Triết luận về cái đẹp khách quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách nghệ thuật thơ văn công hùng (Trang 30 - 37)

PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ VĂN CÔNG HÙNG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TRIẾT LUẬN VỀ CÁI ĐẸP VÀ ĐỜI SỐNG

2.2.1. Triết luận về cái đẹp khách quan

Thế giới tự nhiên (với nghĩa khái quát nhất) dù thể hiện dưới hình thức, sự vật, hiện tượng, hệ thống vật chất cụ thể khác nhau thì nó luôn ở trong trạng thái vận động, biến đổi không ngừng; đồng thời nó tồn tại khách quan độc lập với ý thức của con người. Chẳng hạn như: một bông hoa nở rực rỡ trong buổi ban mai tinh khiết, hay một giọng nói dịu dàng cất lên giữa những tạp âm,… tự bản thân nó trước hết đã là cái đẹp. Còn đẹp như thế nào, đẹp đến mức độ nào, tại sao đẹp lại là những vấn đề khác. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến thuộc tính tồn tại khách quan, không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người mà cái đẹp tự nhiên nói chung và cái đẹp nghệ thuật nói riêng sở hữu. Nói như nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà trong Văn chương, thẩm mĩ và văn hóa

thì: “Chúng ta không hề khuếch đại mặt bản năng của nghệ thuật,…Thừa nhận nó ở một mức độ nào đó chính là khẳng định vai trò của nhân tố khách quan trong sự đánh giá thẩm mĩ. Cái đẹp không chỉ là sản phẩm của ý thức, chỉ tồn tại trong phán đoán thẩm mĩ của con người. Cái đẹp có cơ sở khách quan trong những thuộc tính tự nhiên nào đó của bản thân sự vật” [79, 256 - 267]. Văn Công Hùng triết luận về cái đẹp khách quan với các hình thức tồn tại sau:

2.2.1.1. Cái đẹp là sự chắt lọc từ những trải nghiệm của cuộc sống

Văn Công Hùng vốn là con người có tâm hồn đa mang, trái tim nhạy cảm, lối sống phóng khoáng, ông đã đi nhiều nơi, qua nhiều vùng miền, để rồi chắt lọc những điều mắt thấy, tai nghe thành những câu thơ đầy nhạc điệu, mang tính triết lý sâu sắc. Ông thường dùng khả năng quan sát tinh tế của mình để nhận ra những cái đẹp như thế. Đó là chất nghệ sĩ toát ra từ hành động và suy nghĩ thoáng qua trong đầu, là tình người, tình đời hòa quyện và tan vào nhau trong sự khát khao, cháy bỏng.

Kiếm tìm cái đẹp, trải nghiệm cái đẹp của Văn Công Hùng là nỗi khát thèm được giao hoan cùng vũ trụ, đất trời. Ông muốn mình là tất cả mọi vật để được trải lòng ra muôn nơi, được thấu hiểu những lẽ sâu kín từ cuộc sống mà mình đã đi qua. Giấu đằng sau những câu thơ kiệm lời, súc tích là những trải nghiệm về triết lý cuộc đời, đan xen giữa chất trữ tình ngọt ngào, da diết là nét trầm tư của cái tôi không ngừng chiêm nghiệm, kiếm tìm cái đẹp từ cuộc sống. Tư duy thơ ông thoả sức bung phá, đào sâu vào những miền tâm tưởng trong cuộc sống để mở tung cánh cửa tâm thức cho người đọc: có một mùa xuân ta chợt thấy mình giàu/ em vô tư thả chiều vào cơn khát/ vẫn còn tin yêu vẫn còn câu hát/ vẫn quỳ vàng mê hoặc gió cao nguyên (Có một mùa xuân ta chợt thấy mình giàu).

Cái đẹp được chắt lọc từ cuộc sống một cách đơn giản, tự nhiên, thuần khiết mở ra để khép lại một suy nghiệm, một bài học đi đường mà nhà thơ dành cho mọi người:

Những cơn gió thổi từ phía cánh rừng ẩm ướt Nhắc ta nhớ những con đường thăm thẳm bàn chân Những cơn mưa, những vệt chân trời sáng tối

Năm tháng vẹn nguyên, năm tháng chảy qua đời (Gửi K’bang)

Văn Công Hùng cũng thường ngẫm nghĩ, triết luận về cái đẹp trong từng bước đi của ông trên đường đời: Không phải cứ bên nhau là xa cách/ Nhiều khi chưa gặp đã quen rồi (Cao Nguyên ngày tôi mới). Hai câu thơ rất giản dị, lời thơ chân thành, mộc mạc, dễ đọc, dễ nhớ nhưng lại mang nhiều ý nghĩa. Lời thơ đã dẫn dắt người đọc về với cuộc sống của con người trong cõi nhân thế. Ở

đó vui buồn lẫn lộn, thương nhớ đan xen, đó là những cảm xúc của con người trong cuộc đời. Sông có khúc, người có lúc, ai cũng có những khi khổ đau, vui sướng, ai cũng chất chứa trong tim những niềm thương nỗi nhớ, những ngọt ngào đắng cay. Nhưng cuộc đời con người là ngắn ngủi, chỉ cần một cái “chớp mắt” là mọi nỗi đau nhân tình thế thái đã trở thành dĩ vãng. Vì thế con người được gặp nhau, quen nhau, xa nhau, gần nhau trở thành những điều dường như không có khoảng cách.

Với nhà thơ, từ sự dấn thân vào cuộc sống đến với những trang thơ là hai quá trình luôn luôn gắn bó và song hành cùng nhau. Bởi lẽ, tác giả ham chơi, thích phiêu lưu cùng trời đất, gió trăng nhưng chất đầy trong tim những mối suy tư, trăn trở, chiêm nghiệm về cuộc sống:

Cánh buồm ấy giờ xa rồi nón trắng không ai đội nữa chỉ còn mùi rơm rạ

vĩnh cửu với thời gian (Hồi ức rơm rạ)

Tác giả dấn thân, nếm trải để rồi chọn lọc tất cả những cái đẹp từ cuộc sống và mượn thơ để tự giãi bày. Qua thơ ông, độc giả thấy được nỗi ám ảnh quan hoài thường trực trong tâm hồn ông. Hơn nữa, qua những lời thơ tưởng như là lời tâm tình, ông lại thể hiện những ngẫm nghĩ về cuộc đời :

Không thể hết những muộn phiền Không thể hết những nỗi đau

Không thể sung sướng đến tận cùng Nước mắt đến tận cùng

(Và gió)

Ông đã quan sát, nhìn nhận từ hiện thực cuộc sống để từ đó đưa ra những nhận định về con người và cuộc đời. Nhà thơ thường hay suy ngẫm chiêm nghiệm về con người và thời đại. Là người từng trải nhà thơ đã chứng kiến bao sự kiện, để rồi suy ngẫm về cuộc đời này:

cái miệng để nói trái tim để đau

có những chức năng hình như đang đổi tìm một sự tử tế sao mà khó

dửng dưng mắt chớp qua ngày

(tự gặm)

Đến với thế giới thơ Văn Công Hùng, độc giả như đang được sống giữa cuộc đời, trải nghiệm cuộc đời qua từng câu chữ. Mọi cung bậc của cảm xúc, thế giới muôn màu của cuộc sống, con người ở khắp mọi miền Tổ quốc, hiển hiện trong thơ ông sinh động, mỗi người mang môṭ dáng hình, dáng vẻ. Nhà thơ làm thơ là để giãi bày tâm trạng, để thăng hoa cảm xúc, do đó thơ ông khi nói về sự trải nghiệm trong cuộc sống hiện đại khá sâu sắc và thấu đáo: Thời gian thành bó số/ Thời đại tình yêu lục lọi check mail/ Chỉ một enter cả ngàn trái tim cùng hát/ Nỗi nhớ vèo bay cuồn cuộn cáp quang (Cỏ ngày xưa).

Cõi thế gian chập chùng nhiều nước mắt và nụ cười mà nhà thơ đã trải qua, xét cho cùng đó là cuộc đời đan xen, hoà quyện giữa thế sự và cõi tâm tình của con người. Ở đó, con người và cảnh vật hòa vào nhau, duy trì nhau, tương tác nhau. Qua đó, ta cũng trông thấy một gương mặt rất hiền mà cũng đầy bụi trần - một gương mặt lắm men say dành cho cõi đời mà cũng khắc khoải, hoài nghi và cô đơn giữa thế gian. Con người mạnh mẽ nhờ những trải nghiệm bão tố của cuộc đời. Chúng ta có niềm tin và lạc quan nhờ có tình yêu. Con người trở nên khôn khéo và bản lĩnh một phần nhờ có những bước dấn thân vào cuộc sống để nhận ra những điều nghiệt ngã trong cuộc sống:

nhân gian tưởng rộng nhường kia mà té ra nhỏ hẹp đi hoài vẫn có tiểu nhân

(Vợ)

Chất suy tư, triết luận ở con người này đã ngấm cả vào thơ, như men rượu ngấm dần vào máu. Chúng ta đọc thơ Văn Công Hùng - chàng thi sĩ “hát rong” để thấu hiểu với cõi lòng ông, cảm nhận được những trăn trở và khát vọng của ông về tình yêu, nghệ thuật cũng như cuộc sống. Qua đó để thấy chất phong trần ở nhà thơ không chỉ thể hiện trên gương mặt đăm chiêu, thấm nỗi buồn diệu vợi mà còn thể hiện qua hình ảnh thơ chắt lọc từ cuộc sống đầy dự cảm, chiêm nghiệm và triết lý.

Văn chương và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó chính là con người, mà phải là con người trong các mối quan hệ với thế giới xung quanh. Vì thế, con người trở thành đối tượng miêu tả chủ yếu để văn học

có một điểm tựa nhìn ra thế giới bên ngoài. Con người lịch sử, con người cá nhân, con người xã hội là trọng tâm đánh giá các mối quan hệ. Do đó, người nghệ sĩ phải đi nhiều, hiểu nhiều, phải chọn những phương tiện để bộc lộ mọi mặt trong đời sống của con người. Dù ở góc độ, bình diện nào đi nữa, dù là niềm vui hay nỗi buồn, dù yêu đời hay yêu người thì cái đẹp trong thơ Văn Công Hùng chính là sự chắt lọc và trải nghiệm cùng cuộc sống, là cái tôi thiết tha chia sẻ và đồng cảm với con người, cuộc đời một cách tự nhiên, thoải mái mà không sáo rỗng và đồng bóng.

2.2.1.2. Cái đẹp là cái gắn với những giá trị tinh thần cao quý trong cuộc sống

Giá trị tinh thần là phạm trù ý thức hệ rộng lớn của cộng đồng người mang tính tích lũy và truyền thống. Giá trị tinh thần là nội dung cơ bản của văn hóa, tạo nên các giá trị văn hóa cũng như tầm vóc văn hóa cho cộng đồng. Ở đây, chúng ta hiểu giá trị tinh thần ở mức độ đơn giản nhất là những gì tốt đẹp trong phẩm chất cá nhân và cộng đồng. Giá trị tinh thần, trước hết được Văn Công Hùng thể hiện ở cái nhìn về đất nước qua hai góc nhìn về chiến tranh và hòa bình.

Là người trải qua những thời khắc khốc liệt của chiến tranh, Văn Công Hùng suy nghĩ và trân trọng vô cùng hai tiếng hòa bình: Thời nhỏ tôi đã mũ rơm đến trường/ Đã nhiều lần hút chết/ Đã ngủ dưới hầm trốn trong hang, học dưới lòng đất/ Để các con tôi gặm nhấm hòa bình (Tổ quốc của tôi). Càng thiết tha yêu Tổ quốc bao nhiêu, ông càng cố lý giải ý nghĩa của tự do bấy nhiêu. Văn Công Hùng đã nhiều lần suy nghĩ về giá trị của hai chữ hòa bình:

đất nước tôi đã có hàng núi xương sông máu đã có nhiều thế hệ lên đường

những người yêu Tổ quốc đến giọt máu cuối cùng đau đớn tận cùng khi Tổ quốc lâm nguy

(Tổ quốc của tôi)

Bằng ngòi bút triết luận, nhà thơ thể hiện sự trăn trở về ý nghĩa của từ hòa bình và như vậy Văn Công Hùng càng trân trọng những người đã hi sinh vì hai tiếng đó. Ông triết luận về nỗi đau mà những cuộc chiến phi nghĩa để lại cho con người quê hương: Mẹ đã chờ dằng dặc những đêm sâu/ cha đã thức mỏi mòn trăng chếch tháng/ lá trầu xanh quả cau vời vợi nắng/ sao cứ im lìm mãi

mãi Trường Sơn (Nén hương này thắp lửa tìm nhau). Hay:

Một cú Gạc Ma sáu tư mạng người thẳng băng đáy biển

đến giờ những luênh loang xanh phẳng lặng nếu không người nhắc lại thì ai biết những oan hồn đang lang thang nơi đâu

những vòng hoa có thể dịu đi cơn mắt chiều tưởng chừng yên tĩnh quê nhà xanh dâu

quê nhà mẹ đợi

nỗi đợi chờ phi thời gian (Thẳng đứng)

Có thể rất nhiều người trong số họ không còn tuổi tên trên sử sách, có thể họ đã chết bình thường, không chiến công hiển hách, có thể mai sau người ta dần quên nhưng họ đã thành hạt cát dưới bàn chân thành miền đất chói ngời bên biển sóng. Đối với Văn Công Hùng, họ đã trở thành bất tử, sống mãi cùng đất trời, được lưu giữ như những giá trị tinh thần lớn lao của toàn dân tộc và được tác giả nâng thành biểu tượng của cái đẹp tinh thần quý giá.

Yêu quê hương, đất nước cũng là một giá trị tinh thần được bồi đắp trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Tình yêu đất nước được Văn Công Hùng thể hiện giản dị trong thơ. Rời bỏ Huế mộng Huế mơ, nhà thơ đến với Tây Nguyên và nơi đây trở thành quê hương thứ hai của ông. Song ký ức về Huế vẫn vẹn nguyên trong tác giả, ông gặp lại Huế thương ngay trên Cao Nguyên đất đỏ bazan này: Tóc em xanh trời Huế bốn mùa/ Cao nguyên gió nón em nghiêng đón gió/ Áo thì trắng mà bazan thì đỏ/ Mắt học trò háo hức gặp dòng Hương (Gặp Huế trên cao nguyên).

Dường như ký ức về Huế luôn là nỗi ám ảnh thường trực trong thơ Văn Công Hùng. Ông viết về Huế bằng cảm xúc nhớ quê đến nao lòng và vì thế ấn tượng Huế bùng cháy xuyên suốt thơ ông: Ta trở về nhặt những kỷ niệm xưa/ đêm mười tám trong veo như áo trắng/ em còn nhớ một mối tình câm lặng/ thuở sông Hương chỉ lặng lẽ bồng bềnh…(Và ngày ấy sông Hương mười tám tuổi).

Nhà thơ thường hay cảm động trước sắc trời quê hương, yêu tha thiết những vùng đất đã đi qua và chưa bao giờ tới: Sơn La ngày tôi đến/ em như vừa mưa qua/ phố non mềm và nắng/ ngơ ngác này ngác ngơ (Sơn La).

Trong mỗi chuyến đi thực tế đó ông lại ghi lại những cảm xúc, những dấu ấn qua những trang thơ của mình. Ở thành phố Cảng, ngoài sự hoành tráng, dữ dội, nhà thơ còn phát hiện nét dịu hiền, cần mẫn đầy ám ảnh: Hải Phòng vệt biển trần tay vẫy/ những con cá ươn người trơn nhẫy đêm/ những cô bé vừa tự tin vừa hoang mang vật vờ như song/ em - bỗng - chiều - biệt - tan (Hải Phòng).

Văn Công Hùng là chàng thi sĩ đa cảm. Không chỉ nhớ người ở Huế mà ông còn nhớ người ở Đà Lạt, Nha Trang, Côn Đảo, Krông Pa... Dường như, nơi nào nhà thơ dừng chân là nơi đó có bóng hình của em. Như vậy, hình tượng em đâu phải chỉ là bóng dáng thực của một giai nhân mà còn là nàng thơ của thi sĩ. Em trở thành nỗi niềm để nhà thơ bày tỏ tấm lòng của mình trước những vẻ đẹp của đất nước, của từng vùng miền: tôi với em với sông Hương/ với bông lựu đỏ với vương vấn chiều/ với nhành cỏ tím phiêu diêu/ với mây thành nội với điều vu vơ/ với mùa phượng cháy tình cờ/ mùa thu như thể nắng vừa trôi qua (Mùa thu như thể nắng vừa trôi qua).

Hay:

Có một Kom Tum trong nỗi nhớ để tâm tưởng tôi về

để tôi sống với em bên kia đầu nỗi nhớ em trở thành đau đáu của đời tôi

(Có một Kom Tum trong cõi nhớ)

Nơi nào trên dải đất hình chữ “S” cũng là nơi gắn bó thân thiết với ông nên ông hay làm thơ về các địa danh như là để lưu dấu một kỉ niệm, một cái tên (Ta về Đà Lạt, Đêm KrôngPa, Lục bát côn Đảo, Một thoáng làng sen, Ghi ở Nha Trang, Chiều nay Đà Lạt, Về Tuy Hòa thăm bạn…).Thơ Văn Công Hùng luôn in dấu những nẻo đường ông đã đi qua. Chỉ cần trông vào tên bài, người ta cũng có thể thấy được ông đã đặt chân ở đâu. Chỉ những đến và đi, chia tay và gặp gỡ nhưng đều để lại cho ông những cảm xúc riêng khó diễn tả.

Nhớ về những gì đã qua, những người đã khuất dường như là thói quen của nhà thơ. Với người Việt đó là một biểu hiện của giá trị tinh thần, một nét đẹp văn hóa. Cái tôi nhỏ bé của tác giả khi đối diện với hiện thực cuộc sống đã thấm thía chiêm nghiệm:

không còn nơi để dựa

những buổi chiều hoang hoải ngóng vào đâu vào đâu… giờ con thấm nghĩa mồ côi con đã non sáu chục

những buổi chiều ân hận chân trời mướt mải cát bay…

(Chân trời mẹ)

Tác giả thương nhớ mẹ, đặc biệt khi “mẹ sẽ có một giấc mơ đẹp và dài”, khi mẹ sắp “về với ba, ba đợi lâu rồi” thì mọi ký ức về mẹ hiện lên trong tâm trí nhà thơ thật cảm động biết bao: ta lớn lên thì mẹ bé lại/ vòng vọng những buổi chiều tựa cửa chờ con/ cả hai đứa con trai ngun ngút lớn/ một thời mơ cơm trắng thịt kho (Mẹ).

Vẫn chung một mạch nguồn cảm xúc ấy, nhà thơ lại khắc khoải một nỗi niềm với ba: nén hương thắc thỏm nhạt nhòa/ con châm lửa thắp khói và cát

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách nghệ thuật thơ văn công hùng (Trang 30 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)