Thực trạng kiến thức và hành vi dự phòng tái hẹp mạch vành của người bệnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát kiến thức và hành vi dự phòng tái hẹp mạch vành ở người bệnh sau can thiệp mạch vành qua da tại bệnh viện đa khoa tỉnh khánh hòa năm 2017 (Trang 54 - 56)

4.2.1. Kiến thức

Phần lớn người bệnh trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi thiếu kiến thức về dự phòng tái hẹp mạch vành sau đặt stent, tỷ lệ này là 61,2%. Trong đó, người bệnh thiếu kiến thức về chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh mạch vành để phòng ngừa tái hẹp chiếm tỷ lệ cao nhất 64,4%, tiếp đến tỷ lệ người bệnh thiếu hụt kiến thức cơ bản về tái hẹp mạch vành sau đặt stent chiếm 58,1%, tỷ lệ người bệnh thiếu kiến thức về chế độ vận động là 47,5% và sự thiếu hụt kiến thức về chế độ tuân thủ điều trị sau đặt stent chiếm tỷ lệ thấp nhất 27,5%. Kết quả này trong nghiên cứu của chúng tôi tương tự như kết quả nghiên cứu của tác giảAbu-Sayeef Mirza và cộng sự (2016) [14] thực hiện tại Bangladesh, tỷ lệ người bệnh có kiến thức tốt về dự phòng tái hẹp động mạch vành sau can thiệp qua đa là 24,32%, ở nhóm trung bình là 53,15% và kiến thức kém là 22,52%. Và kết quả này của chúng tôi cũng tương tự như kết quả nghiên cứu của tác giả Motlabur Rahman (2014) [50] có đến 75,8% người bệnh thiếu kiến thức về bệnh hẹp động mạch vành. Hay nghiên cứu của Ammouri Ali A và cộng sự (2012) [15] cho thấy có 60,5% người bệnh có số điểm kiến thức về bệnh mạch vành kém.

Tất cả những điều trên chứng tỏ thực trạng đang tồn tại một tỷ lệ lớn người bệnh thiếu hụt kiến thức liên quan đến việc dự phòng tái hẹp mạch vành sau đặt stent. Đây là một lổ hỗng kiến thức của người bệnh cần được cung cấp đầy đủ bởi nhân viên y tế trước khi người bệnh xuất viện về nhà. Cần xây dựng một chương trình kế hoạch giáo dục sức khỏe về kiến thức bệnh mạch vành, kiến thức dự phòng tái hẹp mạch vành, đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng, kiến thức cơ bản và chế độ vận động hợp lý. Sở dĩ tỷ lệ người bệnh thiếu hụt kiến thức về chế độ điều trị trong nghiên cứu của chúng tôi chiếm tỷ lệ thấp có lẽ do người bệnh đã được tư vấn về cách dùng thuốc, lịch tái khám một cách rõ ràng. Điều này chứng tỏ người bệnh hầu như chỉ chú ý đến điều trị mặc dù ngoài chế độ điều trị thì chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý là một trong những nội dung quan trọng nhằm dự phòng tái hẹp mạch vành sau điều trị can thiệp

động mạch vành qua da [36]. Trong một nghiên cứu can thiệp của tác giả Muayyad Ahmad và cộng sự (2015) tiến hành tại Jordan [23] cho thấy có sự cải thiện đáng kể kiến thức của người bệnh về bệnh động mạch vành giữa trước khi can thiệp so với trước khi can thiệp bằng cách áp dụng một chương trình giáo dục sức khỏe cho người bệnh. Tương tự như vậy, tác giả Ghada Mohamed và cộng sự (2016) [31] đã tiến hành một nghiên cứu can thiệp có nhóm chứng nhằm đánh giá hiệu quả của chương trình can thiệp giáo dục sức khỏe cho các bệnh nhân sau can thiệp động mạch vành qua da cho thấy tỷ lệ thiếu kiến thức của người bệnh trước can thiệp là 100% và tỷ lệ này sau can thiệp của nhóm can thiệp là 0%, trong khi đó tỷ lệ này ở nhóm chứng vẫn là 100%.

4.2.2. Hành vi

Trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ người bệnh có hành vi chưa tốt là 75%, chỉ có 25% người bệnh có hành vi tốt trong việc dự phòng tái phát hẹp mạch vành sau can thiệp. Trong đó, người bệnh có hành vi chưa tốt về chế độ vận động và tỷ lệ người bệnh có hành vi chưa tốt về chế độ dinh dưỡng chiếm tỷ lệ cao nhất, lần lượt là 65,6% và 65%, tỷ lệ người bệnh có hành vi chưa tốt về các hoạt động có trách nhiệm với sức khỏe (kiểm soát căng thẳng, quan tâm đến bệnh tật…) là 60,6%, trong khi đó tỷ lệ người bệnh có hành vi chưa tốt về việc tuân thủ điều trị chiếm tỷ lệ thấp nhất 3,1%. Nghiên cứu của tác giả Abu-Sayeef Mirza và cộng sự (2016) [14] khảo sát trên người bệnh hẹp động mạch vành sau can thiệp tại Bangladesh cho thấy chỉ có 17,12% người bệnh có hành vi tốt, 75,68% người bệnh có hành vi trung bình và 7,21% người bệnh có mức hành vi kém trong việc dự phòng tái phát hẹp động mạch vành sau can thiệp. Trong đó, tỷ lệ người bệnh có hành vi chưa tốt về chế độ tuân thủ điều trị là 68%, hành vi chưa tốt về chế độ dinh dưỡng là 47% và hành vi chưa tốt về chế vận động là 43%. Kết quả nghiên cứu của Molly Byrne và cộng sự (2005) [19] cho thấy có 47% người bệnh có hành vi chưa tốt về chế độ ăn kiêng hạn chế chất béo.

Như vậy, tương tự như kết quả khảo sát ở phần kiến thức, qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy thực trạng người bệnh có hành vi chưa tốt trong việc thực các hoạt động có lợi cho việc phòng ngừa tái hẹp động mạch vành. Trong số đó, phần lớn người bệnh chưa có các hoạt động thể chất phù hợp có lẽ do chưa có kiến thức đầy đủ về lợi ích của việc tập thể dục trong trường hợp bệnh lý của người bệnh. Đa số người bệnh

có thói quen ăn mặn và dùng nhiều dầu mỡ trong chế biến thức ăn do truyền thống dùng thêm nước mắm kèm theo trong bữa ăn. Tất cả những điều trên chứng tỏ người bệnh cần được hỗ trợ để thay đổi các hành vi không có lợi trở thành hành vi có lợi cho việc phòng ngừa sự tái phát của bệnh hẹp động mạch vành.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát kiến thức và hành vi dự phòng tái hẹp mạch vành ở người bệnh sau can thiệp mạch vành qua da tại bệnh viện đa khoa tỉnh khánh hòa năm 2017 (Trang 54 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)