Liên quan giữa kiến thức và hành vi với đặc điểm nhân khẩu học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát kiến thức và hành vi dự phòng tái hẹp mạch vành ở người bệnh sau can thiệp mạch vành qua da tại bệnh viện đa khoa tỉnh khánh hòa năm 2017 (Trang 56 - 58)

4.3.1. Liên quan giữa kiến thức dự phòng tái hẹp mạch vành sau can thiệp mạch vành qua da với đặc điểm nhân khẩu học của người bệnh

Qua nghiên cứu về mối liên quan giữa kiến thức dự phòng tái hẹp động mạch vành sau can thiệp động mạch vành qua da với đặc điểm nhân khẩu học của người bệnh, chúng tôi nhận thấy chỉ có liên quan giữa đặc điểm về nơi cư trú, trình độ học vấn và tình trạng kinh tế với kiến thức của người bệnh có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Tỷ lệ người bệnh ở nông thôn thiếu kiến thức chiếm tỷ lệ cao hơn hơn so với người bệnh sống ở thành thị, tỷ lệ lần lượt là 72,4% và 47,9% sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p = 0,02. Tỷ lệ người bệnh có trình độ học vấn tiểu học thiếu kiến thức chiếm 82,2% nhiều hơn so với các bậc học cao hơn, p = 0,001. Tỷ lệ người bệnh phải phụ thuộc kinh tế thiếu kiến thức chiếm 71,2% cao hơn so với người bệnh độc lập về kinh tế, p = 0,01. Tuy nhiên, trong bảng 3.9 phân tích hồi quy đa biến cho thấy chỉ có đặc điểm về trình độ học vấn người bệnh là yếu tố có giá trị tiên đoán ảnh hưởng đến kiến thức của người bệnh. Theo đó, người bệnh thuộc nhóm trình độ học vấn cao hơn bậc phổ thông trung học (bao gồm trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học) có khả năng có kiến thức đúng về dự phòng tái hẹp mạch vành cao gấp 12,75 lần so với người bệnh có trình độ học tiểu học, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (KTC 95% = 4,14 – 39,2; p = 0,001).

Kết quả này trong nghiên cứu của chúng tôi tương tự kết quả nghiên cứu của tác giả Motlabur Rahman (2014)[50] cho thấy liên quan giữa kiến thức của người bệnh về bệnh hẹp động mạch vành với nơi cư trú có ý nghĩa thống kê với p = 0,006. Theo nghiên cứu của tác giả này, có 78,8% người bệnh ở nông thôn thiếu kiến thức so với tỷ lệ này của người bệnh sống ở thành thị là 40.3%. Liên quan giữa trình độ học vấn với kiến thức của người bệnh trong nghiên cứu của tác giả này cũng có ý nghĩa thống kê, những người có trình độ học vấn thấp thì có kiến thức về bệnh thấp hơn so với nhóm

còn lại [50]. Theo tác giả Chen Wei-Chien và cộng sự (2009)[59] thì người bệnh sống ở nông thôn có kiến thức đúng về phòng ngừa bệnh động mạch vành thấp hơn so với người bệnh sống ở thành thị, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,0005. Cũng theo tác giả, tỷ lệ bệnh nhân thuộc nhóm trình độ học vấn từ trung học cơ sở trở xuống thiếu kiến thức cao hơn so với nhóm còn lại, p < 0,0005 [59].

Với kết quả như trên, có thể thấy rằng trong nghiên cứu của chúng tôi các yếu tố về nơi cư trú, trình độ học vấn và tình trạng kinh tế có ảnh hưởng đến mức độ hiểu biết của người bệnh về dự phòng tái hẹp động mạch vành sau can thiệp. Đặc biệt có sự tương quan chặt chẽ giữa trình độ học vấn cao và kiến thức đúng của người bệnh. Vì vậy, cần lưu ý tác động vào đối tượng có trình độ học vấn thấp khi xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục sức khỏe nhằm cải thiện kiến thức của người bệnh.

4.3.2. Liên quan giữa hành vi dự phòng tái hẹp mạch vành sau can thiệp mạch vành qua da với đặc điểm nhân khẩu học của người bệnh

Về mối liên quan giữa hành vi dự phòng tái hẹp động mạch vành sau can thiệp động mạch vành qua da với đặc điểm nhân khẩu học của người bệnh, chúng tôi xác định được các đặc điểm về giới tính, nơi cư trú và trình độ học vấn của người bệnh liên quan có ý nghĩa thống kê với hành vi của người bệnh. Trong số người bệnh có hành vi chưa tốt thì nam chiếm 84,1% cao hơn so với nữ tỷ lệ là 63,9%, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p = 0,03. Người bệnh sống ở nông thôn có hành vi chưa tốt chiếm tỷ lệ 85,1% trong khi đó người bệnh sống ở thành thị có hành vi chưa tốt là 63,0%, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p = 0,01. Tỷ lệ người bệnh thuộc nhóm trình độ học vấn cao hơn bậc trung học phổ thông có hành vi chưa tốt chiếm tỷ lệ 51,2% ít hơn so với nhóm người bệnh có trình độ học vấn ở các bậc học còn lại, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p = 0,001. Tuy vậy, khi đưa vào phân tích hồi quy đa biến thì chúng tôi nhận thấy chỉ có yếu tố về giới và trình độ học vấn của người bệnh là yếu tố dự báo ảnh hưởng đến hành vi dự phòng tái hẹp mạch vành của người bệnh, có ý nghĩa thống kê. Bảng 3.10 cho thấy, nếu người bệnh là nam thì khả năng có hành vi tốt thấp hơn 77% so với nữ (KTC 95% = 0,1 – 0,56; p = 0,001) và khả năng người bệnh có hành vi tốt thuộc nhóm trình độ kiến thức sau bậc trung học phổ thông cao hơn gấp 4,87 lần so với người bệnh có trình độ học vấn tiểu học (KTC 95% = 1,56 – 15,21; p = 0,007).

Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Molly Byrne và cộng sự (2005) [19] thì người bệnh là nam giới có hành vi chưa tốt cao hơn so với nữ, đặc biệt là nam giới tiêu thụ thức ăn nhiều mỡ, uống nhiều rượu và hút thuốc nhiều hơn so với nữ, mối liên quan này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Đã có nhiều nghiên cứu về các nguy cơ hẹp động mạch vành chứng minh một trong các nguy cơ cao mắc bệnh hẹp động mạch vành là sự tác động của các hành vi không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống rượu, ít vận động, thức ăn nhiều dầu mỡ. Mà phần lớn các hành vi không lành mạnh đó xuất phát từ thói quen của nam giới [55], [37]. Người bệnh sống ở nông thôn có thể không có điều kiện để thực hiện các hành vi tốt trong việc chịu trách nhiệm sức khỏe của bản thân như đi khám nếu thấy các dấu hiệu bất thường, tìm kiếm các nguồn thông tin về dự phòng tái hẹp mạch vành.

Những điều trên cho thấy, cần có một chương trình cụ thể được cung cấp bởi nhân viên y tế nhằm giúp người bệnh thay đổi các hành vi chưa tốt thành những hành vi tốt, có lợi cho việc dự phòng tái hẹp mạch vành sau can thiệp. Đặc biệt lưu ý đến các đối tượng người bệnh là nam giới, đối tượng người bệnh sống ở nông thôn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát kiến thức và hành vi dự phòng tái hẹp mạch vành ở người bệnh sau can thiệp mạch vành qua da tại bệnh viện đa khoa tỉnh khánh hòa năm 2017 (Trang 56 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)