Chương trình đào tạo dự phòng té ngã cho người bệnh được xây dựng dựa vào “Tài liệu an toàn người bệnh” của Bộ y tế (2014)[4]; Quản lý té ngã của bệnh viện Bạch Mai (2018)[1]và phòng chống té ngã của tổ chức AHRQ[10]. Nội dung chương trình gồm:
Phần 1: Lý thuyết về dự phòng té ngã cho người bệnh
Thuyết trình về nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, hậu quả, biện pháp dự phòng té ngã và các giải pháp làm giảm tình trạng té ngã ở người bệnh trong thời gian 30 phút.
Chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ (mỗi nhóm 5 – 10 người) để tiến hành thảo luận nhóm: câu hỏi thảo luận liên quan đến tìm hiểu nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, hậu quả, biện pháp dự phòng té ngã và các giải pháp để làm giảm tình trạng té ngã ở người bệnh.Thời gian thảo luận 30 phút
Các nhóm sẽ trình bày kết quả thảo luận vào khổ giấy A0 và báo cáo trước lớp trong thời gian 10 phút/nhóm. Giảng viên sẽ tổng hợp lại phần trình bày của các nhóm và đưa ra các ý chính nhằm giúp đối tượng hiểu biết thêm về kiến thức. Thời gian tổng hợp kiến thức và trao đổi thảo luận trong vòng 15 phút.
Phần 2: Thực hành đánh giá nguy cơ té ngã của người bệnh theo bảng Morse [31].
Giới thiệu về bảng đánh giá nguy cơ và dự phòng té ngã cho người bệnh của Morse [31] và hướng dẫn điều dưỡng đánh giá nguy cơ té ngã của người bệnh dựa trên các tình huống giả định (người bệnh do người
thuộc nhóm điều tra viên đóng vai) trong thời gian 10 phút.
Chia thành nhóm nhỏ (10 – 15 người/nhóm)theo dõi các tình huống giả định khác qua video và thực hành đánh giá nguy cơ té ngã của người bệnh. Sau thời gian thảo luận, các nhóm lên trình bày kết quả trong 10 phút/nhóm. Giảng viên thảo luận và đưa ra các kết luận cho các hoạt động của người học trong 15 phút.
Phần 3: Tổng kết và rút kinh nghiệm về hoạt động học tập
Giảng viên đưa ra các kết luận cho các hoạt động của người học trong vòng 10 phút. Kết thúc buổi học đối tượng sẽ được cung cấp thêm tài liệu phát tay về dự phòng té ngã cho người bệnh để tìm hiểu và xem lại kiến thức bài giảng khi cần.