PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ VĂN CÔNG HÙNG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ, THỂ LOẠI, KẾT CẤU
3.1.2. Ngôn từ mang tính khái quát, triết luận
Văn Công Hùng thường hay suy ngẫm chiêm nghiệm về con người và thời đại. Ông đã qua sát, nhìn nhận từ hiện thực cuộc sống để từ đó đưa ra những nhận định về con người và cuộc sống thời ấy. Giọng thơ của nhà thơ đặc sắc nhờ những suy tưởng. Một mặt, đây là dụng ý nghệ thuật của nhà thơ để tạo sự mới lạ cho thơ. Nhưng mặt khác, đó cũng là nhu cầu nội tại của chính nhà thơ. Có ý thức sáng tạo, lại được thôi thúc bởi cảm hứng thi ca, thơ Văn Công Hùng càng đậm màu sắc của thơ ca triết luận. Nhưng triết luận trong thơ ông không mang tính triết học cao vời, cũng không phải là sự biện giải thâm sâu theo kiểu lập thuyết, càng không phải là sự nỗ lực lý sự, biện lý trong thơ. Tính triết luận trong thơ Văn Công Hùng đơn giản chỉ là tiết chế cảm xúc, gia tăng chất trí tuệ vào thơ khiến dòng thơ, ý thơ khơi gợi sự ngẫm nghĩ, suy tư.
Thơ Văn Công Hùng thường xuất hiện những từ ngữ có tính khái quát cao nhờ hình thức ghép từ. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những từ kiểu như : miền chờ đợi,mặt trời miền cổ tích, những buổi chiều ngút ngụt mắt, gió tung tăng màu, tháng năm thở dài, nỗi buồn khắc khoải, miền cổ xưa, em đến như định mệnh, sương mù như nước mắt,… Biên độ về nghĩa của từ được nới rộng đến mức có thể.
Thơ Văn Công Hùng thường có những từ ngữ và cấu trúc ngôn ngữ mang tính định nghĩa, giải thích, suy luận.
- Một số từ thông thường có thể được liệt kê là : như, như thể là, là, đó là, nhưng, có thể, nếu có thể, sao, sao lại, dù, dẫu, hay, nào đâu, đâu, nào hay đâu, …
Chúng tôi có làm một thống kê nhỏ và nhận thấy tần số xuất hiện qua các tập thơ khá cao đã khẳng định tính thường xuyên, lặp lại, góp phần giúp ta nhận thấy tư duy triết luận trong thơ Văn Công Hùng.
Những biểu hiện của ngôn từ mang tính triết luận
Từ dùng để định nghĩa Từ dùng để giải thích Từ dùng để suy luận Những từ
thường dùng nhất như là nhưng
đâu, nào đâu có lẽ, có thể sao, sao lại Tần số xuất hiện qua các tập thơ 65 75 38 12 11 23 Có thể đưa ra một số ví dụ:
- Như: xưa đi/ như những gì xưa cũ/ tháng năm gập ghềnh khấp khểnh/xưa đi/thác trắng xòe tan bóng nắng (Mây trắng lắm người ơi); đã rằng người ở miền đêm/ như con sóng trắng vỗ mềm nỗi đau/ đời là một trắng bông lau /gió mạnh thì nát, gió nhàu thì xơ (Thả gió vào chùa); em như cơn gió lang thang đầy đêm vắng/ thổi xuyên sương rơi thấp thỏm mái nhà (viết trong đêm mất ngủ);…
- Sao/ sao lại: Sao em lại đi ngang đường/ để chiều nghiêng vào nắng/cây chết lặng/ tôi như cột đèn mưa nắng với ngày xưa (Bùa yêu); Sao vẫn chiều, vẫn bấc vẫn dịu êm/ đến run tím những cánh bèo ngơ ngác/ sao vẫn lạnh vẫn nồng vẫn khát/ vẫn mong manh con én nhỏ lạc loài (Bấc mùa đông);…
Một số cấu trúc thường gặp : - Cấu trúc liệt kê:
Văn Công Hùng hay liệt kê những biểu hiện kết lại một suy nghĩ đã được chiêm nghiệm nhằm đưa ra một kết luận mang tính khẳng định: Ông còn dùng cấu trúc liệt kê và tận dụng triệt để sự trùng điệp giữa các vế để luận giải một vấn đề. Ông dành cho những người bạn thơ của mình một tình cảm đặc biệt trong sự chiêm nghiệm về đời sống thi ca: Thơ cho đời cho bạn cho tôi/ có chút đắng khé lòng nổi trôi thân phận/ có tí ti ngọt ngào nụ hôn tình ái/ có vầng trăng bạc phếch ở trên đầu (Thơ trong chiếu rượu).
- Cấu trúc văn xuôi hóa: bài thơ Chiếc váy buồn đêm biển Nha Trang, toàn bài là một văn bản được biểu đạt theo phương thức tự sự :
dẫu chẳng làm gì, chỉ bắt tay,ăn cơm và nhậu mà thực ra chẳng có hạt cơm nào
từ lâu đã quên thói quen ngọc thực Miền Bắc lũ quét
Miền Nam lụt Miền Trung mưa
giá gạo lên nhưng người nộng dân vẫn lỗ
cũng từ lâu ta quên người nông dân sống như thế nào những đợt quyên góp nhắc rằng còn những người rất khổ nhưng quyên góp không thể làm hết khổ
Văn Công Hùng dường như muốn văn xuôi hóa để diễn giải những phán đoán, suy nghĩ của ông. Đây là một bước của tư duy triết luận trong thơ. Ngoài ra tác giả còn dùng các nhóm từ đậm chất văn xuôi khác như : Như thể là, có thể nào, nào hay đâu, nào còn đâu, mấy ai…, đột nhiên anh…,hầu như bao giờ…, cố nhiên là…, không thể…cũng không thể, có thể là…mà còn là, mấy nỗi, như thế kia ư, biết chừng nào, giá mà…, nhưng…ấy mà, anh không thể…nhưng anh có thể,… Những nhóm từ này được ông sử dụng một cách tự nhiên thoải mái. Điều đó chứng tỏ, nó nằm trong chủ đích sáng tạo của nhà thơ góp phần làm nên một nét đẹp trí tuệ trong thơ của ông. Qua đây, nhà thơ chứng tỏ tính hiệu quả khi thể nghiệm một cách làm thơ khác đi cùng chiều với sự thay đổi của thời cuộc.
Thơ ông còn có những cụm từ đối lập, tương phản để khái quát và luận giải. Con người, sự vật, hiện tượng xét về bản tính tự nhiên đều là những thực thể luôn tồn tại trong những trạng thái phức tạp với những xung động đa chiều. Điều này, tạo nên tính không trọn vẹn cũng như tính hai mặt trong mỗi con người, sự vật, hiện tượng. Là người luôn trăn trở và nhạy cảm, nhà thơ muốn đưa vào thơ tất cả những trạng huống đó để bàn luận tạo nên những triết luận. Triết luận về đạo đức con người: Câu thề thảng thốt trước sau/ Người như cát ấy vì nhau mà buồn (Thả gió vào chùa); triết luận về lẽ sống còn: Lá rơi chẳng biết cành đau/ Nước trôi hòn sỏi nhuộm màu hớ hênh/ Mùa đi chân mây nổi nênh/ Một manh cỏ muộn xanh đành xanh thôi; triết luận về thế thái nhân tình: Mỗi người chúng ta đều có một cái ngưỡng an toàn/ Thụp xuống nhô lên đều nguy hiểm (Phao an
toàn); triết luận về trò đời: đời là một thoáng bông lau/ gió mạnh thì xác, gió nhàu thì xơ;… Những triết luận này có sức khái quát cao. Nó chính là sự thật ở đời mà đôi khi người thường chúng ta dễ dàng bỏ qua hoặc nhận ra nhưng không nói được thành lời. Bằng trải nghiệm và suy tư, Văn Công Hùng đã diễn đạt đầy trí tuệ qua việc sử dụng thành công phương thức đối lập.
Ngôn ngữ trong thơ Văn Công Hùng nặng tính khái quát, triết luận được thể hiện rõ nét qua việc dùng từ, đặt câu. Cách diễn đạt theo xu hướng này khiến thơ của ông giàu chất trí tuệ. Qua đây, ta cũng thấy nhà thơ có ý thức sâu sắc về việc sử dụng ngôn từ thơ một cách cá tính để thể hiện sự bứt phá và vượt thoát bản thân trong lao động nghệ thuật.