2.6.1. Bộ công cụ.
Khi tiến hành thu thập dữ liệu trước và sau can thiệp giáo dục, chúng tôi chia làm 2 phần để thu thập số liệu:
Phần kiến thức: Phỏng vấn trực tiếp đối tượng nghiên cứu thông qua bộ câu hỏi bao gồm thông tin về biến số nền và 13 câu hỏi về kiến thức Phòng té ngã cho người bệnh với hình thức đối tượng nghiên cứu chọn câu trả lời đúng bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu câu.
Phần thực hành: Điều tra viên quan sát kín(không cho đối tượng nghiên cứu biết) việc thực hiện các nội dung phòng té ngã cho người bệnh của đối tượng nghiên cứu, ghi kết quả vào phiếu quan sát bằng cách tích ( ) vào phiếu quan sát ở mức độ đánh giá tương ứng trong số 5 mức độ theo thang đo Likert [38].
2.6.1.1. Cơ sở xây dựng bộ câu hỏi và bảng quan sát
Bộ câu hỏi phần kiến thức được xây dựng dựa trên tài liệu “Phòng té ngã trong bệnh viện: một công cụ để cải tiến chất lượng chăm sóc” do Tổ chức Nghiên cứu xây dựng Chính sách Y tế và Chất lượng Hoa Kỳ (AHRQ) ban hành. Trong đó biểu mẫu 2E là phần đánh giá kiến thức về té ngã dành cho điều dưỡng viên (2E: Fall Knowledge Test) bao gồm có 13 câu hỏi, người được đánh giá lựa chọn một hay nhiều ý đúng ở mỗi câu bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu câu. Mục đích của bộ câu hỏi này là để đánh giá kiến thức chung của điều dưỡng viên về phòng chống té ngã nhằm phát hiện lỗ hổng kiến thức, qua đó điều chỉnh nội dung các chương trình tập huấn để bổ trợ kiến thức cho điều dưỡng viên [25].
Đánh giá của điều dưỡng về nguy cơ té ngã cho người bệnh đang nằm viện theo Công cụ đánh giá nguy cơ té ngã của Johns Hopkins (JHFRAT), bao gồm 7 nội dung đánh giá: tuổi người bệnh, tiền sử ngã, tình trạng tiểu tiện, sử dụng thuốc, dụng cụ chăm sóc đi kèm, tình trạng vận động, tình trạng tâm thần, tình trạng thể chất. Điểm đánh giá dưới 14 điểm là người bệnh có nguy cơ té ngã thấp, từ 14 điểm trở lên là người bệnh có nguy cơ té ngã cao [40]. Để phù hợp hơn với đặc điểm thực tế tại Việt Nam, nghiên cứu của chúng tôi sử dụng Bảng đánh giá nguy cơ té ngã (Sửa đổi công cụ đánh giá của Bệnh viện Johns Hopkins) của Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh [4].
Bảng quan sát đánh giá biện pháp phòng ngừa té ngã cho người bệnh trong bệnh viện của điều dưỡng viên, nghiên cứu của chúng tôi sử dụng các nội dung Hướng dẫn can thiệp phòng ngừa té ngã của Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh [4] nhưng đánh giá mức độ thường xuyên các hoạt động theo thang đo Linker bao gồm 5 mức độ : Mức 1: không làm, không có bằng chứng thực hiện (never); Mức 2: có làm một phần, chỉ làm cho xong việc (rarely); Mức 3: có làm đạt trung bình, thực hiện chưa đầy đủ (occasionally); Mức 4: Có làm đạt tốt, thực hiện đầy đủ (frequently); Mức 5: Có làm rất tốt, thực hiện đầy đủ và thường xuyên (very frequently) [38].
2.6.1.2. Kết cấu bộ câu hỏi và bảng quan sát
- Phần kiến thức phòng té ngã cho người bệnh trong bệnh viện (Phụ lục 2): Bao gồm 2 phần:
+ Thông tin chung về người được phỏng vấn: Tuổi, giới tính, trình độ chuyên môn, mức độ quan tâm đến vấn đề té ngã của người bệnh, nhu cầu tập huấn về phòng té ngã cho người bệnh.
+ Kiến thức phòng té ngã cho người bệnh của điều dưỡng viên: gồm 13câu hỏi trắc nghiệm, điều dưỡng viên lựa chọn một hay nhiều câu trả lời đúng bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu mỗi câu (giai đoạn trước và sau can thiệp).
- Phần thực hành phòng té ngã cho người bệnh trong bệnh viện (Phụ lục 3): Bảng kiểm quan sát trực tiếp điều dưỡng viên thực hiện phòng té ngã cho người bệnh tại các khoa dành cho điều tra viên (giai đoạn trước và sau can thiệp).
2.6.2. Nhân lực và tiến trình thu thập số liệu
Điều tra viên tại mỗi khoa là 02 người: Điều dưỡng trưởng khoa và giáo viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nam đang trực tiếp giảng dạy và quản lý sinh viên thực tập lâm sàng tại khoa. Điều tra viên đã được tập huấn về nội dung nghiên cứu và thống nhất cách thức thu thập số liệu:
- Số liệu phần kiến thức: Tổ chức 02 đợt thu thập số liệu trong một lần đánh giá tại mỗi khoa. Mỗi đợt thu thập số liệu, tập trung 1/2 ĐDV tại Phòng hành chính của khoa, điều tra viên giải thích rõ nội dung nghiên cứu và phát phiếu điều tra cho từng ĐDV tự điền trong khoảng thời gian 30 phút. Điều tra viên giám sát để đảm bảo ĐDV không trao đổi thông tin trong quá trình điền phiếu, sau đó thu lại phiếu điều tra, kiểm tra sự phù hợp của các câu trả lời và đề nghị điều chỉnh ngay khi cần. - Số liệu phần thực hành: Điều tra viên quan sát thực hành của 01 đối tượng nghiên cứu trong một buổi ở mỗi khoa. Các cuộc quan sát được tiến hành trong giờ hành chính vào các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 tại các thời điểm diễn ra hoạt động chăm sóc người bệnh. Sau quan sát, 02 điều tra viên thống nhất mức độ đánh giá của từng hoạt động của đối tượng nghiên cứu để điền vào phiếu quan sát.
- Số lần đánh giá: Đánh giá tại 3 thời điểm trước can thiệp giáo dục (lần 1); sau can thiệp giáo dục 1 tuần (lần 2); sau đánh giá lần 2 khoảng 1 tháng (lần 3);
Thực hiện giám sát quá trình thu thập số liệu để đảm bảo bộ công cụ được đầy đủ, chính xác và khách quan cho nghiên cứu.
2.6.3. Can thiệp giáo dục
Chương trình can thiệp được tiến hành theo 2 nhóm mục tiêu là kiến thức và thực hành, mỗi nhóm mục tiêu đều tiến hành thông qua 4 bước của thiết kế chương trình can thiệp giáo dục.
Điều dưỡng viên ở mỗi khoa chia làm 2 nhóm và mỗi nhóm được tham gia đủ 2 buổi về vấn đề kiến thức do Trưởng Phòng đào tạo - chỉ đạo tuyến và Trưởng phòng ĐD phụ trách và 2 buổi về vấn đề thực hành do nghiên cứu viên phụ trách.
2.6.3.1. Cơ sở xây dựng chương trình can thiệp giáo dục
- Học thuyết về nâng cao sức khỏe của Nola J. Pender: 5 yếu tố cơ bản là của con người, môi trường, điều dưỡng, sức khỏe và bệnh tật quyết định hành vi sức
khỏe và là cơ sở cho tư vấn hành vi để thúc đẩy lối sống lành mạnh [46].
- Học thuyết về học tập xã hội của Albert Bandura: Nhận thức có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc điều chỉnh hành vi. Quá trình nhận thức tác động mạnh, quyết định đến hành vi của con người thông qua bốn bước: (1) Gây sự chú ý đến vấn đề cần thay đổi; (2) Nhớ lại; (3) Thực hành lại; (4) Tạo động lực [28].
- Bộ câu hỏi và bảng kiểm quan sát (Phụ lục 2, 3)
- Được sự đồng ý tham gia nghiên cứu của điều dưỡng viên trên địa bàn nghiên cứu (Phụ lục 1).
- Phương pháp can thiệp giáo dục trong nghiên cứu của chúng tôi có tính đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện và có khả năng nhân rộng.
2.6.3.2. Mục tiêu của chương trình can thiệp giáo dục kiến thức và thực hành về phòng ngừa té ngã cho người bệnh của điều dưỡng viên.
- Về kiến thức: Bổ trợ và nâng cao kiến thức về Phòng té ngã cho người bệnh của ĐDV, bao gồm các nội dung:
+ Các khái niệm té ngã, nguy cơ té ngã, phòng ngừa té ngã, quản lý ngã dựa theo tài liệu Quy trình phòng ngừa và xử trí té ngã đối với người bệnh nội trú (07/QTr – BVĐHYD) ban hành ngày 13/05/2016 của Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh [4].
+ Các yếu tố nguy cơ té ngã dựa trên tài liệu được đăng tải tại trang chủ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) [56].
+ Hậu quả của té ngã dựa theo tài liệu được đăng tại trang chủ của Bộ Y tế bang Tây Úc, Australia [32].
+ Các biện pháp dự phòng té ngã trong bệnh viện và Xử trí người bệnh sau ngã dựa trên tài liệu Quy trình quản lý ngã (QT.75.HT) ban hành ngày 27/05/2018 của Bệnh viện Bạch Mai [3].
- Về thực hành:
+ Thực hiện đúng và thành thạo Bảng đánh giá về nguy cơ té ngã cho người bệnh đang nằm viện.
+ Thực hiện can thiệp phòng té ngã cho người bệnh trên cơ sở nguy cơ té ngã đã được đánh giá.
2.6.3.3. Kế hoạch thực hiện chương trình can thiệp giáo dục về kiến thức và thực hành Phòng té ngã cho điều dưỡng viên.
- Thời gian: từ ngày 08/04/2019 đến ngày 12/04/2019 (từ 16h – 17h).
- Nhân lực: Trưởng Phòng đào tạo – chỉ đạo tuyến, Trưởng Phòng Điều dưỡng, Nghiên cứu viên.
- Vật lực: Văn phòng phẩm, tài liệu, máy chiếu, máy tính xách tay… - Địa điểm: phòng giao ban Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.
- Phương pháp và cách thức can thiệp: + Phương pháp: can thiệp giáo dục.
+ Cách thức can thiệp: tổ chức các buổi tập huấn về kiến thức và thực hành phòng ngừa người bệnh bị té ngã cho điều dưỡng viên.
Về kiến thức: Các khái niệm về té ngã, nguy cơ té ngã, hậu quả té ngã và các biện pháp dự phòng té ngã.
Về thực hành: Hướng dẫn can thiệp phòng ngừa người bệnh té ngã, bao gồm 20 nội dung trong đó có 5 nội dung dành cho người bệnh có nguy cơ té ngã thấp và 16 nội dung dành cho người bệnh có nguy cơ té ngã cao.
Thực hiện tập huấn cho điều dưỡng mỗi vấn đề đều thông qua 4 bước: (1. Gây sự chú ý đến vấn đề cần thay đổi, 2. Nhớ lại, 3. Thực hành lại, 4. Tạo động lực), áp dụng phương pháp thuyết trình, thảo luận nhóm, đóng vai...
2.6.3.4. Giám sát và đánh giá sau can thiệp giáo dục.
- Giám sát: Điều dưỡng trưởng khoa cùng người nghiên cứu tiến hành giám sát điều dưỡng viên thực hiện công việc liên quan đến Phòng té ngã 3 lần/tuần/khoa, thời gian từ ngày 15/04 đến 30/5/2019.
- Đánh giá sau can thiệp giáo dục: Sử dụng lại bộ công cụ đánh giá kiến thức và thực hành về phòng té ngã trong bệnh viện (Phụ lục 2,3), thời gian đánh giá lần 2 từ ngày 15/4 đến 26/4/2019; thời gian đánh giá lần 3 từ ngày 15/5 đến 30/5/2019.