Đặc điểm chất lượng cuộc sốngcủa người bệnh suy timmạn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng chất lượng cuộc sống và một số yếu tố liên quan trên người bệnh suy tim mạn tại bệnh viện đa khoa tỉnh khánh hòa năm 2017 (Trang 69 - 75)

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy điểm số chất lượng cuộc sống của người bệnh suy tim mạn tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa thấp hơn mức điểm trung bình (50 điểm) ở hầu hết các lĩnh vực với điểm số trung bình chung là 45.6 ± 17.5 điểm, đặc biệt là các lĩnh vực thuộc nhóm sức khỏe thể chất; nhóm lĩnh vực sức khỏe tinh thần có điểm số chất lượng cuộc sống cao hơn nhóm lĩnh vực sức khỏe thể chất (49 ± 20.6 điểm so với 42.3 ± 17.1 điểm). Trong 8 lĩnh vực chất lượng cuộc sống có 5/8 lĩnh vực có điểm số trung bình thấp dưới 50 điểm; chỉ có 3 lĩnh vực có điểm số trung bình trên 50 điểm gồm 1 lĩnh vực thuộc nhóm sức khỏe thể chất là cảm nhận đau (60.9 điểm) và 2 lĩnh vực thuộc nhóm sức khỏe tinh thần là hạn chế vai trò cảm xúc (55.1 điểm) và sức khỏe tinh thần (50.6 điểm). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với một số các nghiên cứu khác ở trong và ngoài nước: Nghiên cứu của Dương T.O (2014) [23] cũng có điểm số trung bình chất lượng cuộc sống thấp 46.2 ± 6.6 điểm và nhóm lĩnh vực sức khỏe tinh thần có điểm số cao hơn nhóm lĩnh vực sức khỏe thể chất với điểm số tương ứng 58.24 ± 10.6 điểm so

với 37.33 ± 12.04 điểm. Nghiên cứu của Juenger (2002) [36] có kết quả chất lượng cuộc sống người bệnh suy tim thấp với 5/8 lĩnh vực chất lượng cuộc sống có điểm số trung bình dưới 50 điểm; chỉ có 3 lĩnh vực có điểm số trung bình trên 50 điểm gồm 1 lĩnh vực thuộc nhóm sức khỏe thể chất (cảm nhận đau với điểm số 63.1 điểm) và 2 lĩnh vực nhóm sức khỏe tinh thần (chức năng xã hội với điểm số 68.5 điểm, sức khỏe tinh thần với điểm số 61.2 điểm). Nghiên cứu của Aburuz (2016) [10] chỉ ra có 6/8 lĩnh vực chất lượng cuộc sống có điểm số trung bình dưới 50 điểm gồm 4 lĩnh vực nhóm sức khỏe thể chất và 2 lĩnh vực nhóm sức khỏe tinh thần điều đó cho thấy nhóm sức khỏe tinh thần có điểm số cao hơn nhóm sức khỏe thể chất tương ứng 48.8 ± 6.5 điểm so với 36.7 ± 12.6 điểm. Nghiên cứu của chúng tôi và các nghiên cứu trên đều cho thấy sự giảm sút rất lớn về chất lượng cuộc sống của người bệnh suy tim. Trong đó, chất lượng cuộc sống nhóm sức khỏe thể chất thấp hơn nhóm sức khỏe tinh thần bởi lẽ phần lớn người bệnh suy tim là người lớn tuổi mà khi càng lớn tuổi thì các hoạt động thể lực càng giảm. Thêm vào đó các triệu chứng thường xuyên của bệnh như khó thở, mệt mỏi, ho… càng làm gia tăng sự hạn chế vận động thể lực ở người bệnh. Ngoài ra, người bệnh suy tim mạn lớn tuổi lại có thêm nhiều bệnh mạn tính khác kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường, các bệnh mạn tính về phổi càng làm sức khỏe thể chất của họ suy giảm trầm trọng hơn.

Trong các triệu chứng của bệnh suy tim thì đau không phải là triệu chứng thường gặp của bệnh vì vậy nghiên cứu của chúng tôi cũng như một số nghiên cứu khác (nghiên cứu của Nguyễn Thị Thúy Minh (2013) [4]; nghiên cứu của Dương T.O (2014) [23]; nghiên cứu của Juenger (2002) [36]; nghiên cứu của Saccomann (2010) [51] đều có điểm số trung bình cao nhất ở lĩnh vực cảm nhận đau. Tuy nhiên trong nghiên cứu của Lê Minh Đức (2012) [2], nghiên cứu Aburuz (2016) [10] lĩnh vực cảm nhận đau có điểm số trung bình thấp nhất so với các lĩnh vực sức khỏe khác với điểm số tương ứng là 22.2 điểm và 33.9 điểm. Điểm khác biệt này có thể do có sự khác nhau ở quần thể nghiên cứu hơn nữa trong những năm gần đây triệu chứng đau ở người bệnh suy tim đã dần được ghi nhận. Ngoài ra, trong nghiên cứu này đối tượng của chúng tôi là người bệnh suy tim mạn đang điều trị tại bệnh viện

nên họ được bác sĩ, điều dưỡng theo dõi sát và điều chỉnh chế độ dùng thuốc vì vậy triệu chứng đau có thể được kiểm soát tốt hơn.

Lĩnh vực có điểm số trung bình thấp nhất trong nghiên cứu của chúng tôi là lĩnh vực sức khỏe chung với điểm số trung bình là 31.4 điểm. Kết quả tương tự được tìm thấy ở nghiên cứu của Juenger (2002) [36]; Saccomann (2010) [51]; Aburuz (2016) [10] điều này cho thấy người bệnh đã nhận biết được một cách rõ ràng và chính xác về vấn đề sức khỏe của họ hiện tại như thế nào và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ ra sao. Hơn nữa, nghiên cứu của chúng tôi là đối tượng người bệnh đang nằm viện nên phần nào những tình trạng bệnh hiện tại cũng như vấn đề tâm lý, lo lắng khi nằm viện có làm ảnh hưởng đến đánh giá cảm nhận về tình trạng sức khỏe chung của người bệnh.

Chất lượng cuộc sống của nhóm người bệnh suy tim trẻ (dưới 60 tuổi) trong nghiên cứu của chúng tôi có điểm số cao hơn so với nhóm người bệnh trên 60 tuổi cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều này là do những người bệnh suy tim trẻ tuổi thường có sức khỏe thể chất tốt hơn, họ ít bị hạn chế về các hoạt động thể lực, đồng thời họ cũng có nhiều mối quan hệ bạn bè, xã hội hơn người lớn tuổi nên họ có chất lượng cuộc sống tôt hơn. Kết quả tương tự được tìm thấy ở nghiên cứu của Heo (2008) [33] cho thấy người trẻ có hoạt động thể chất tốt hơn thì sức khỏe tinh thần tốt hơn; nghiên cứu của Fotos(2013) [25] người bệnh lớn tuổi (> 65 tuổi) có chất lượng cuộc sống kém hơn so với người bệnh < 65 tuổi (p = 0.002); của Aburuz và cộng sự (2016) [10] những người bệnh trẻ tuổi có điểm số chất lượng cuộc sống ở lĩnh vực thể chất và tinh thần tốt hơn do đó họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn người suy tim lớn tuổi.

Nam giới thường có khuynh hướng hoạt động xã hội nhiều hơn nữ giới, họ thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài xã hội và nơi làm việc. Điều đó giúp người bệnh suy tim nam giới tăng cường các mối quan hệ giao tiếp xã hội giúp giảm thiểu những căng thẳng, mệt mỏi, do đó họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn so với nữ giới. Ngược lại nữ giới thường ít có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội đặc biệt là những người phụ nữ sống ở vùng nông thôn; họ thường ở nhà chăm sóc con

cháu trong gia đình và kết quả chất lượng cuộc sống của họ thường thấp hơn nam giới. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng như một số nghiên cứu khác đã chỉ ra điểm số chất lượng cuộc sống của nam giới cao hơn so với nữ giới cả về thể chất lẫn tinh thần tương ứng điểm số 43.8 điểm và 52 điểm so với 41.1 điểm và 46.4 điểm; điểm số này ở nam giới trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Thúy Minh (2013) [4] là 45.4 điểm và 69.5 điểm cao hơn nữ giới là 33.5 điểm và 59,8 điểm. Trong công tác chăm sóc, người điều dưỡng cần đặc biệt quan tâm đến người bệnh suy tim nữ để hỗ trợ họ về mặt tinh thần, đồng thời giải thích người nhà hiểu để họ cùng phối hợp trong chăm sóc giúp chất lượng cuộc sống của đối tượng này được cải thiện hơn.

Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy những người bệnh có trình độ học vấn thấp và không có việc làm, người bệnh có hoàn cảnh sống một mình thì có có điểm số chất lượng cuộc sống thấp nhất so với người bệnh có trình độ học vấn cao, vẫn đang làm việc, đã kết hôn và sống cùng với gia đình. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thúy Minh (2013) [4] cũng cho kết quả tương tự người bệnh có trình độ cao (cấp 3, đại học); người bệnh vẫn đang làm việc có điểm số chất lượng cuộc sống cao hơn người bệnh có trình độ thấp và đang không làm việc ở lĩnh vực hoạt động thể chất, cảm nhận đau, cảm nhận sức sống và tâm thần tổng quát. Nghiên cứu của Barbareschi và cộng sự (2011) [13] cho thấy người bệnh suy tim có trình độ học vấn thấp thì có chất lượng cuộc sống thấp hơn so với người bệnh có trình độ học vấn cao. Những người bệnh có trình độ cao họ thường có công việc tốt và ổn định hơn đồng thời những người bệnh vẫn còn tham gia lao động họ có cơ hội tham gia nhiều các hoạt động xã hội và các hoạt động tại nơi làm việc cũng như vai trò trong gia đình. Những điều này đã giúp cho người bệnh giảm bớt những áp lực, căng thẳng, lo lắng từ đó giúp họ cải thiện vấn đề thể chất, tâm lý cũng như vấn đề kinh tế giảm những cảm xúc tiêu cực. Mặt khác, người bệnh có trình độ học vấn cao hơn họ có nhận thức tốt hơn về tình trạng bệnh tất cũng như các mối quan hệ xung quanh. Chính vì vậy họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Người bệnh đã kết hôn và sống cùng với gia đình thường sẽ có chất lượng cuộc sống tốt hơn nhờ có sự quan

tâm, chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình không chỉ về mặt thể chất mà còn cả về mặt tâm lý. Một số nghiên cứu đã cho thấy rõ điều này như nghiên cứu của Iqbal (2010) [35] những người bệnh không có người chăm sóc thì có chất lượng cuộc sống tệ hơn so với những người bệnh có người nhà chăm sóc, nghiên cứu của Sawafta (2013) [53] cho thấy người bệnh vẫn đang làm việc có chất lượng cuộc sống tốt hơn người bệnh không tham gia làm việc.

4.2.2. Đặc điểm trầm cảm của người bệnh suy tim mạn

Người bệnh suy tim mạn đang nằm điều trị tại bệnh viện trong nghiên cứu của chúng tôi có có tỷ lệ trầm cảm tương đối cao với tỷ lệ 54.1% . Trong đó tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới chiếm 57.5% cao hơn tỷ lệ này ở nam giới 42.5% và tỷ lệ người bệnh trầm cảm trong nhóm người bệnh suy tim không làm việc cao hơn so với tỷ lệ trầm cảm trong nhóm người bệnh suy tim đang làm việc. Nghiên cứu của Gottlied và cộng sự (2004) [28] cũng cho thấy tỷ lệ người bệnh suy tim bị trầm cảm là khá cao chiếm 48%, trong đó tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới nhiều hơn nam giới (64% so với 44%). Nghiên cứu của Luttik và cộng sự (2009) [41] về chất lượng cuộc sống và triệu chứng trầm cảm trên 393 người bệnh suy tim và người nhà của họ kết quả cho thấy có 47% người bệnh suy tim bị trầm cảm và tỷ lệ trầm cảm của phụ nữ là 27% nhiều hơn tỷ lệ này ở nam giới (20%).

Trong dân số nói chung, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm cao gấp đôi nam giới bởi nhiều yếu tố: sinh học, tâm lý và xã hội. Theo Hagen and Rosenström (2016) [31] so với nam giới phụ nữ thường xuyên xảy ra sự dao động về hormone trong cơ thể vào chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng, trong khoảng thời gian sinh sản (mang thai, sinh con, sẩy thai, vô sinh), thời kỳ tiền mạn kinh và mạn kinh. Ngoài ra, về mặt tâm lý, phụ nữ có xu hướng suy nghĩ nhiều với những biến cố xảy ra trong cuộc sống và dễ có những cảm xúc tiêu cực hơn nam giới. Thêm vào đó, các yếu tố xã hội cũng có nhiều tác động đến phụ nữ, họvừa phải lao động kiếm tiền như nam giới lại còn phải làm các công việc nhà, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái rồi vấn đề tiền bạc và đặc biệt là tình trạng phân biệt đối xử trọng nam khinh nữ tại nơi làm việc cũng như trong gia đình. So với các nước phương Tây, đặc điểm về văn hóa, phong tục

tập quán Việt Nam vẫn còn nặng nề về trọng nam khinh nữ, người phụ nữ muốn tham gia các công tác ngoài xã hội phải đảm bảo tốt công việc chăm sóc gia đình. Do đó, họ thường phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng hơn so với nam giới và vì vậy chất lượng cuộc sống của họ thấp hơn nam giới.

4.2.3. Đặc điểm hỗ trợ xã hội của người bệnh suy tim mạn

Hỗ trợ xã hội cho người bệnh suy tim mạn trong nghiên cứu của chúng tôi ở mức trung bình với điểm số là 56 điểm. Các người bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi đạt được điểm số cao nhất về hỗ trợ từ gia đình với 23 ± 12 điểm do thực tế đa số người bệnh suy tim tham gia nghiên cứu đã kết hôn (69.6%) và sống với gia đình (91.1%). Kết quả này cũng phù hợp với một số nghiên cứu khác trong và ngoài nước: Nghiên cứu của Dương T.O (2013) [23] cũng cho thấy mức hỗ trợ cao nhất của người bệnh suy tim tại Vĩnh Phúc là từ sự hỗ trợ của gia đình với 24.24 điểm. Nghiên cứu của Barutcu (2013) [15] cũng chỉ ra người bệnh Thỗ Nhĩ Kỳ nhận được sự hỗ trợ cao nhất từ gia đình của họ với điểm số (24,25 ± 6.17 điểm). Nghiên cứu của AbuRuz và cộng sự (2016) [10] cũng cho thấy người bệnh Arâp Saudi nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất là từ những người thân trong gia đình so với hỗ trợ khác từ xã hội với điểm số 84.7 điểm so với 63.8 điểm.

Mặt khác, nhận thức về hỗ trợ xã hội từ bạn bè trong nghiên cứu của chúng tôi cũng như trong nghiên cứu của Dương T.O (2013) [23] là thấp nhất. Điều này phù hợp với đặc điểm văn hóa người Việt khi có gia đình các mối quan hệ bạn bè bắt đầu giảm lại thay vào đó mọi người ưu tiên dành nhiều thời gian gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con cái và cho công việc của mình. Chính vì vậy, người bệnh nhận được sự hỗ trợ cao nhất từ gia đình của họ và thấp nhất từ bạn bè.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, những người bệnh suy tim đã kết hôn cũng như người bệnh có hoàn cảnh sống cùng với gia đình đều có mức hỗ trợ xã hội từ gia đình cao hơn các nhóm còn lại. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với đặc trưng văn hóa người Việt Nam gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau (ông bà, bố mẹ, con cháu); mọi người trong gia đình luôn gắn kết chặt chẽ với nhau, họ luôn ý thức tầm quan trọng của gia đình; con cái luôn có trách nhiệm quan tâm chăm sóc

ông bà, bố mẹ và ngược lại. Chính vì vậy, khi một người thân trong gia đình đau ốm thì gia đình luôn là nguồn trợ giúp lớn nhất cho người bệnh để đối phó với bệnh tật cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây là điểm quan trọng mà nhân viên y tế cần đặc biệt chú ý để có biện pháp kết hợp trong công tác chăm sóc nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

4.3. Mối liên quan giữa một số yếu tốđến chất lượng cuộc sống của người bệnh suy tim mạn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng chất lượng cuộc sống và một số yếu tố liên quan trên người bệnh suy tim mạn tại bệnh viện đa khoa tỉnh khánh hòa năm 2017 (Trang 69 - 75)