7. Kết cấu của đề tài
3.2.2. Kết quả nghiên cứu định tính
Kết quả nghiên cứu định tính tác giả đã xác định được mô hình nghiên cứu và xây dựng thang đo nghiên cứu.
3.2.2.1. Mô hình nghiên cứu
Kết quả khảo sát từ các chuyên gia có 100% ý kiến các chuyên gia đều đồng ý với 3 nhóm nhân tố mà tác giả đã đưa ra là: Chính sách pháp luật về thuế; Người nộp thuế; Thủ tục kiểm soát thuế TNDN tại cơ quan thuế. Có 63,6% các chuyên gia đề xuất thêm nhân tố hồ sơ khai thuế, vì họ cho rằng độ tin cậy của các thông tin trên hồ sơ khai thuế hiện nay còn nhiều bất cập. Từ các lập luận trên, mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến kiểm soát thuế TNDN tại Cục Thuế tỉnh Bình Định như sau:
Y = β0 + β1X1 + β2X2 + β3X3 + β4X4 Trong đó:
+ Y: Là biến phụ thuộc (kiểm soát thuế TNDN) được đo lường thông qua 4 mức độ tuân thủ của NNT:
Mức độ cam kết của NNT: NNT đã tuân thủ một cách tích cực, hợp tác với cơ quan thuế và còn có tác động lan toả khuyến khích các đối tượng khác tuân thủ.
Mức độ chấp nhận của NNT: NNT chấp nhận những yêu cầu của cơ quan thuế, sẵn sàng sửa chữa sai sót khi cơ quan thuế yêu cầu. Đối với mức độ này cơ quan thuế cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo NNT tuân thủ tốt.
Mức độ miễn cưỡng của NNT: NNT chấp hành nhưng có sự chống đối. Trong trường hợp này cơ quan thuế cần thanh tra - kiểm tra, đôn đốc thường xuyên và sử dụng các biện pháp cưỡng chế, mệnh lệnh tuy nhiên cần xem xét, phân tích việc sử dụng biện pháp để cải thiện sự tuân thủ.
Mức độ từ chối của NNT: NNT hoàn toàn tách khỏi sự quản lý của cơ quan thuế. Trường hợp này cơ quan thuế phải sử dụng các biện pháp cưỡng chế pháp luật thuế, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuế khi phát hiện sự không tuân thủ.
+ β0, β1, β2, β3, β4 β5 là các hệ số hồi quy.
+ X1, X2, X3, X4 là các biến độc lập (các nhân tố ảnh hưởng đến kiểm soát thuế TNDN tại Cục Thuế tỉnh Bình Định).
3.2.2.2. Xây dựng thang đo nghiên cứu
Để đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến kiểm soát thuế TNDN tại Cục Thuế tỉnh Bình Định, luận văn sử dụng công cụ bảng câu hỏi khảo sát trong đó mỗi mục hỏi được đo dựa trên thang đo Likert với 5 mức độ: (1) Rất không đồng ý, (2) Không đồng ý, (3) Không có ý kiến, (4) Đồng ý và (5) Rất đồng ý.
Số biến quan sát được sử dụng để đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến kiểm soát thuế TNDN tại Cục Thuế tỉnh Bình Định là 31 biến, trong đó:
- Thang đo các nhân tố ảnh hưởng đến kiểm soát thuế TNDN tại Cục Thuế tỉnh Bình Định gồm 4 nhân tố (X): (1) Hồ sơ khai thuế (6 biến quan sát); (2) Thủ tục kiểm soát thuế tại Cục Thuế tỉnh Bình Định (6 biến quan sát); (3) Người nộp thuế (11 biến quan sát); (4) Chính sách thuế (4 biến quan sát).
- Thang đo kiểm soát thuế TNDN (Y) có 4 biến quan sát. Các biến quan sát trong các thang đo đã được tác giả mã hóa và trình bày trong Phụ lục số 4.
3.2.2.3. Xây dựng bảng câu hỏi khảo sát
Dựa trên các thành phần kiểm soát thuế TNDN cộng với các ý kiến thu được thông qua cuộc phỏng vấn các chuyên gia, bảng câu hỏi khảo sát được thiết kế thành hai phần:
- Phần 1: Thu thập những thông tin chung về đối tượng được phỏng vấn khảo sát gồm 2 câu hỏi.
- Phần 2: Các câu hỏi khảo sát liên quan đến các nhân tố ảnh hưởng đến kiểm soát thuế TNDN tại Cục Thuế tỉnh Bình Định gồm 31 câu hỏi. Bảng câu hỏi khảo sát được trình bày trong Phụ lục 3.
Trước khi thực hiện khảo sát chính thức, tác giả cũng đã cho khảo sát sơ bộ một số cán bộ công chức tại Cục Thuế để xem thử bảng khảo sát đã phù hợp chưa. Khảo sát chính thức được tác giả tiến hành trên phỏng vấn điều tra các cán bộ quản lý thuế đã và đang làm trong công tác thanh, kiểm tra thuế tại Cục Thuế và các Chi cục Thuế trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008) thông thường thì số mẫu ít nhất phải bằng 4 hoặc 5 lần số biến trong phân tích nhân tố. Vì vậy tác giả áp dụng kích cỡ mẫu cần thiết trong mô hình nghiên cứu là n = 31 biến x 4 lần = 124 mẫu hay n = 31 biến x 4 đến 5 lần = 124 đến 155 mẫu. Với lượng cán bộ quản lý trong Cục Thuế tỉnh Bình Định như hiện nay thì đủ đáp ứng cho nhu cầu khảo sát theo bảng câu hỏi đã được thiết lập.