6. Cấu trúc của luận văn
1.3.1. Hình tượng trời phật trong văn học trung đại Việt Nam
Trong thế giới tâm linh của mình, người Việt rất tin vào trời phật, thánh thần. Đó là lực lượng siêu nhiên, phi nhân có thể quyết định, can thiệp vào mọi sinh hoạt, số phân của con người. Trong cuộc sống nếu có
gặp những bất trắc, họ thường tìm đến với trời phật, thánh thần và xem đó như một cứu cánh để họ có thể giải phóng đi những phiền muộn. Trong tín ngưỡng, người Việt luôn tin rằng: Trời cao có mắt, lưới trời lồng lộng, người tính không bằng trời tính.
Hình tượng Trời, Phật trong văn học trung đại Việt Nam được biểu hiện khá phong phú và đa dạng. Đó có thể là thiên cơ, là mệnh, là số trong Nho giáo. Quan niệm thiên mệnh của Nho giáo đã gặp gỡ với triết lý trời của dân Việt và thể hiện một cách sâu sắc trong hình tượng Trời. Lê Thánh Tông đã từng nhấn mạnh:
Lòng vì thiên hạ những sơ âu, Thay việc trời dám dễ đâu.
(Tự thuật)
Trời trong tâm thức văn hoá của người Việt không chỉ là lực lượng quyết định đại sự mà còn an bài số mệnh của từng người, đó là thiên ý. Có lẽ vì lý do đó, Tiều Ẩn Chu Văn An đã cho rằng:
Mao ốc ngọc đường giai hữu mệnh
(Nhà tranh hay nhà ngọc đều là do số mệnh)
(Thứ vận tặng Thuỷ Vân đạo nhân) Hay các tác giả truyện Nôm cũng khẳng nhận:
Chữ rằng phú quý tại thiên
Tử sinh tại mệnh tự nhiên tại trời. …
Tử sinh tại số bất kì
Con đừng thống thiết ai bi thêm phiền
(Truyện Lý Công)
Triết lý Phú quý tại thiên, tử sinh hữu mệnh dường đã thấm vào ý thức sáng tác và nhân sinh của người dân đất Việt. Bởi lẽ đó, trời phật đối với họ là
đấng toàn năng tuyệt đối, nhưng cũng rất đơn sơ mộc mạc, là một chốn tìm về, là chỗ dựa tinh thần cho mọi cảnh ngộ trong đời:
Vái trời cho đặng vuông tròn
Trăm năm cho trọng lòng son với chàng…
(Lục Vân Tiên)
Cũng chính cánh cửa tâm linh và thế giới chủ quan của người nghệ sĩ đã tạo ra nhiều lối bỏ ngỏ để văn chương của họ tự tìm đến những hình thức biểu hiện riêng, sao cho phù hợp với nội dung mà nó muốn trình bày. Những truyện Nôm trên, nếu thoạt nhìn, người ta rất dễ lầm, ngỡ chúng cùng một mạch cảm hứng nghệ thuật. song, thực ra, chúng như một dòng chảy tâm linh, nhưng lại phân tách thành hai chi nhánh ngược chiều nhau, không hướng về một trường thẩm mỹ. Mượn các dạng thức tâm linh làm cứu cánh cho những bế tắc cuộc đời để biểu đạt ký hiệu cho cõi nhân thế, là chủ đề của nhóm mười truyện: Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, Truyện Từ Thức, Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, Mai Đình Mộng ký, Sơ kính tân trang, Bích câu kỳ ngộ, Bạch Viên Tôn Các, Đào hoa mộng ký. Còn các nhóm thể loại khá, niềm tin tín ngưỡng lại được cầu viện nghệ thuật để giúp nhà nghệ sĩ thâm nhập vào cõi tâm linh con người bằng con đường ngắn nhất, sâu sắc và rộng rãi nhất với hình thức hấp dẫn của thi ca (Sự tích Đức Phật chùa Dâu, Quan âm Thị Kính, Sự tích Đức chúa Ba, Chuyện ỷ Lan).
Tâm lý chung của người Việt khi phụng thiên, kính địa, bái vọng chư phật không gì ngoài cầu mong sự giúp đỡ nhiệm mầu cho đời sống gặp may mắn, vượt qua mọi tai ương. Nhìn chung, sự phác hoạ, hình dung về vị thần tối cao, đấng thiêng liêng của muôn loài đã thể hiện mối liên hệ sâu đậm với lối sống trọng tình kết hợp với đầu óc thực tế. Trời phật trong tâm thức người Việt xưa là vị thần giàu nhân cách, gần gũi và thương yêu con người. Do đó, người Việt xem trọng và kính sợ quyền uy linh thiêng của các đấng bậc này. Đó cũng là nét đẹp cao quý trong tín ngưỡng của người Việt vậy.