra kiến thức”, bộ câu hỏi sử dụng để đo lường kiến thức về bệnh mạch vành của đối tượng nghiên cứu. Bộ câu hỏi cũng đã được các tác giả sử dụng trong các nghiên cứu của họ về kiến thức bệnh mạch vành.
Bộ công cụ của Alona D. Angosta (2014)[17] “Các nhân tố của bệnh tim mạch” gồm có 21 câu hỏi về kiến thức người bệnh về bệnh mạch vành và các yếu tố nguy cơ
gây bệnh tim mạch, bệnh mạch vành. Đánh giá bằng cách tổng số điểm của các câu đúng và phân loại.
Bộ công cụ “Khảo sát về hành vi liên quan sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp” của Nguyễn Hoàng Mỹ Thuyên (2013) [45]gồm 30 câu, nhằm đo lường hành vi liên quan đến sức khỏe của những người bệnh tăng huyết áp bao gồm 4 phần: Các hành vi về dinh dưỡng; Hoạt động thể chất; Quản lý căng thẳng tinh thần(stress); Trách nhiệm sức khỏe, được đánh giá bằng cách phân loại rất tốt, tốt, trung bình và kém.