7. Cấu trúc của luận văn
3.3.2. Không gian sinh hoạt
Bên cạnh không gian vũ trụ mang tính chất hoành tráng, hào hùng, trong thơ Ngô Thì Nhậm còn có kiểu không gian sinh hoạt với tính chất thân thuộc, gần gũi, đời thường. Đó không chỉ là không gian sinh hoạt thường ngày của nhà thơ như thư phòng, khu vườn, mà còn là không gian sinh hoạt của nhân dân với cảnh làng quê thanh bình, cảnh lao động vất vả, cảnh phong tục lễ hội… Nhìn chung, không gian sinh hoạt trong thơ Ngô Thì Nhậm khá đa dạng và được thể hiện một cách sinh động.
Là người giữ nhiều trọng trách, thường xuyên đi công vụ, Ngô Thì Nhậm có cơ hội đến nhiều nơi, chứng kiến cuộc sống của nhân dân ở nhiều địa phương trong nước. Chẳng hạn, khi đến thăm thư đường ở Vân Động, thi nhân đã ghi lại cảnh quê và cuộc sống yên bình của người dân nơi đây:
“Châu chử hàn âu điệt khứ lưu,
Giang thôn tình ngụ tần nghênh tống. Bản kiểu lục thất túy lai quy,
Mục địch ngũ tam sọa lý lộng.”
(Phỏng Vân Động thư đường)
(Bãi bến, chim âu thay đổi tới lui, Thôn bên sông, cây tạnh luôn đưa đón. Sáu bảy ông say rượu đi về trên cầu ván, Năm ba trẻ chăn trâu thổi sáo chơi trò chơi.).
Không chỉ có không gian sinh hoạt trên nước Việt, trong thơ Ngô Thì Nhậm còn có không gian sinh hoạt của người dân Trung Hoa. Trong thơ sứ trình, Ngô Thì Nhậm có nhiều bài ghi chép, miêu tả một cách khá chân thực, sinh động những điều tai nghe mắt thấy trên hành trình đi sứ của mình, trong đó có cuộc sống của người dân Trung Quốc. Hầu hết, những không gian sinh hoạt này đều hiện lên qua thơ Ngô Thì Nhậm một cách yên bình, có nhiều nét
gần gũi với cuộc sống của người Việt. Chẳng hạn, đi thuyền qua sông Lệ Giang thuộc huyện Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, thi nhân đã ghi chép một cách sống động cảnh làng thôn ven sông Lệ và cuộc sống mua bán trên bến dưới thuyền của người dân nơi đây:
“Ngũ lý huyền nhai nhập lý đường, Thôn lưu thác lạc ẩn tùng hoàng. Mộ xuân mật thụ văn đề điểu, Cổ độ hàn ky kiến hý phường. Đấu trạo hô đoàn nhiêu Ngạn, Lý, Mại sài hoán mễ bán Nùng, Choang.”
(Lệ Giang nhàn vịnh)
“Năm dặm đường đèo, mười dặm đường đê, Nhà thôn thấp thoáng ẩn trong bụi tre.
Cuối xuân cây rậm rạp, nghe tiếng chim kêu, Bến xưa ghềnh vắng, thấy đàn cá úi.
Đua nhau chèo đò, tiếng Ngạn, tiếng Lý, Bán củi đổi gạo, người Nùng người Choang.”
Nhìn chung, không gian sinh hoạt trong thơ Ngô Thì Nhậm được thể hiện một cách gần gũi, chân thực và sinh động. Đó là những không gian đời thường của chính nhà thơ hoặc được ông chứng kiến trên những nẻo đường của cuộc đời mình. Tất cả đều được thi nhân ghi chép, miêu tả vào thơ. Qua những không gian này, ta cũng sẽ hiểu hơn về ông. Nếu như ở kiểu không gian vũ trụ, ta bắt gặp ở Ngô Thì Nhậm một tâm hồn rộng mở, phóng khoáng, hào sảng thì ở kiểu không gian sinh hoạt, ta thấy được ở thi nhân một đôi mắt quan sát tinh tường và một tâm hồn gần gũi, chan hòa yêu thương, luôn hướng về người lao động. Đó là một trong những điều làm nên giá trị cho văn chương của ông.