Văn hoá tâm linh với tín ngưỡng, tôn giáo, mê tín – Những tương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật truyện kiều từ góc nhìn văn hóa tâm linh (Trang 36 - 39)

6. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Văn hoá tâm linh với tín ngưỡng, tôn giáo, mê tín – Những tương

đồng và khác biệt

Sự tương đồng và dị biệt giữa tâm linh với tôn giáo và tín ngưỡng, xét về mặt bản chất, chúng ta có thể xem tâm linh là một hình thái ý thức của con người, tâm linh gắn liền với ý thức con người và chỉ có ở con người. Trong cuộc sống của các loài vật không có sự tồn tại của tâm linh. Trong cuộc số thực tại, vấn đề tâm linh lại là một vấn đề có tính chất trừu tượng, vượt quá cảm nhận của tư duy thông thường. Trong cuộc sống có những vấn đề, tình huống, hiện tượng vượt quá khả năng cảm nhận của tư duy thông thường, những điều khác thường khó giải thích được bằng tư duy logic nhận thức của trí não. Tuy vậy, về mặt nhận thức, chúng ta cũng không nên thần bí hóa khái niệm tâm linh, gán cho nó những tính chất siêu thực.

Hiện nay, vấn đề tâm linh đã gắn bó chặt chẽ với niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống. Niềm tin là sự tín nhiệm, khâm phục ở con người với một con người, một sự việc, một học thuyết, một tôn giáo,…được thể hiện ra bằng

hành động theo một lẽ sống. Niềm tin là hạt nhân quyết định trong việc xác lập các mối quan hệ xã hội. Tâm linh có sức truyền cảm, truyền lệnh, tập hợp ghê gớm. Do con người có là sinh vật có linh hồn, có ý thức, có trái tim biết rung động trước những giá trị thẩm mỹ, trước cái anh hùng, cái cao cả. Sự nhận biết ý thức đó tạo nên niềm tin thiêng liêng của con người, và chính niềm tin thiêng liêng đó nuôi sống tâm linh của con người. Đó chính là sức mạnh truyền lệnh kỳ diệu của niềm tin tâm thức hay tâm linh.

Trước đây, khi đề cập đến vấn đề tâm linh và văn hoá tâm linh, người ta hay nghĩ đến tín ngưỡng, văn hoá tín ngưỡng và tôn giáo. Trong một số trường hợp cụ thể, một số nhà nghiên cứu đã đồng nhất khái niệm tâm linh với khái niệm tín ngưỡng và tôn giáo. Chuyên gia nghiên cứu dân tộc học, tôn giáo học Đặng Nghiêm Vạn nhiều lần nhắc tới chữ tâm linh tôn giáo. Do đó, khi viết về vấn đề tốn giáo của thời kỳ phong kiến đế quốc, ông cho rằng:

Tầng lớp quý tộc tiếp nhận tôn giáo như là một công cụ để trị nước, trị dân. Nhân dân lao động lại xem tôn giáo như là một cứu cánh để thỏa mãn tâm linh tôn giáo của bản thân. [dẫn lại theo 10, tr.105] Xét trong tính logic của vấn đề, nội hàm và ngoại diên của các khái niệm công cụ này, chúng tôi cho rằng khái niệm tâm linh vừa hẹp hơn nhưng lại vừa rộng hơn khái niệm tín ngưỡng tôn giáo. Khái niệm tâm linh có ngoại diên hẹp hơn tín ngưỡng bởi lẽ tín ngưỡng tôn giáo ngoài phần tâm linh còn có phần mê tín dị đoan và sự cuồng tín tôn giáo. Ngoài ra, tôn giáo còn là một lĩnh vực của đời sống tinh thần, đồng thời là một thiết chế xã hội. Với tư cách là thiết chế xã hội thì bản thân nó không thể khỏi sự thế tục hóa, sự tha hóa do việc lợi dụng của giai cấp thống trị. Nhưng xét ở một phương diện khác, khái niệm tâm linh lại rộng hơn các khái niệm tôn giáo, tín ngưỡng. Vì lẽ nội hành của khái niệm tâm linh gắn liền với cái thiêng liêng, cao cả và siêu việt…Điều này không chỉ biểu hiện trong đời sống tôn giáo, mà có cả ở đời sống tinh

thần, đời sống xã hội. Nhờ có những biểu hiện ấy, con người mới đạt đến những chiều kích nhân văn cụ thể của con người.

Về vấn đề gặp gỡ và khác biệt giữa tâm tinh và mê tín dị đoan, chúng ta cũng cần phải có những giới thuyết cụ thể. Mê tín dị đoan được hiểu là là “tin một cách mê muội, kỳ dị, lạ thường”, tin không lý trí và đến mức không cần cả mạng sống của mình. Khi con người ta tin rằng một hiện tượng xảy ra là hậu quả của một hiện tượng khác, trong khi thật ra không có mối liên hệ nguyên nhân hệ quả nào giữa các hiện tượng này. Trong cuộc sống, có rất nhiều khi người ta cố gắng làm hoặc tránh làm một hành động gì đó với niềm tin để một sự việc gì đó khác sẽ xảy ra hoặc không xảy ra. Lâu dần, người đó trở nên bị lệ thuộc bởi chính những lối suy nghĩ, những niềm tin mà bản thân họ gây dựng. Theo Voltaire, một đại văn hoà, triết gia người Pháp đã cảnh báo: Một người mê tín cũng như một kẻ nô lệ bị trói buộc bởi những nỗi lo sợ vô cớ do chính mình áp đặt.

Nói về nguồn gốc, mê tín dị đoan tồn tại được là bám vào trình độ văn hóa khoa học còn thấp kém, con người không đủ trình độ để phân tích, lý giải khoa học và thỏa đáng cho những hiện tượng xảy ra xung quanh. Thậm chí cho đến ngày nay, nhiều câu hỏi tương tự vẫn chưa thể được trả lời bởi khoa học và sự sợ hãi về các hiện tượng thiên nhiên và “siêu nhiên” vẫn còn tác động mãnh liệt trong tiềm thức con người. Thực tế cho thấy những người càng có nghề nghiệp nguy hiểm, càng bấp bênh, càng tùy thuộc vào thiên nhiên thì thường càng có nhiều thủ tục mê tín gắn liền vào cách thức, lề lối sinh sống hàng ngày của họ. Dần dần mê tín dị đoan trở thành những thói quen phiền toái, tốn kém, tuy vậy người ta vẫn sẵn sàng đánh đổi để có thể cảm thấy an toàn hơn, có thờ có thiêng, có kiêng có lành.

Như vậy, cả mê tín dị đoan và tâm linh tồn tại được đều dựa trên cơ sở niềm tin của con người nhưng với tâm linh thì đó là niềm tin thiêng liêng có ở

trong nhiều mặt của đời sống tinh thần. Còn với mê tín dị đoan thì đó là niềm tin mù quáng. Ranh giới giữa tâm linh và mê tín dị đoan là rất mong manh. Từ sự phân biệt trên, chúng ta có thể nhận thấy tâm linh là một biểu hiện trong đời sống tinh thần của con người với tất cả sự phong phú và đa dạng của nó. Vì thế, trên thực tế, chúng ta không nên đơn giản hoá cho rằng tâm linh là mê tín di đoan và cũng không nên thần bí hoá, tuyệt đối hoá vấn đề tâm linh, gán cho nó những đặc tính phi thường siêu thực. Trong nghiên cứu văn học, chúng ta cần có thái độ nhận thức đúng đắn vấn đề nhạy cảm này và khẳng định văn hoá tâm linh là một nội dung quan trọng cần thiết và có tính đặc thù của các tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam nói riêng và đời sống văn hoá của dân tộc ta nói chung. Trên tinh thần đó, văn hoá tâm linh cần được xem xét như một phương diện nghệ thuật của văn học, nó giúp cho con người trung đại, tác gia văn học cổ điển thể hiện những giá trị cốt lõi của tư duy thẩm mỹ và quan niệm nhân sinh trong cuộc sống của họ một cách hữu lý nhất, hoàn bị nhất có thể.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật truyện kiều từ góc nhìn văn hóa tâm linh (Trang 36 - 39)