PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ VĂN CÔNG HÙNG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ, THỂ LOẠI, KẾT CẤU
3.1.1. Ngôn từ chân thành, giản dị, đậm chất đời thường
Ngôn ngữ nghệ thuật phản ánh nét đặc sắc trong thế giới nội tâm của người cầm bút. Nhà nghiên cứu phê bình Hà Minh Đức viết: “Phong cách sáng tạo của từng nhà văn như thế nào thì ngôn ngữ thơ ca cũng thể hiện đầy đủ những mặt mạnh và hạn chế một cách tương ứng…Từ tiếng nói quen thuộc của đời sống, ngôn ngữ thơ ca đã tạo nên những năng lực kì diệu” và ông cũng khẳng định: “ngôn ngữ thơ ca không đòi hỏi thứ ngôn ngữ cao sang bóng bẩy
qua nhiều sắc thái bất ngờ” [17, 167].
Ngôn ngữ thơ Văn Công Hùng dung dị, đời thường, giản dị và “hiền”. Đơn giản vì chúng tôi cho rằng con người nhà thơ cũng không khác với cách thể hiện con người trong thơ ông là mấy. Tuy là người từng trải, đã từng là kẻ lưu lạc song ông không hề cầu kỳ mà luôn “mã hóa” ngôn ngữ bằng trái tim và cảm nhận của một con người đời thường. Ông luôn cố gắng giữ nguyên hay bão hòa cảm xúc trong ngôn ngữ thơ của mình: người chỉ đi qua thôi/ có gì mà phập phồng đến thế/ cơn giông cơn giông/ sóng điện thoại chập chờn đứt nối/ có ai cần đâu (vô tận).
Văn Công Hùng là nhà thơ đã phát huy một cách khéo léo vào thơ cả tình cảm, hiểu biết, khả năng của các giác quan khiến thơ là tiếng nói của đời sống, biểu đạt những suy nghĩ tự nhiên của con người. Ngôn ngữ trong thơ ông là ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ của tiếng nói chân thực hàng ngày: những con hẻm tết nghèo chưa kịp tới/ cơn lạnh run người sấp ngửa bàn tay/ hoa bán ế vỉa hè cong thảng thốt/ sáng mai rồi mùng một có ai mong…(sáng mai rồi mùng một).
Có lúc nhà thơ như thủ thỉ: Thôi đi em/ bông hoa đã rụng cánh rồi/ tìm chi ngày xưa nữa/ còn đâu thơ ngây /còn đâu dang dở/ còn đâu giấc mơ/ để một đời hoài vọng (Thôi. Em đi lấy chồng).
Cách nói của nhà thơ bình thường, giản dị và dung hòa với đời sống nhưng cũng đồng thời biết khai thác những tiềm năng ngôn ngữ thơ ở các cấp độ: ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp: những con chữ khiến mình không thể khác/ suốt cuộc đời sấp ngửa giữa lơ ngơ/ qua nước mắt bàn tay còn biết khóc/ ôm chặt vào xa xót của mình đi…(luận đề chữ).
Đây là kiểu ngôn ngữ thô ráp, gần gũi đời sống hằng ngày. Nó là một dạng đan xen giữa thể loại thơ và văn xuôi. Sử dụng kiểu ngôn ngữ này, nhà thơ như muốn bứt khỏi từ trường của loại ngôn ngữ thấm đẫm chất trữ tình, óng chuốt, mượt mà có truyền thống lâu dài trong thơ ca dân tộc. Với ngôn từ tự nhiên, giản dị nhưng có khả năng biểu hiện tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước cuộc sống thường nhật, Văn Công Hùng đã đưa thơ về với đời thường: những đồng tiền vào tay như gió vào nhà trống/ cô bé non choẹt lừa lão luyện chuyên gia vèo bay 4 ngàn tỉ/ rồi huề/ 10 cân su hào chưa gạt ngang tô phở (sáng mai mùng một rồi).
vào bản chất trần trụi của đời sống và gần với người đọc hơn. Thơ ông giàu tính tự sự nên việc kết hợp kiểu ngôn ngữ đời thường đã thể hiện cái nhìn về cuộc sống hàm chứa một quan niệm thẩm mỹ riêng.
Đọc thơ Văn Công Hùng, cứ ngỡ như chúng ta đang tiếp xúc với lớp ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày giản dị chân thật. Chức năng của thơ là phản ánh cuộc sống đời thường qua lớp ngôn từ chọn lọc, bóng bẩy nhưng thơ Văn Công Hùng là một lớp ngôn từ gần gũi với khẩu ngữ nhiều hơn là ngôn ngữ thơ ca:
Vũng Tàu ạ, ta nhặt vào thương mến/ tiếng ốc buồn ngờm ngợp gió biển xanh/ tóc thề ạ giá mà không có cát/ để chân trần lội ngược tuổi thơ ta .../Mùa xuân ạ gió thổi tràn phố núi/cõi tin yêu em thắp dốc mờ sương/ một chút biển gửi vào heo may tết/ để cho chiều thăm thẳm mờ xa (Mùa xuân ạ).
Những bài thơ này, mới đọc qua, ta có cảm giác ngôn ngữ mà ông sử dụng gồ ghề, gấp khúc nhưng nhờ có cấu tứ giống như một câu chuyện được kể bằng thơ, mà mỗi trang thơ của ông cứ nhẹ nhàng khơi gợi lên biết bao tình cảm trong cõi tâm hồn độc giả. Đó là thứ ngôn ngữ vỉa hè, bụi bặm và lấm láp, tự nhiên có vẻ xô bồ hỗn tạp nhưng lại có khả năng biểu hiện đa dạng và độc đáo.Và chất đời thường lại là điểm tựa cho sức cuốn hút mãnh liệt trong thơ ông. Phía sau lớp ngôn ngữ thô ráp này là chiều sâu cảm hứng nhân thế mà nhà thơ đã nhận, đã thu gom từ cuộc đời.
Tính chất khắc khoải, hoài nhớ trong cuộc đời Văn Công Hùng cũng là một yếu tố hỗ trợ cho ngôn ngữ này. Ông ngất ngưỡng, sáng sáng tối tối, có có không không giữa quá khứ và hiện tại. Ông thường lắng lại để trăn trở, suy tư:
viết cho bóng tối từ nơi còn sáng/ thấy âm u lóe ánh nhân tình/ thì em nhé, coi đây là cõi tạm/ giọt trần gian nặng nợ u mê (viết cho bóng tối).
Ngôn ngữ đời thường trong thơ ông phần lớn luôn được giữ ở mức độ vừa phải, kể cả khi diễn tả những nỗi “đau đời”: chợ hoa Sài Gòn nhạt nhòa nước mắt/ thương những đồng tiền chắc lép/ cả năm trông chờ vào tết/ chuyến xe không uể oải quay đầu (tự gặm).
Nhà thơ nói như vô tình, nói như vu vơ, bâng quơ nhưng thật ra điều đó càng tăng thêm sự xót xa, bất lực trước cuộc sống xô bờ. Quả thật thơ Văn Công Hùng có những điều bình thường không dễ nói ra, không dễ để diễn đạt cho trọn vẹn: Người nuôi cá và người săn cá/ cũng có ngày cong vềnh như cá/ chảo dầu
và nồi hấp/ nhớ đừng quên hành hoa và thìa là/ IS và động đất/ những bàn tay bấu vào tuyệt vọng/ niềm tin chợt mùi tỏi phi/ ánh mắt vô hồn lạc trong chảo sôi ngàn độ (chuyện bể cá).
Ngôn ngữ trong các bài thơ của ông đều bật ra từ đời sống nên không có hình thức vay mượn giả tạo hoặc tỏ ra điệu bộ quá thể. Văn Công Hùng đã đi trên con đường nghệ thuật bằng tình yêu ấm áp nên trong cách sử dụng ngôn ngữ ông luôn chứng tỏ nó là một phần đời sống, và cũng chưa bao giờ ông muốn tách mình ra khỏi vẻ đẹp dung dị mà sâu sắc của ngôn ngữ Việt Nam. Nhà thơ đã chọn cho mình một hệ thống ngôn từ mang âm hưởng của sự giản dị nhưng chân thành. Đó là cách ông giao cảm với cuộc đời và với bản thân. Không màu mè, tô vẽ, Văn Công Hùng trải lòng qua thơ bằng vốn từ của riêng mình.