Tư tưởng Lão Trang

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật thơ ngô thì nhậm (Trang 46 - 48)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.3. Tư tưởng Lão Trang

Ngô Thì Nhậm không phải là đệ tử của Lão Trang. Ông xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, cuối đời lại trở về nương vào cửa Phật. Thơ văn ông cũng không chuyên chú vào tư tưởng Đạo giáo. Nhưng phảng phất trong thơ ông, người ta vẫn nhận ra màu sắc của đạo Lão.

Là đồ đệ xuất sắc của đạo Khổng nhưng trên những bước đường thăng trầm của cuộc đời, có đôi lúc Ngô Thì Nhậm cảm thấy bế tắc với lí tưởng mà mình tôn thờ. Đôi khi, chán ngán trước thế sự đảo tiên, nhân tình đen bạc, thi nhân muốn được từ bỏ tất cả để đi học phép tu tiên, làm người đạo nhân phiêu diêu giữa cõi hồng trần. Nhưng bổn phận và trách nhiệm của một con người luôn đau đáu việc đời, việc nước, thi nhân chưa thể làm được:

“Vị năng điếu đĩnh tầm tiên giản”

(Chưa thể cưỡi thuyền câu đi tìm suối tiên)

(Cảm hoài)

Rõ ràng, không thể làm một đạo sĩ trong thời cuộc đầy ba đào biến động nhưng Ngô Thì Nhậm đã có những cảm tình tốt đẹp và sự gặp gỡ ít nhiều về tư

tưởng với Lão Trang. Hơn nữa, là một người học rộng, biết nhiều, nhà thơ chắc chắn đã đọc, tiếp xúc và nghiên cứu về tư tưởng của Đạo giáo. Tư tưởng Đạo giáo vì thế để lại những dấu ấn nhất định trong sáng tác của ông.

Đạo Lão Trang quan niệm rằng cuộc đời vốn như giấc mộng, danh lợi là hư vô, không có gì là trường tồn bất biến. Đồng tình với tư tưởng ấy, Ngô Thì Nhậm dùng những điển cố kinh điển của đạo Lão như “Nam Kha mộng”, “Hòe quốc” để truyền tải tư tưởng này:

“Vãn sự kỷ hồi Hòe quốc mộng”

(Việc cũ mấy lần như giấc mộng nước Hòe)

(Vãn thu tham thiền)

Một trong những tư tưởng quan trọng của đạo Lão Trang là tinh thần “vô vi”. Đó là tư tưởng thuận theo tự nhiên, phản đối sự can thiệp thô bạo của con người. Ngô Thì Nhậm không trực tiếp nói về lẽ “vô vi” nhưng tinh thần của thơ ông thường hướng đến điều này và thể hiện nó qua triết lí chữ nhàn rất độc đáo. Ngô Thì Nhậm không xem “nhàn” là nghỉ ngơi, thôi làm việc. Thi nhân xem “nhàn” là một phương cách sống, một tâm thế sống. Đó là một cách thế sống ung dung, tự tại, thoát khỏi vòng danh lợi hư huyễn. Cho nên, trong hầu hết các giai đoạn thơ, dù khi lánh nạn hay khi đang tham chính, dù khi nhàn tản hay đang đi công vụ, dù trong nước hay đang trên đường đi sứ Trung Hoa gian nan, nhà thơ vẫn thường xuyên nói về chữ nhàn:

“Lữ để nhàn dư trú yểm phi Thôi xao tiêu khiển sổ chương thi Gia hương cát khánh bằng lai giản Thân thế ưu ngu vấn điệp thi Tự hải hầu môn hi túc đáo

Như bang hoạn huống chỉ tâm tri Kỷ hành tuyết mấn tranh mai bạch Hà nhật Hoa Sơn túng mã quy”

(Nơi quán trọ, lúc nhàn hạ, suốt ngày đóng cửa / Thú vui tiêu khiển mấy bài thơ / Chuyện tốt lành ở quê dựa vào thư đưa lại / Nỗi âu lo thân thế chỉ biết hỏi cỏ thi / Cửa nhà hậu sâu tựa biển hiếm người đến / Cảnh nhà quan lạnh như băng chỉ lòng mình hay / Mấy sợi tóc lốm đốm đua trắng với hoa mai / Biết ngày nào mới được buông ngựa về núi Hoa Sơn).

Nhà thơ dùng điển Hoa Sơn là ngọn núi nổi tiếng trong Ngũ Nhạc, nơi các cao nhân thường đến để thưởng ngoạn hoặc ở ẩn để nói thay cho tấm lòng muốn quy ẩn nhưng chưa thể của mình. “Với Ngô Thì Nhậm thì cảm hứng về cái nhàn xuất hiện hầu hết trong các tập thơ của ông, kể cả thơ đi sứ, đó là lúc ông hướng lòng mình tới thiên nhiên, phiêu du cùng mây gió” [58; tr.112]. Có thể nói, với triết lí chữ nhàn và sự trải nghiệm về cái nhàn trong thơ văn và trong cuộc đời, Ngô Thì Nhậm đã đạt đến cảnh giới của lẽ “vô vi” trong lòng và thơ ông đã thể hiện một cách sinh động, sâu sắc về triết lí “vô vi” của Lão Trang.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật thơ ngô thì nhậm (Trang 46 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)