dưỡng sau can thiệp
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trước can thiệp, tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức ở mức độ kém khá cao, chiếm 80,3%, ở thời điểm ngay sau can thiệp không có điều dưỡng nào có kiến thức ở mức độ kém. Ở thời điểm ngay sau can thiệp, tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức về dự phòng té ngã đã tăng lên đáng kể so với thời điểm trước can thiệp (97,5% so với 3,3%), sự thay đổi này có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Chỉ số hiệu quả ở thời điểm ngay sau can thiệp đạt 97,4%. Ở thời điểm sau can thiệp 1 tháng, tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức ở mức độ tốt giảm hơn so với thời điểm ngay sau can thiệp, nhưng cao hơn nhiều so với thời điểm trước can thiệp (86,1% so với 3,3%), sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Chỉ số hiệu quả ở thời điểm sau can thiệp 1 tháng đạt 85,6%. Điều này là dochương trình can thiệp tập trung đào tạo cho tất cả điều dưỡng về “Lý thuyết về dự phòng té ngã cho người bệnh và cách đánh giá nguy cơ té ngã của người bệnh theo bảng Morse”. Do đó, ngay sau can thiệp hầu hết điều dưỡng có kiến thức tốt.Bên cạnh đó, ngoài phương pháp can thiệp bằng thuyết trình kết hợp với cung cấp tài liệu phát tay về dự phòng té ngã, người điều dưỡng trong chương trình can thiệp còn được hướng dẫn thực hành về đánh giá nguy cơ té ngã và dự phòng té ngã bằng phương pháp đóng vai và thảo luận nhóm. Điều này làm tăng hiệu quả trong việc cung cấp kiến thức cho người điều dưỡng về dự phòng té ngã cho người bệnh và khiến cho người điều dưỡng tiếp cận một cách dễ dàng và thực tế hơn với những nội dung về dự phòng té ngã cho người bệnh. Phương pháp này cũng được áp dụng và cho hiệu quả tương tự trong nghiên cứu của Liu H và cộng sự năm 2011 tại Trung Quốc[30]. Tuy nhiên sau đó 1 tháng, tỷ lệ điều dưỡng
có kiến thức tốt đã giảm hơn so với thời điểm ngay sau can thiệp. Điều này có thể lý giải theo giải thích trong nghiên cứu của Hoerl, McCormack thì thông thường người ta có khả năng nhớ được 75% những gì đã học vào lúc kết thúc việc học và lưu trữ được không quá 10% ở thời điểm 30 ngày sau, có nghĩa là hơn 90% những gì đã học sẽ được quên từ sau 30 ngày[22]. Vì vậy sau một thời gian ngắn, điều dưỡng có thể quên phần nào kiến thức đã được học là hoàn toàn hợp lý với lý luận của Hoerl, McComack[22].Mặc dù vậy, ở thời điểm 1 tháng sau can thiệp, tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức tốt về dự phòng té ngã cho người bệnh vẫn ở mức cao (chiếm 86,1%). Điều này cho thấy, chương trình can thiệp không những chỉ làm cải thiện kiến thức của người điều dưỡng nhất thời mà còn có hiệu quả thật sự trong việc nâng cao kiến thức cho người điều dưỡng về dự phòng té ngã trong thời gian dài. Từ đó, người điều dưỡng có thể áp dụng những kiến thức đó vào trong công việc hàng ngày nhằm đảm bảo sự an toàn cho người bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.
Kết quả nghiên cứu này cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu của tác giả Faltas S.F.M năm 2018 áp dụng chương trình đào tạo cung cấp kiến thức và kỹ năng dự phòng té ngã cho điều dưỡng, kiến thức của điều dưỡng sau đào tạo được đánh giá tại 2 thời điểm: ngay sau đào tạo và sau đào tạo 3 tháng. Kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng, ở thời điểm ngay sau đào tạo, tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức đạt chiếm 90,8%, cao hơn nhiều so với thời điểm trước đào tạo (chiếm 21%), tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức không đạt giảm từ 79% xuống còn 9,2%. Tại thời điểm sau can thiệp 3 tháng, tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức đạt chiếm 82,9% [16].
Theo kết quả ở bảng 3.12, kiến thức của điều dưỡng nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ té ngã ở người bệnh tăng lên sau can thiệp, đặc biệt là kiến thức về các yếu tố nguy cơ té ngã liên quan đến việc dùng thuốc của người
bệnh tăng từ 12,3% điều dưỡng trả lời đúng lên 67,3% sau can thiệp. Bảng 3.13 chỉ ra rằng về thời điểm đánh giá nguy cơ té ngã ở người bệnh cũng có những thay đổi rõ rệt sau can thiệp, sự thay đổi đáng kể nhất là kiến thức về đánh giá nguy cơ té ngã theo thang điểm Morse tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức đúng trước can thiệp là 33,6% và tăng lên 78,7% sau can thiệp. Bảng 3.14 cho thấy về những kiến thức chung về các biện pháp dự phòng té ngã cũng tăng lên rõ rệt sau can thiệp. Tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức đúng về quản lý thuốc, đáp ứng nhu cầu của người bệnh có thể dự phòng té ngã tăng từ 36,1% trước can thiệp lên 76,4% sau can thiệp. Tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức về các khuyến nghị để cải thiện sự an toàn người bệnh tăng từ 47,5% trước can thiệp lên 88,2% sau can thiệp.
Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của El Enein N.Y.A và cộng sự năm 2012 về đánh giá hiệu quả của chương trình can thiệp đào tạo về kiến thức và kỹ năng về dự phòng té ngã cho các điều dưỡng làm việc tại các khoa nội, ngoại, hồi sức cấp cứu tại bệnh viện. Kết quả cho thấy, chương trình đào tạo cải hiện rõ rệt kiến thức của người điều dưỡng trong các khía cạnh của việc dự phòng té ngã cho người bệnh. Điểm trung bình của về kiến thức dự phòng té ngã liên quan đến khía cạnh yếu tố cá nhân tăng từ 52,5 ± 19,1 lên 95,4 ± 7,5; điểm trung bình về kiến thức dự phòng té ngã liên quan đến các yếu tố sức khỏe của người bệnh tăng từ 58,6 ± 16,1 lên 87,5 ± 12,1; điểm trung bình của kiến thức dự phòng té ngã liên quan đến các yếu tố môi trường tăng từ 57,8 ± 20,4 lên 88,5 ± 13,7 và điểm trung bình của kiến thức dự phòng té ngã liến quan đến các yếu tố khác tăng từ 47,1 ± 19,5 lên 65,4 ± 4,9 [15]. Điều này chứng minh rằng biện pháp đào tạo có hiệu quả trong việc tăng cường kiến thức cho người điều dưỡng về dự phòng té ngã cho ngườibệnh [24].
Theo kết quả nghiên cứu này, tại thời điểm ngay sau can thiệp, điểm trung bình của kiến thức về dự phòng té ngã ở nhóm đối tượng nghiên cứu tăng lên có ý nghĩa thống kê so với thời điểm trước can thiệp, 27,79 ± 1,44 so với 13,6 ± 4,46 (p(T1-T0):< 0,001). Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của El Enein N.Y.A và cộng sự năm 2012 về đánh giá hiệu quả của chương trình can thiệp đào tạo về kiến thức và kỹ năng về dự phòng té ngã cho các điều dưỡng làm việc tại các khoa nội, ngoại, hồi sức cấp cứu tại bệnh viện. Kết quả cho thấy, chương trình đào tạo cải hiện rõ rệt kiến thức của người điều dưỡng trong các khía cạnh của việc dự phòng té ngã cho người bệnh. Cụ thể, sau can thiệp điểm trung bình của kiến thức chung về dự phòng té ngã của điều dưỡng đã tăng từ 54,2 ± 13,8 lên 84.2 ± 7,3 điểm (p < 0,001) [15]. Một nghiên cứu khác ở Ân Độ cũng áp dụng biện pháp đào tạo về đánh giá nguy cơ té ngã cho người điều dưỡng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau can thiệp, điểm trung bình kiến thức đánh giá nguy cơ té ngã của điều dưỡng đã tăng có ý nghĩa thống kê từ 3,18 điểm lên 9,23 điểm trên tổng số 10 điểm tối đa (p < 0,001) [24].
Ở thời điểm sau can thiệp 1 tháng, điểm trung bình của kiến thức thấp hơn ở thời điểm ngay sau can thiệp (27,0 ± 2,55 so với 27,79 ± 1,44) nhưng cao hơn với thời điểm trước can thiệp có ý nghĩa thống kê (27,0 ± 2,55 so với 13,6 ± 4,46; p(T2-T0): < 0,001). Kết quả nghiên cứu này cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu của tác giả Faltas S.F.M năm 2018 áp dụng chương trình đào tạo cung cấp kiến thức và kỹ năng dự phòng té ngã cho điều dưỡng, kiến thức của điều dưỡng sau đào tạo được đánh giá tại 2 thời điểm: ngay sau đào tạo và sau đào tạo 3 tháng. Kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng, điểm trung bình của kiến thức ở thời điểm ngay sau can thiệp đã tăng 19,86 điểm so với thời điểm trước can thiệp. Sự thay đổi này có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Tại thời điểm sau can thiệp 3 tháng, điểm trung bình về kiến thức ở thời điểm
sau can thiệp 3 tháng tăng 14,3 điểm so với thời điểm trước can thiệp, sự thay đổi này có ý nghĩa thống kê với p < 0,001[16].
Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy được hiệu quả trong việc cải thiện kiến thức của điều dưỡng về dự phòng té ngã cho người bệnh bằng việc áp dụng biện pháp can thiệp giáo dục về các kiến thức dự phòng té ngã cho người điều dưỡng. Điều này có ý nghĩa trong việc giúp cho người điều dưỡng có thể thực hiện các biện pháp nhằm phòng té ngã cho người bệnh nói riêng và đảm bảo sự an toàn cho người bệnh nói riêng. Từ đó góp phần không nhỏ vào việc cải thiện chất lượng chăm sóc của bệnh viện.