Khái niệm văn hóa tâm linh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật truyện kiều từ góc nhìn văn hóa tâm linh (Trang 31 - 36)

6. Cấu trúc của luận văn

1.2.1. Khái niệm văn hóa tâm linh

Văn hóa tâm linh là một khái niệm hợp bởi hai yếu tố văn hóa và tâm linh. Chính vì vậy, trước khi nghiên cứu về văn hóa tâm linh thì cần phải hiểu được hai khái niệm văn hóa và tâm linh. Về từ nguyên thuật ngữ, danh từ văn hóa có nhiều cách giải thích khác nhau. Mỗi học giả ở mỗi quốc gia ở mỗi

thời kỳ khác nhau đều có những lý giải không hoàn toàn giống nhau. Nhưng mọi người đều thừa nhận văn hóa là một hiện tượng xã hội và có phạm trù lịch sử.

Trong công trình Văn hoá nguyên thuỷ, nhà nghiên cứu E.B.Tylor đã đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau:

Một sự văn minh mà trong đó chứa đựng cả tri thức, luật lệ, nghệ thuật, nhân bản, niềm tin và tất cả những khả năng và thói quen mà con người đạt được với tư cách là thành viên trong xã hội. [Dẫn lại 39, tr. 3]

Trong các văn kiện của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO, các chuyên gia cũng đã đưa ra định nghĩa mới về văn hóa:

Văn hóa là tổng thể các hệ thống giá trị, bao gồm các mặt tình cảm, trí thức, vật chất, tinh thần của xã hội. Nó không thuần túy bó hẹp trong sáng tác nghệ thuật mà bao gồm cả phương thức sống, những quyền con người cơ bản, truyền thống, tín ngưỡng [Dẫn lại theo 39, tr.678].

Trong ghi chép của mình, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn một định nghĩa về văn hóa như sau:

Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, phát luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn. [Dẫn lại theo 10, tr. 31]

Như vậy, từ một số quan điểm cơ bản trên, chúng tôi nhận thức: văn hóa được hiểu là hệ thống những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Bản chất của văn hóa chính là sự khác biệt.

Trong lịch sử phát triển văn hoá và ý thức tâm lí của nhân loại, tâm linh là khái niệm chỉ những hiện tượng liên quan đến thế giới linh hồn của con người sau khi chết, gắn liền với những biểu hiện dị thường, đậm màu sắc huyền bí… Nói đến tâm linh, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những gì huyền bí, linh thiêng như thể nó đang tồn tại mà con người không nhìn thấy rõ, thậm chí không lý giải được.

Trong sách Tâm linh Việt Nam, tác giả Nguyễn Duy Hinh quan niệm:

Tâm linh là thể nghiệm của con người (tâm) về cái Thiêng (linh) trong tự nhiên và xã hội thông qua sống trải, thuộc dạng ý thức tiền lôgíc không phân biệt thiện ác. [Dẫn lại theo 51, tr.52]

Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Đăng Duy trong Văn hóa tâm linh đã bàn về tâm linh như sau:

Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo”. Cái thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm. [Dẫn lại theo 10, tr.14]

Trần Đình sử trong bài viết “Văn học và văn hoá tâm linh” (Kỷ yếu Hội thảo Văn học và văn hoá tâm linh năm 2015 tại Trường Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn Hà Nội) đã cho rằng:

Tâm linh là niềm tin vào thế giới bên kia, vào các sức mạnh siêu nhiên chi phối thực tế, hoặc các khả năng biến đổi số phận con người hoặc giải đáp trạng thái nhân sinh hiện hữu. Niềm tin ấy thể hiện trong thế giới quan, được kiến tạo bởi các kí hiệu và diễn ngôn tâm linh. Thế

giới ấy có thần , Phật, Chúa Trời, ma, quỷ, Sa tăng, tức là các biểu tượng, các siêu kí hiệu, bên dưới có vô vàn các kí hiệu bậc thấp, các mô hình tự sự, các mô típ, các mẫu gốc lặp đi lặp lại. Ví như, một môtip “Mộng” thì trong văn học đã có biết bao nhiêu mộng. Đầu tiên là báo mộng, Thần nhân qua mộng báo tin cho người, nhưng trong các truyện ở Việt điện u linh [21, tr.88].

Từ góc nhìn tâm linh, theo quy điểm luận giải của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, sau là giấc mộng sẽ là một thế giới khác và nó có nhiều biểu hiện khác nhau như “mộng đế vương, mộng quốc sự, mộng làm tình, mộng sinh thực (mộng đầu thai hoặc tái sinh), mộng hôn nhân, mộng chết, mộng sinh, mộng gặp hạn, mộng quan chức, mộng đỗ đạt, mộng gặp thần nhân, gặp tiên, mộng thấy ma quỷ, mộng gặp oan hồn, mộng hóa thân như Trang Chu mộng bướm…”. Quả vậy, trong văn học, mộng là chính là chiếc cầu nối thế giới này với thế giới “bên kia”. Mộng cũng là siêu thoát khỏi đời thực. Mộng là tình huống triết lí giúp ngộ ra bản chất cuộc đời.

Cũng trong Hội thảo Văn học và văn hoá tâm linh (2012), nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp cũng đưa ra quan điểm khá rõ về tâm linh, ông khẳng định tâm linh và thế giới tâm linh:

Là một thế giới có nhiều bí ẩn mà khoa học đến nay vẫn chưa thể giải thích hết được. Nhưng về cơ bản, có thể khẳng định, đó là thế giới gắn liền với niềm tin về những giá trị cao cả, thiêng liêng. Hướng đến tâm linh, con người kỳ vọng hướng tới những giá trị chân thiện mỹ. [21, tr.16]

Từ một số quan niệm đã nêu trên, chúng tôi cho rằng tâm linh là một hình thái ý thức của con người. Tâm linh là những gì trừu tượng, cao cả, vượt quá cảm nhận của tư duy thông thường và gắn liền với niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng hay tôn giáo của mỗi người. Lĩnh vực tâm linh là

những nhận thức được thể hiện bằng trực giác của từng người chứ không thể chứng minh bằng thực nghiệm hoặc bằng lý trí. Tâm linh là ngưỡng vọng của con người về những biểu tượng, hình ảnh thiêng liêng.

Trong chiều hướng tư duy ấy, ý thức về cõi tâm linh cũng là một biểu hiện của văn hoá và có tính dân tộc. Điều này càng rõ hơn khi điều ấy được thể hiện trong các sáng tác văn chương trung đại Việt Nam. Từ ý thức và những biểu hiện khá đậm nét của các yếu tố tâm linh đó, các nhà nghiên cứu đã khái quát thành ý niệm về văn hoá hoá tâm linh và ảnh hưởng của văn hoá tâm linh trong văn chương. Khảo sát một số quan điểm về văn hoá tâm linh, về cơ bản chúng ta có thể thống nhất như sau:

Văn hóa tâm linh là một mặt hoạt động văn hóa xã hội của con người, được biểu hiện ra những khía cạnh vật chất hoặc tinh thần, mang những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống đời thường và biểu hiện niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo, thể hiện nhận thức, thái độ (e dè, sợ hãi hay huyền diệu) của con người. [21, tr.27]

Từ định nghĩa trên của nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Duy, mỗi người trong cuộc sống đời thường không ai là không có một niềm tin linh thiêng nào đó. Đó là những ý niệm thiêng liêng về chùa, đền, đình, phủ…về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, về sự cầu cúng, là niềm tin thiêng liêng về cuộc sống con người và đó cũng có thể là cứu cánh để con người dương thiện phạt ác, tránh xa mọi dục vọng tầm thường để hướng đến một cuộc sống chân thiện mỹ. Trong mối quan hệ giữa văn chương, văn hoá, về giá trị của văn hoá tâm linh, chúng tôi thống nhất với cách nhận định của Trần Đình Sử:

Xét về góc độ nhân loại học, văn hoá tâm linh là một bình diện của văn hoá các tộc người, gắn với phong tục tập quán, cố định trong ngôn ngữ, đúc rút thành các motuyp, các mẫu gốc thi pháp của các

truyện kể truyền thống. Cho nên văn hoá tâm linh sẽ theo suốt cuộc tồn tại của các dân tộc trên trái đất, gắn với con người và thể hiện trong văn học nghệ thuật. [21, tr.90]

Tóm lại, văn hoá tâm linh là một khái niệm động, có tính khái quát và trừu tượng cao liên quan đến nhiều vấn đề của tâm lý học chuyên sâu. Vấn đề này thuộc về lĩnh vực tinh thần. Nó bao gồm không chỉ là những giá trị văn hoá vô hình (nghi lễ, tập tục, ý niệm...) mà cả những hình thức văn hoá hữu hình phát tín hiệu thiêng liêng (đình, chùa, phủ, nhà thờ...). Do đó, trong luận văn này, để đảm bảo tính thống nhất và khoa học của một công trình nghiên cứu Ngữ văn được tiếp cận từ góc nhìn văn hoá, chúng tôi sử dụng và căn cứ quan điểm của Nguyễn Đăng Duy và Trần Đình Sử để triển khai tìm hiểu các luận điểm khoa học của đề tài.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật truyện kiều từ góc nhìn văn hóa tâm linh (Trang 31 - 36)