Các yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng chất lượng cuộc sống và một số yếu tố liên quan trên người bệnh suy tim mạn tại bệnh viện đa khoa tỉnh khánh hòa năm 2017 (Trang 30 - 33)

Dựa vào mô hình chất lượng cuộc sống của Ferrans (2005) [24] chúng tôi tìm hiểu mối liên quan giữa chất lượng cuộc sống với các yếu tố như: tuổi, phân độ chức năng suy tim theo Hội Tim mạch New York (NYHA), trầm cảm và hỗ trợ xã hội với chất lượng cuộc sống người bệnh suy tim mạn.

1.5.1.Yếu tố tuổi và chất lượng cuộc sống

Tuổi là khoảng thời gian từ khi sinh ra đến thời điểm hiện tại của người bệnh suy tim mạn. Yếu tố tuổi đã được các nhà nghiên cứu xác định là có liên quan đến chất lượng cuộc sống ở người bệnh suy tim. Nghiên cứu của Saccomann và cộng sự năm 2010 [51] về chất lượng cuộc sống của người lớn tuổi bị suy tim cho thấy sự suy giảm lớn nhất về chất lượng cuộc sống của họ là lĩnh vực sức khỏe thể chất chứ không phải lĩnh vực sức khỏe tinh thần với điểm số lĩnh vực hoạt động thể chất và nhận thức chung về sức khỏe là 51.6 điểm và 50.3 điểm so với điểm số lĩnh vực chức năng xã hội và vai trò cảm xúc là 77,4 điểm và 86,3 điểm. Năm 2011, nghiên cứu của Demir và Unsar [20] đã chỉ ra rằng tuổi tác càng tăng thì chất lượng cuộc sống càng giảm với (r = 0.305; p < 0,05). Nghiên cứu của Aburuz và cộng sự (2016) [10] đã chứng minh mối liên quan chặt chẽ giữa yếu tố tuổi với chất lượng cuộc sống người bệnh suy tim với p < 0,01 và những người bệnh trẻ tuổi có điểm số chất lượng cuộc sống ở lĩnh vực thể chất tốt hơn do đó họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn người suy tim lớn tuổi.

Ngược lại với các nghiên cứu trên, nghiên cứu của Pelegrino và cộng sự (2011) [45] cho thấy yếu tố tuổi có mối liên quan rất yếu với chất lượng cuộc sống, nghiên cứu năm 2014 của Dương T.O [23] đã chỉ ra yếu tố tuổi không có mối liên quan đến chất lượng cuộc sống người bệnh suy tim.

1.5.2. Yếu tố phân độ chức năng suy tim theo Hội Tim mạch New York và chất lượng cuộc sống.

Yếu tố phân độ chức năng suy tim theo Hội Tim mạch New York cũng là một trong những yếu tố đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh suy tim.

Nghiên cứu của Juenger và cộng sự (2002) [36] kết quả cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa phân độ chức năng suy tim theo Hội Tim mạch New York và chất lượng cuộc sống người bệnh suy tim với (r = - 0.63; p< 0,0001). Người bệnh suy tim độ III có chất lượng cuộc sống giảm rõ rệt, điểm số của 5/8 lĩnh vực chất lượng cuộc sống chỉ bằng 1/3 so với dân số nói chung.

Nghiên cứu của Pelegrino và cộng sự (2011) [45], Hoekstravà cộng sự (2013) [34] đều cho thấy người bệnh có điểm số chất lượng cuộc sống thấp thường là người bệnh suy tim độ III, IV theo phân độ chức năng suy tim của Hội Tim mạch New York.

Theo Phạm Văn Cường và cộng sự (2012) [1] có sự tương quan nghịch giữa các phân độ chức năng suy tim theo Hội Tim mạch New York với tổng điểm chất lượng cuộc sống, người bệnh có phân độ chức năng suy tim càng cao thì chất lượng cuộc sống của họ càng giảm. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thúy Minh năm 2013 [4] cũng cho kết quả tương tự, người bệnh có phân độ chức năng suy tim theo Hội Tim mạch New York càng cao thì chất lượng cuộc sống càng giảm, điểm số của các lĩnh vực chất lượng cuộc sống SF36 đều giảm ngoại trừ cảm nhận đau.

1.5.3. Yếu tố trầm cảm và chất lượng cuộc sống

Trầm cảm là một vấn đề khá phổ biến ở người bệnh suy tim mạn và nó cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trầm cảm làm tăng mức độ suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh suy tim.

Nghiên cứu của Gottlied và cộng sự (2004) [28] đã chỉ ra có 48% người bệnh suy tim có liên quan đến tình trạng chán nản, trầm cảm, trong đó người bệnh suy tim nữ giới có nguy cơ trầm cảm nhiều hơn nam giới (64% so với 44%). Kết quả

nghiên cứu cũng chứng minh mức độ trầm cảm có tương quan nghịch với chất lượng cuộc sống người bệnh suy tim, mức độ trầm cảm càng tăng chất lượng cuộc sống càng suy giảm nghiêm trọng.

Nghiên cứu của Luttik và cộng sự (2009) [41] về chất lượng cuộc sống và triệu chứng trầm cảm trên 393 người bệnh suy tim và người nhà của họ kết quả cho thấy triệu chứng trầm cảm của người bệnh suy tim rất tệ so với người nhà của họ; phụ nữ có sức khỏe tâm thần thấp hơn so với nam giới.

Nghiên cứu của Pressler (2010) [48] cho thấy có khoảng 26% người bệnh có triệu chứng trầm cảm nặng và yếu tố trầm cảm có mối tương quan nghịch làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh suy tim với (r = 0,68; p = < .0001).

1.5.4. Yếu tố hỗ trợ xã hội và chất lượng cuộc sống

Trong nghiên cứu của chúng tôi, hỗ trợ xã hội đề cập đến nhận thức của người bệnh suy tim về sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè,của những người quan trọng khác (như các chuyên gia chăm sóc sức khỏe). Những ảnh hưởng của các mối quan hệ này đã được chỉ ra là có tác động đến chất lượng cuộc sống người bệnh suy tim. Kết quả nghiên cứu của Iqbal và cộng sự (2010) [35] cho thấy những người bệnh suy tim có người chăm sóc hoặc những người đã kết hôn thì có một chất lượng cuộc sống tốt hơn so với những người không có người chăm sóc hoặc phải sống một mình.

Nghiên cứu của Barutcu và cộng sự (2013) [15] cho thấy có mối liên quan giữa hỗ trợ xã hội với chất lượng cuộc sống, người bệnh suy tim mà nhận được nhiều sự hỗ trợ xã hội thì có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Nghiên cứu của AbuRuz và cộng sự (2016) [10] cũng chỉ ra yếu tố hỗ trợ xã hội có tương quan thuận đáng kể với chất lượng cuộc sống của người bệnh suy tim cả lĩnh vực thể chất lẫn tinh thần, người bệnh nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía gia đình, những người bệnh suy tim chưa có gia đình có chất lượng cuộc sống thấp hơn những người bệnh có gia đình.

Nghiên cứu của Dương T.O (2014) [23] kết quả cho thấy yếu tố hỗ trợ xã hội đã có một mối quan hệ tích cực với chất lượng cuộc sống chung của người bệnh suy tim với (r = 0,38, p <0,01).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng chất lượng cuộc sống và một số yếu tố liên quan trên người bệnh suy tim mạn tại bệnh viện đa khoa tỉnh khánh hòa năm 2017 (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)