Nghĩa của đất công ích

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng quỹ đất công ích tại thị xã an nhơn, tỉnh bình định (Trang 27 - 29)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

1.1.3. nghĩa của đất công ích

1.1.3.1. Ý nghĩa về mặt kinh tế

Góp phần nâng cao thu nhập cho người thuê đất công ích: Đất đai là một tư liệu sản xuất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, đất đai giữ một vai trò vô cùng đặc biệt, chính yếu trong đời sống và phát triển chung của xã hội, mà điển hình là về kinh tế. Đất công ích có xuất phát từ đất nông nghiệp và bản thân cũng là đất nông nghiệp, đất công ích được Nhà nước giao lại cho từng xã, phường, thị trấn quản lý, sử dụng. Khi đất công ích chưa được sử dụng vào các mục đích khác thì UBND cấp xã được quyền cho hộ gia đình, cá nhân thuê để sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người được thuê đất công ích. Ngoài ra đây là cách tốt để đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất đúng công ích theo quy định của pháp luật.

Góp phần giảm kinh phí bồi thường về đất thi Nhà nước thu hồi: Đất công ích thuộc thẩm quyền quản lý sử dụng của UBND cấp xã, khi muốn sử dụng đất công ích vào các mục đích phi nông nghiệp thì không phải thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; trong trường hợp đất công ích được sử dụng để bồi thường cho người có đất bị thu hồi sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng kinh phí bồi thường cho Nhà nước.

Tóm lại, đất công ích như là một giải pháp hữu ích đáp ứng kịp thời, chủ động cho địa phương trong việc xây dựng các công trình công ích, chủ động phát triển về mọi mặt, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

20

1.1.3.2. Ý nghĩa về mặt xã hội

Khi hình thành được quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích cho địa phương sẽ giúp cho nơi đó có đủ cơ sở, tư liệu sản xuất kinh tế phục vụ, cải tạo đời sống cho người dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho người dân: Đất công ích góp phần đáp ứng kịp thời xây dựng các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, các khu vui chơi giải trí,... để phục vụ cho các nhu cầu vui chơi giải trí, khám chữa bệnh của địa bàn địa phương đang quản lý quỹ đất công ích.

Góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân: Với diện tích đất công ích UBND cấp xã chưa sử dụng được phép cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất đã tạo cho họ có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện phần nào về vật chất, tinh thần và ổn định an sinh xã hội cho người dân.

Góp phần bình ổn mật độ dân số và tỷ lệ lao động trong từng địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc: Trong điều kiện phát triển theo kinh tế thị trường của nước ta hiện nay, xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh, các khu công nghiệp, nhà cao tầng,... ồ ạt mọc lên làm diện tích đất bị thu hẹp, nhất là đất sản xuất nông nghiệp dẫn đến tình trạng lao động nông nghiệp thất nghiệp tăng. Tuy nhiên, hiện nay trình độ lao động công nghiệp của nước ta phát triển chưa cao, chưa bắt kịp nhịp sóng của môi trường khoa học công nghệ, người dân chủ yếu làm nghề nông, tạo nên sự mất cân bằng trong sự phát triển giữa công nghiệp và nông nghiệp. Điều này dẫn đến một bên là việc làm nhiều thì không có đủ lao động lành nghề, một bên lại thiếu việc, thừa lao động. Bên cạnh đó, đô thị hóa làm giảm dần đất sản xuất nông nghiệp, thất nghiệp ở nông thôn gia tăng, dẫn đến tình trạng nhiều người phải đến các đô thị lớn tìm việc làm, gây mất cân bằng về mật độ dân số, xã hội thiếu ổn định... Khi có được quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích là một giải pháp góp phần tạo dựng thế cân bằng của xã hội.

1.1.3.3. Ý nghĩa về mặt chính trị

Một đất nước phát triển thì điều đầu tiên là phải có một chế độ chính trị vững mạnh, đường lối chính sách phát triển rõ ràng, để đạt được như vậy thì cần nhất là một nền kinh tế ổn định, xã hội cân bằng, văn minh.

Đất công ích là loại đất đặc biệt ở nước ta, như là một chế định riêng, nhằm nói lên đường lối, chính sách của một nước đang phát triển và khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai của Việt Nam, thể hiện sự chăm lo của Nhà nước đối với đời sống cho từng người dân, từng địa phương khi chính quyền cấp xã có quyền tự quyết trên diện tích 5% đất sản xuất nông nghiệp.

21

Với sự phát triển công nghiệp như hiện tại, đất công ích cũng có thể được xem như là một cách bảo vệ tốt quỹ đất nông nghiệp, vì UBND cấp xã chỉ được phép quản lý, sử dụng loại đất này vào mục đích công ích, không được kinh doanh hoặc nhằm thực hiện các mục tiêu khác, tránh được trường hợp đất nông nghiệp lại rơi vào tay nhà đầu tư công nghiệp hoặc các doanh nghiệp không hoạt động sản xuất nông nghiệp mua lại quyền sử dụng đất từ loại đất này.

Đất công ích còn góp phần thực thi chính sách an ninh lương thực của mỗi địa phương và của quốc gia.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng quỹ đất công ích tại thị xã an nhơn, tỉnh bình định (Trang 27 - 29)