6. Cấu trúc của luận văn
1.1.2. Giao lưu văn hoá Việ t Hán qua Truyện Kiều của Nguyễn Du
Giao lưu văn học, văn hoá, nhất là văn hoá tâm linh là một trong những quy luật phổ biến cho mọi nền văn học, nó đánh dấu sự học tập, cách tân và sáng tạo của các tác giả trong mối quan hệ ảnh hưởng và tiếp nhận. Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là ví dụ tiêu biểu cho mối quan hệ ấy. Tuy nhiên, trong sáng tác của mình, Nguyễn Du tái hiện một thế giới nghệ thuật sinh động mang tính phúng dụ sâu sắc, dung chứa những quan niệm của cuộc sống và phảng phất những giá trị văn hoá tâm linh đặc sắc. Từ sự giao lưu và chịu ảnh hưởng của văn hóa tâm linh đến vấn đề quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật cùng phong cách tài tử mang tính cá nhân của nhà thơ – nhà văn hoá Nguyễn Du đã tạo nên những tiền đề văn hóa, văn học cho sự tiếp nhận Truyện Kiều của các thế hệ độc giả Việt Nam.
Đến giai đoạn nửa cuối thế kỷ thứ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, xã hội Việt Nam sau những phát triển mạnh mẽ của các thế kỉ trước đã dần bộc lộ những suy thoái trên nhiều phương diện. Bức tranh đa dạng của hiện thực cũng như tâm tình con người đòi hỏi sự thể hiện cao độ. Sự phong phú, chính xác, điêu luyện, uyển chuyển và sâu sắc
được thể hiện trong nội dung tác phẩm đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ văn học dân tộc. Bức tranh hiện thực của tác phẩm được Tố Như tiên sinh gợi mở qua một mã văn hóa đặc biệt, đó là sự vận hành của những tín hiệu văn hoá, văn chương trung đại, là sự biểu hiện của các quan niệm, hành vi văn hóa trong sinh hoạt xã hội. Trong thế giới nghệ thuật của Truyện Kiều, nếu tiếp cận từ góc độ văn hóa, chúng ta sẽ thấy sức ảnh hưởng của
Truyện Kiều sẽ vận hành theo nguyên tắc vừa ly tâm vừa hướng tâm. Nó không chỉ mang dáng vẻ đài các của thế giới nghệ thuật văn chương cổ điển Trung Hoa mà nó còn có sự biểu hiện ở bản sắc dân tộc. Điều đó đã góp phần tạo nên tâm thế gần gũi với độc giả, khiến cho thế giới văn hoá trong tác phẩm của tác phẩm không quá xa lạ đối với các thế hệ, tầng lớp bạn đọc thuộc các giai tầng xã hội, thời kì văn hoá khác nhau.
Truyện Kiều là giai phẩm kỳ diệu của văn chương Việt Nam, là tấm danh thiếp hoàn mỹ đại diện cho văn hoá dân tộc. Sức sống văn hóa của tác phẩm bất hủ những vấn đề, câu chuyện vô cùng thú vị. Tinh hoa và thành tựu văn hóa đặc sắc của đất nước Trung Hoa và vốn văn hóa tâm linh cổ truyền của dân tộc đã hun đúc nên chiều sâu triết mỹ, sức lan tỏa và vang vọng của tác phẩm đối với các thế hệ bạn đọc văn hóa Việt Nam. Có thể nói thế giới nghệ thuật Truyện Kiều đã tạo nên những bước tiến thần kỳ đối với văn học dân tộc.
Có thể nói, thế giới nghệ thuật của thi ca trung đại là một thế giới phức điệu bởi những đặc trưng mang tính quy phạm. Người nghệ sĩ không chỉ đóng vai trò là một thi nhân mà còn phải đảm trách vai trò là một triết nhân. Về hình thức, hầu hết các nhân vật trong thi phẩm được hoạt động trong môi trường của những quan niệm nệ cổ, quan điểm trung hiếu, tiết nghĩa, đạo cương thường, tình thủ túc, nhưng trong chiều sâu triết mỹ của nó, mỗi một nhân vật đều là một sự tích hợp cao độ các nét đẹp, độ thâm trầm và sự uyên nhã của tinh thần nhân văn, nghĩa hiệp của văn hoá Đông phương.
Tiếp cận văn học theo phương pháp liên ngành văn hóa đã mang lại cho giới nghiên cứu những hướng đi mới, đặc biệt là ở trường hợp Truyện Kiều
của Nguyễn Du. Khảo sát thế giới nghệ thuật của Truyện Kiều trong bối cảnh giao lưu văn hóa, văn học Việt Nam và Trung Hoa không chỉ thể hiện mối quan hệ về lịch sử, cũng như những cách tân sáng tạo từ phương diện văn học giữa Truyện Kiều và Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà còn nêu bật những ảnh hưởng văn hóa, xã hội trong thế giới nghệ thuật tác phẩm. Dường như trong sự tồn tại biện chứng của tác phẩm này, giá trị nghệ thuật của nó như một sự lan tỏa, vang vọng và không bao giờ có điểm tận cùng. Từ những đặc trưng về văn hóa, xã hội và phương pháp tiếp cận liên ngành đã tạo nên một phương thức tư duy, nhận thức mới đối với việc tiếp cận các giá trị văn hóa, mã văn hóa hay thế giới nghệ thuật sống động trong Truyện Kiều, đó là kiểu tư duy song trùng hệ hình văn hóa Việt - Hán. Tư duy theo hệ hình văn hóa đã tạo ra những tiền đề cơ bản không chỉ giúp tác giả thể hiện vốn sống, lớp trầm tích văn hóa và con người cá nhân của mình trong tác phẩm mà còn giúp độc giả tiếp nhận tác phẩm trong môi trường, bối cảnh văn hóa, để từ đó độc giả có thể phát huy tốt hơn tư cách, vai trò là một tác nhân đồng sáng tạo.
Những nền tảng cơ sở đó đã cung cấp cho thế giới nghệ thuật tác phẩm những lớp nghĩa đặc thù tác động đến tư duy thẩm mỹ tiếp nhận, nâng cao giá trị văn hoá của người đọc. Trong các mối quan hệ thân tộc, xã hội của Truyện Kiều, nếu so với Thúy Vân, Thúy Kiều tự nhận mình là “người bạc mệnh”, thì sánh với Kim Trọng nàng tự nhận là “người thác oan”. Nhận thức được quy luật biến thiên của cuộc sống, lẽ tồn sinh của chính bản thân mình, Thúy Kiều như một triết nhân tự chiêm nghiệm cho chính đời mình. Hình ảnh “trâm gãy bình tan” là một tín hiệu thẩm mỹ được vay mượn từ ý thơ của Cố Huống (Trung Quốc): “Thạch thượng ma ngọc trâm, ngọc trâm vị thành, trung ương
chiết, tỉnh thượng vãn ngân bình, ngân bình vi thượng, ti thằng tuyệt…” (mài trâm ngọc trên đá, trâm chưa thành, nửa chùng gãy, kéo bình bạc trên giếng, bình bạc chưa lên, dây tơ đứt), tín hiệu văn hoá này từ được các văn nhân Trung Hoa sử dụng để diễn tả về số phận của giai nhân bạc mệnh, hoặc sự việc nửa chừng bị đứt gãy [8, tr.301]. Đến Truyện Kiều, hình ảnh văn hóa được Nguyễn Du vận dụng ở đây đã có ý nghĩa khái quát, tô đậm cho tính chất bi thương của một tình yêu tan vỡ, không những thế, nó đã góp phần trở thành một công cụ văn hóa để giải mã cuộc đời và số phận của Kiều Nhi.
Bước vào không gian văn hoá của Truyện Kiều, người đọc như cảm nhận cả một thế giới đang bước những bước thâm trầm, dung dị, xúc cảm và sâu lắng, đặc trưng mỹ học cổ điển Trung Hoa, Việt Nam và kiểu tư duy theo hệ hình văn hóa trung cổ đã tạo nên một mã văn hóa đặc biệt cho thi phẩm. Hơn bất kỳ một tác gia nào khác, Nguyễn Du không chỉ ký họa một cách nhanh chóng bức tranh hiện thực xã hội phong kiến mà còn thể hiện nó bằng những nét bút uyển chuyển qua những gam màu sáng tối như thể sự biến thiên, thăng trầm của thế sự, của nhân sinh. Nhà thơ đã hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ của một tông đồ suốt đời phụng thờ chủ nghĩa, chuyển tải và minh chứng cho các triết thuyết tư tưởng, quy luật khoáng đạt nhân sinh. Nhà thơ như đã xác lập một cuộc đối thoại văn hóa trong một thế giới đầy những biến động và tương tác.
Sự tương hợp và dung hòa giữa tư tưởng Lão Trang, Khổng Mạnh và Phật Đà trong thế giới nghệ thuật của Truyện Kiều đã thể hiện điều đó. Hai chữ Tài Mệnh trong tác phẩm như một điểm sáng văn hóa di động trong toàn tác phẩm, cái quan niệm “tài mệnh tương đố ” mà Nho gia gọi là mệnh, Phật đà gọi là nghiệp, Đạo gia là sự biến hóa, tương sinh tương khắc của âm và dương đã tạo ra tư tưởng tòng quyền, thuận thiên, bất nghịch mệnh. Phải chăng số phận Kiều nhi từ chốn buồng khuê, qua mười lăm năm lặn ngụp
trong bể đoạn trường và đến lúc đoàn viên trong nỗi đau khổ đã diễn tả những mâu thuẫn, bất mãn và hạn chế của nhà thơ đối với chính những điều ấy. Câu hỏi mang tầm tư tưởng triết học, nặng quan niệm văn hóa cổ xưa ấy không chỉ là bài toán cho Nguyễn Du mà còn cả bao thế hệ thi nhân trung đại Việt Nam.