2.5.1 Phương pháp thu thập dữ liệu:
Sử dụng bộ câu hỏi tự điền để thu thập kiến thức của điều dưỡng về phòng ngừa té ngã cho người bệnh. Bộ công cụ của nghiên cứu gồm 2 phần: Phần 1 gồm những thông tin chung của đối tượng nghiên cứu như: tuổi, giới, trình độ chuyên môn, lịch sử đào tạo về phòng chống té ngã. Phần 2 là bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về dự phòng té ngã cho người bệnh của điều dưỡng.Bộ câu hỏi được hiệu chỉnh từ bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về dự phòng té ngã của điều dưỡng (Fall Knowledge Test) được xây dựng bởi Cơ quan nghiên cứu y tế và chất lượng Hoa Kỳ vào năm 2013 [8]. Bộ câu hỏi gồm 14 câu hỏi gồm các nội dung:nguyên nhân và yếu tố nguy cơ, biện pháp can thiệp dự phòng té ngã và đánh giá nguy cơ té ngã của người bệnh.
- Quy trình xây dựng bộ câu hỏi như sau:
+ Bộ câu hỏi được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt bởi 1 giảng viên tiếng Anh của Bộ môn ngoại ngữ trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn. Bản dịch tiếng Việt được lấy ý kiến của 3 người (1 Bác sỹ đang công tác tại phòng khám, một điều dưỡng trưởng khoa nội tim mạch và 01 điều dưỡng trực tiếp chăm sóc người bệnh tại khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn) về sự dễ hiểu và rõ nghĩa của bộ câu hỏi. Các ý kiến góp ý về việc điều chỉnh một số câu từ cho phù hợp với văn hóa của Việt Nam đã được thống nhất và điều chỉnh. Bộ công cụ sau dịch sang Tiếng Việt lại được dịch ngược lại sang tiếng Anh bởi 1 giảng viên tiếng Anh ở Bộ môn Ngoại ngữ của trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn (khác người dịch đầu). Bản tiếng Anh dịch ngược và bản gốc được so sánh, kiểm tra và thống nhất là không có sự khác biệt.
+ Bộ công cụ tiếng Việt được gửi đến 3 người (01 điều dưỡng đang chăm sóc người bệnh ở khối nội, 01 điều dưỡng đang chăm sóc người bệnh ở
khối ngoại, 01điều dưỡng đang chăm sóc người bệnh ở khoa phục hồi chức năng) để lấy ý kiến về sự phù hợp và đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong nghiên cứu. Các điều dưỡng đã thống nhất bộ công cụ có thể điều tra trên đối tượng nghiên cứu.
+ Bộ công cụ được điều tra thử trên 30 đối tượng điều dưỡng (có tiêu chuẩn tương tự như tiêu chuẩn chọn mẫu của nghiên cứu. Độ tin cậy của bộ công cụ đáp ứng yêu cầu để sử dụng trong nghiên cứu với chỉ số KR20là 0,93.
* Quy trình thu thập thông tin
Bước 1: Lấy danh sách Điều dưỡng theo số liệu của phòng kế hoạch
tổng hợp bệnh viện. Lựa chọn những điều dưỡng đủ tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu.
Bước 2: Những đối tượng đủ tiêu chuẩn sẽ được giới thiệu mục đích,
nội dung, phương pháp và quyền lợi của người tham gia vào nghiên cứu. Nếu đồng ý, đối tượng tham gia sẽ kí tên vào bản đồng ý tham gia nghiên cứu.
Bước 3: Những đối tượng tham gia nghiên cứu sẽ được phát bộ câu hỏi
tự điền để đánh giá kiến thức trước can thiệp.
Bước 4:Thực hiện can thiệp đào tạo cho đối tượng nghiên cứu về dự
phòng té ngã cho người bệnh bằng việc tổ chức 4 buổi tập huấn vào cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật). Tất cả 122 người được chia thành 4 nhóm (mỗi nhóm khoảng 30 người), đối tượng nghiên cứu có thể chọn 1 trong 4 buổi trong 2 ngày thứ 7 và chủ nhật để tham gia dự lớp tập huấn. Tài liệu tập huấn “chương trình đào tạo dự phòng té ngã cho người bệnh” được xây dựng dựa vào tài liệu an toàn người bệnh của Bộ y tế (2014)[4], Quản lý té ngã của bệnh viện Bạch Mai (2018)[1], phòng chống té ngã của tổ chức AHRQ[10].
Bước 5:Đánh giá kiến thức của đối tượng nghiên cứu được thực hiện
(T2)với bộ công cụ giống như trước can thiệp.
Bước 6:Sau khi thu thập được toàn bộ thông tin, nghiên cứu viên sẽ
kiểm tra toàn bộ bảng câu hỏi. Các số liệu được mã hóa, nhập vào máy tính đểphân tích.