Ngôn ngữ đời thường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật thơ ngô thì nhậm (Trang 70 - 74)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Ngôn ngữ đời thường

Bên cạnh lớp ngôn ngữ bác học mang sắc thái trang trọng, thanh nhã vốn chiếm vị trí chủ đạo, trong thơ Ngô Thì Nhậm còn một lớp ngôn ngữ

khác cũng được tác giả sử dụng một cách nhuần nhuyễn, đem lại nhiều giá trị thẩm mỹ quan trọng. Đó là lớp ngôn ngữ sinh hoạt với sắc thái giản dị, gần gũi, đời thường.

Nếu như lớp ngôn ngữ bác học chủ yếu được Ngô Thì Nhậm sử dụng trong các tác phẩm thiên về nội dung nói chí, thuật hoài, ca ngợi đất nước, vịnh sử… thì lớp ngôn ngữ sinh hoạt lại được nhà thơ thường xuyên sử dụng trong những bài thơ nghiêng về nội dung giải bày tâm trạng, miêu tả cuộc sống hằng ngày của nhân dân và chính bản thân, viết đùa gửi bạn bè, chửi tham quan ô lại,… Chẳng hạn, trong bài Mạ lưỡng khả tri huyện, tác giả đã

dùng nhiều khẩu ngữ, hình ảnh so sánh nặng nề, thậm chí từ ngữ thông tục để mắng tên quan tri huyện hai phải tham lam, xảo quyệt:

“Nhĩ tể nhất huyện dân, Đoán tụng trì lưỡng khả. Triều đình thụ nhĩ quan, Chính lộc phi nhĩ ngạ. Hà sự tác muội tâm, Tam tứ dụng trở trá. Nhĩ vi tham giăng đầu, Trãm nhân bài trường hạ. Tuy nhĩ bất thao đao, Nhĩ thành sát nhân giả. Tác dũng hà khả chu, Đại ác tại thủ họa.”

(Mày trị dân một huyện / Xét xử nắm hai cái phải / Triều đình trao chức quan cho mày / Có lương bổng, không bỏ đói mày / Cớ sao sinh lòng man muội / Nhiều lần dùng âm mưu xảo quyệt / Mày là con nhặng tham lam / Lừa

dối người, núp dưới chân tường / Tuy mày không cầm dao / Mày thực là đứa giết người / Kẻ gây ra không đáng trách / Tội đại ác ở thằng đầu sỏ).

Khi viết về vua Quang Trung, về cha, về những danh nhân lịch sử…, Ngô Thì Nhậm thường dùng lớp từ ngữ bác học mang sắc thái tôn kính. Ngược lại, khi viết về, viết gửi cho những người bạn tri âm, nhà thơ thường sử dụng lớp từ ngữ sinh hoạt. Có lẽ bởi tình cảm thân mật, chân thành sẽ phù hợp hơn với lớp ngôn ngữ giản dị, gần gũi, đời thường. Nhà thơ nắm được đặc điểm ngôn ngữ này và ông vận dụng chúng một cách có chủ ý để đạt được hiểu quả diễn đạt cao nhất. Chẳng hạn, trong bài Đông mỗ tương thức,

tác giả đã sử dụng lớp từ khẩu ngữ mang tính chất chuyện trò, nôm na, thậm chí có chỗ suồng sã để viết cho người bạn thân tên là Đông. Bài thơ vì thế trở nên tự nhiên, thân mật như cuộc trò chuyện của hai người bạn thân:

“Ngã quân bản đồng quận, Dịch địa nãi tương thức. Ngã thiếu niên hanh thông, Giao du biến hòe cức. Quân vi giang hồ khách, Sơ lai văn kinh quốc. Bỉ thử bất tương quan, Cùng đạt dị sở chức.”

(Tôi, anh vốn cùng quận / Thay đổi địa vị mới biết nhau / Tôi lúc thiếu nhiên hanh thông / Giao du khắp giới quyền quý / Anh là khách giang hồ / Lúc trước có nghe tiếng ở kinh đô / Đây, đấy không liên quan nhau / Kẻ cùng người thành đạt chức phận cũng khác).

Trong thơ Ngô Thì Nhậm có nhiều bài miêu tả trực tiếp cảnh sinh hoạt, lao động của người dân ở nước ta lẫn ở Trung Hoa mà ông chứng kiến trên những nẻo đường công cán. Ở những bài thơ này, bên cạnh những thi liệu

quen thuộc, tác giả thường cố tình huy động sử dụng lớp từ mang sắc thái bình dân, gần gũi. Nhờ vậy, hiện thực mà tác phẩm phản ánh trở nên chân thực, sống động hơn, ví như trong bài Ngự hứng miêu tả cuộc sống ở một làng quê thanh bình khiến lòng thi nhân trở nên thanh thản dưới đây:

“Mục xướng tiêu trường hận, Ngư ca tả túc sầu.

Sơ chung hà xứ tự, Viễn giác bất tri lâu.”

(Trẻ chăn trâu hát làm tan biến nỗi hận dài / Ông câu hát tả nỗi buồn tràn đầy / Hồi chuông thưa thớt, chùa ở nơi đâu / Tiếng ốc vắng, chòi nào không rõ).

Bên cạnh viết cho người, Ngô Thì Nhậm còn viết cho mình. Khi viết cho chính bản thân, sự phân công ngôn ngữ trong sáng tác của ông cũng khá rõ. Đối với những vấn đề nói chí, tỏ lòng, bày tỏ tư tưởng, nêu cảm nghĩ về các danh nhân…, ông thường dùng lớp ngôn ngữ bác học. Ngược lại, khi viết về cuộc sống sinh hoạt, công việc cũng như những cảm xúc, tâm trạng thường ngày của bản thân, nhà thơ thường dùng lớp ngôn ngữ đời sống với sắc thái khẩu ngữ biểu hiện khá rõ. Chẳng hạn, trong bài Bệnh thuật, tác giả thiên về

dùng lớp ngôn ngữ sinh hoạt để thể hiện tâm trạng trong những ngày nằm bệnh:

“Nô độn niên lai hứa quốc thân, Trì khu dạ dạ khởi hiềm tần. Gian trinh phi phạp tân cam tễ, Cát lợi toàn bằng phú dữ quân.”

(Thân hèn này đã hiến cho nước đã bấy lâu / Rong ruổi ngày đêm không quản khổ phiền / Trong gian khó không thiếu thuốc tễ cay ngọt / Điều tốt lành toàn là nhờ trời ban cho).

Có thể thấy, ngôn ngữ sinh hoạt được tăng cường sử dụng và được dùng một cách linh hoạt, tự nhiên đã góp phần làm cho ngôn ngữ thơ Ngô Thì Nhậm thêm đa dạng, phong phú, giàu giá trị biểu đạt và sắc thái biểu cảm. Đây cũng là một trong những giá trị đáng ghi nhận ở Ngô Thì Nhậm khi ông, một bậc túc nho, dù chỉ sáng tác bằng chữ Hán, đã cố gắng sử dụng ngôn ngữ sinh hoạt để góp phần làm cho thơ chữ Hán trở nên gần gũi, tư nhiên, giàu khả năng phản ánh hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật thơ ngô thì nhậm (Trang 70 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)