Tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở huyện ninh hải, tỉnh ninh thuận (Trang 27 - 32)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.2. Tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đào tạo, huấn luyện, tuyển chọn một đội ngũ cán bộ có cả Đức và Tài, coi Đức là gốc, Người cho rằng: "Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân" [35, tr.67].

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ Ba (khóa VIII) đã xác định rõ tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn riêng của từng loại cán bộ. Các tiêu chuẩn chung gồm:

- Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tuỵ phục vụ Nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

- Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ học vấn, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Các tiêu chuẩn đó có quan hệ mật thiết với nhau. Coi trọng cả đức và tài, đức là gốc.

Ngoài các tiêu chuẩn chung nói trên, cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân còn phải:

- Có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Có năng lực dự báo và định hướng sự phát

triển, tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật; thuyết phục và tổ chức Nhân dân thực hiện. Có ý thức và khả năng đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Gương mẫu về đạo đức, lối sống. Có tác phong dân chủ, khoa học, có khả năng tập hợp quần chúng, đoàn kết cán bộ.

- Có kiến thức về khoa học lãnh đạo, quản lý. Đã học tập có hệ thống ở các trường của Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân; trải qua hoạt động thực tiễn có hiệu quả.

Từ những tiêu chuẩn chung trên đây, có thể đưa ra những tiêu chí để đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở trên các mặt như sau:

1.2.2.1. Số lượng và cơ cấu

- Tiêu chí về số lượng cán bộ

Khi đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ không thể bỏ qua tiêu chí này. Số lượng cán bộ là hợp lý khi số lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của tổ chức và sự phát triển về số lượng cán bộ phải bảo đảm những yêu cầu về chất lượng, tức là đội ngũ cán bộ được giáo dục, rèn luyện, quản lí, phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được quần chúng nhân dân tín nhiệm, việc phát triển cán bộ bảo đảm đúng phương châm, phương hướng, điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ. Việc thực hiện đúng chỉ tiêu biên chế được quy định cần được xem xét với tư cách một tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở.

- Tiêu chí về cơ cấu đội ngũ cán bộ

Cơ cấu đội ngũ cán bộ là hợp lý khi các thành phần trong cơ cấu phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của tổ chức. Cơ cấu đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở là hợp lý nếu như đủ cán bộ có phẩm chất, trình độ, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trong số cán bộ phải có sự bổ sung cho nhau về chuyên môn, nghiệp vụ, về độ tuổi, về tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ.

1.2.2.2. Về phẩm chất

- Phẩm chất chính trị

Phẩm chất chính trị của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở được biểu hiện trước hết là sự trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng; có tinh thần yêu nước sâu sắc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, thể hiện qua lời nói và việc làm; kiên quyết đấu tranh bảo vệ quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, không dao động trước những khó khăn, thử thách. Đồng thời, phải có biện pháp để đưa đường lối đó đi vào thực tiễn.

Người cán bộ có phẩm chất chính trị tốt không chỉ bằng những lời tuyên bố, hứa hẹn, mà quan trọng hơn là việc nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kiên quyết đấu tranh chống lại mọi lệch lạc, biểu hiện sai trái trong đời sống xã hội đi trái ngược với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phẩm chất chính trị của người cán bộ còn biểu hiện thông qua thái độ phục vụ Nhân dân, tinh thần gương mẫu trong công tác, trong lối sống, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ đồng chí đồng nghiệp. Người cán bộ có phẩm chất chính trị tốt phải là người luôn trăn trở trước những khó khăn ở địa phương, đơn vị; phải có quyết tâm đưa địa phương nơi mình công tác ngày càng phát triển về mọi mặt.

- Phẩm chất đạo đức, lối sống

Người cán bộ phải có đạo đức cách mạng thì mới có đủ điều kiện để phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, phục vụ Đảng. Nếu thiếu hoặc yếu kém đạo đức cách mạng sẽ không thể làm tốt công việc được giao và nó là nguyên nhân của tệ quan liêu, tham nhũng, tạo nên nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, sự sống còn của chế độ.

Người cán bộ có đạo đức cách mạng phải là người hội tụ đủ 5 đức tính: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Những đức tính tốt đẹp đó phải thể hiện ra bên

ngoài trong công việc hàng ngày của người cán bộ.

Trong điều kiện hiện nay, mỗi cán bộ phải luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần tập thể, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân; khiêm tốn, giản dị, trung thực, không cơ hội; có lối sống lành mạnh, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không tham nhũng, vụ lợi cá nhân; có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng; quan hệ mật thiết với Nhân dân, sâu sát với công việc, không quan liêu cửa quyền, gây phiền hà cho dân; tác phong làm việc khoa học, dân chủ, nói đi đôi với làm.

1.2.2.3. Trình độ chuyên môn

Để có năng lực công tác tốt, mỗi cán bộ phải có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý hành chính nhà nước, có hiểu biết nhất định về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tâm lý học lãnh đạo, quản lý, kiến thức hội nhập, luật pháp, trình độ tin học, ngoại ngữ... theo yêu cầu công việc được giao; bên cạnh đó phải có kỹ năng công tác tốt, tinh thông nghiệp vụ, hiểu biết và chấp hành pháp luật, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

1.2.2.4. Năng lực thực tiễn

+ Mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao

Đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, năng lực thực tiễn thể hiện ở: - Có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Năng lực nắm bắt, đánh giá tình hình thực tế đang diễn ra của thế giới, đất nước và địa phương; khả năng phân tích, tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các ngành, các cấp và của Nhân dân về các lĩnh vực công tác.

- Khả năng dự báo tình hình, tiếp nhận, xử lý thông tin, lựa chọn những vấn đề bức thiết để kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp trên ra các quyết định lãnh đạo đúng đắn.

- Khả năng vận dụng lý luận, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn của địa phương.

- Khả năng phản ứng linh hoạt, chủ động xử lý nhanh nhạy những tình huống phát sinh nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ.

+ Về phong cách làm việc

Phong cách làm việc là cách thức làm việc ổn định, mang sắc thái của mỗi người. Phong cách làm việc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực, khí chất của cá nhân; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, điều kiện làm việc, sinh hoạt; sự giáo dục, rèn luyện…

Tháng 10 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc để hướng dẫn cán bộ sửa chữa các “bệnh” theo lối làm việc cũ và rèn luyện phong cách làm việc mới. Trong quá trình hoạt động, Đảng ta luôn quan tâm đến việc xây dựng phong cách làm việc cho đội ngũ cán bộ. Đã có nhiều văn kiện của Đảng đề cập đến việc xây dựng, đổi mới phong cách làm việc. Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ theo hướng năng động, khoa học và dân chủ là yêu cầu rất bức thiết. Nhiều cán bộ lãnh đạo đã có ý thức xây dựng, đổi mới phong cách làm việc để nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc. Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới vừa qua không tách rời cố gắng của đội ngũ cán bộ vươn lên đổi mới phong cách làm việc theo hướng năng động, sáng tạo, khoa học.

Đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, cần phải:

- Có tác phong làm việc dân chủ, khoa học, chuyên nghiệp, gương mẫu chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; nói đi đôi với làm.

- Năng động, sáng tạo, có tư duy khoa học, có tầm nhìn trong việc nắm bắt tình huống và chủ động xử lý trước mắt và lâu dài.

- Giản dị, gần gũi, liên hệ mật thiết với Nhân dân; có kỹ năng giao tiếp với Nhân dân để có những ứng xử phù hợp với nhiều đối tượng; tôn trọng Nhân dân, có thái độ phục vụ tận tình, chu đáo.

- Có tinh thần nhiệt tình cách mạng trên cơ sở khách quan, khoa học, thiết thực.

- Có kỹ năng vận động, tuyên truyền, hòa giải để giải thích, thuyết phục Nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

+ Mức độ hài lòng, tín nhiệm của Nhân dân

Thể hiện ở tinh thần trách nhiệm với Nhân dân, nói đi đôi với làm; trọng dân, gần dân, thái độ phục vụ Nhân dân chu đáo, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân; gương mẫu, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, được Nhân dân tin yêu, tín nhiệm.

1.2.2.5. Về sức khỏe (thể lực và trí lực)

Sức khỏe của mỗi con người được đánh giá qua nhiều tiêu chí, song tiêu chí cơ bản nhất là thể lực và trí lực. Trí lực được đánh giá thông qua sự minh mẫn, linh hoạt trong phản ứng xử lý công việc, sự nhạy bén, chủ động trong tiếp thu tri thức. Nếu chỉ có trình độ, năng lực chuyên môn mà không có một sức khỏe dẻo dai, bền bỉ thì cũng không thể biến năng lực chuyên môn ấy thành hoạt động thực tiễn được. Chỉ khi con người dùng cả sức mạnh thể chất lẫn sức mạnh tinh thần để tập trung cho công việc thì mới hoàn toàn thu được kết quả như mong muốn. Bởi vậy, sự phát triển bình thường về thể chất và tâm lý trong một cơ thể khoẻ mạnh cũng là một tiêu chí quan trọng của chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nói riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở huyện ninh hải, tỉnh ninh thuận (Trang 27 - 32)