7. Cấu trúc của luận văn
3.1.3 Ngôn ngữ triết lí
Ngoài các sắc thái trang trọng, cao nhã của ngôn ngữ bác học; gần gũi, giản dị của ngôn ngữ sinh hoạt, ngôn ngữ trong thơ Ngô Thì Nhậm còn mang đậm chất triết lý. Lớp ngôn ngữ này chủ yếu tập trung ở các bài thơ thiên về nội dung thể hiện các tư tưởng triết học cùng những chiêm nghiệm về vấn đề nhân sinh, trong đó, nổi trội nhất là tư tưởng Nho giáo, Phật giáo.
Biểu hiện nổi bật của lớp ngôn ngữ này trong thơ Ngô Thì Nhậm là việc ông sử dụng nhiều từ ngữ có nguồn gốc kinh điển của các học thuyết tôn giáo, tư tưởng. Chẳng hạn, đối với Nho giáo, ông thường xuyên dùng các thuật ngữ, điển tích như “tam cương”, “nhân nghĩa”, “vũ lộ”, “tang bồng”, “hồ thỉ”,… Đây là những thuật ngữ khái quát nhiều vấn đề tư tưởng quan trọng của Nho gia. Bản thân những từ ngữ này đã mang tính hàm súc, triết lý. Khi sử dụng, tác giả thường đặt chúng đúng vị trí, nhờ đó phát huy được tối đa giá trị của chúng. Chẳng hạn, trong bài Hàn than đãi chu (kỳ nhất), tác giả
dùng nhiều điển, thuật ngữ của Nho giáo, Dịch học như “tri thủy”, “mê tân”, “khảm”, “khôn” để bàn luận về lẽ buồn vui, được mất, cùng đạt ở đời:
“Tri thủy hàm nhu đa khả lạc, Mê tân lệ kệ bất quan sầu.
Khảm hanh tâm xứ hảo quan vật, Khôn đắc bằng thời hạ dụng mưu.”
(Đầm đìa nước tri, nhiều điều đáng vui / Gặp phải bến mê lội qua chẳng buồn / Lòng hanh thông như quẻ khảm thì xem vật lý tốt / Gặp được bạn như trong quẻ khôn cần gì phải dùng mưu).
Như đã trình bày ở trên, trong thơ Ngô Thì Nhậm, bên cạnh tư tưởng Nho giáo thì tư tưởng Phật giáo có ảnh hưởng rất sâu đậm. Ngoài những thi phẩm phảng phất hương vị thiền, thơ ông còn có những bài chuyên luận bàn về Phật pháp. Ở những bài thơ này, tác giả dẫn dụng nhiều từ ngữ nhà Phật như “sắc”, “không”, “tướng”, “vô thường”, “chấp”, “thiền”... Đây là cách tốt nhất để truyền tải tư tưởng Phật giáo một cách ngắn gọn, cô đọng mà khái quát, trọn vẹn nhất. Chẳng hạn, trong bài Tương Sơn tự thắng ký viết về chùa Tương Sơn ở Trung Hoa, ông viết:
“Thiền quả sắc không vân nhiễu tụ, Tuế hoa kim cổ thạch lâm lưu.”
(Đạo thiền “sắc”, “không” như mây vờn trên núi, Tháng năm kim cổ như nước chảy trên đá.).
Hoặc như trong bài Vạn niên am họa “Nhất thủy” Vũ Công bộ chi tác, nhà thơ dùng một loạt ngôn từ nhà Phật như “tĩnh độ”, “sắc”, “tam thừa”, “ngũ đại”… để nói lên những chiêm nghiệm của bản thân trước sự cao thâm vi diệu của đạo Phật:
“Tĩnh độ sắc phi sắc, Trần tâm phiên bất phiên. Tam thừa đắc thường trú, Ngũ đại chân thâm ân.”
(Cõi Phật sắc mà không sắc / Lòng trần động mà không động / Được trú luôn ở Tam thừa / Thật là ơn sâu của Ngũ đại).
Nhìn chung, lớp ngôn ngữ mang tính chất triết lí được sử dụng khá đa dạng, linh hoạt và thuần thục trong thơ Ngô Thì Nhậm. Chính lớp ngôn ngữ này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành ở thơ ông chất triết lí, suy tư.