Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội huyện Hải Lăng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất một số dự án tại huyện hải lăng, tỉnh quảng trị (Trang 52 - 54)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

3.1.3. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội huyện Hải Lăng

* Về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường

Thuận lợi:

Hải Lăng có điều kiện tự nhiên, tài nguyên, cảnh quan môi trường tương đối thuận lợi cho việc phát triển một nền kinh tế đa dạng với nhiều ngành nghề như: công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và nông - lâm - ngư nghiệp.

Tài nguyên thiên nhiên khá đa dạng: Có than bùn dùng để sản xuất phân bón; silicát phân bố ở dọc phía Đông của Huyện thuộc các xã ven biển là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp thủy tinh. Bờ biển dài 14km với ngư trường đánh bắt rộng thuận tiện cho việc khai thác gần bờ.

Về tài nguyên rừng chiếm tỷ trọng khá lớn trong sản xuất nông - lâm nghiệp, độ che phủ rừng đạt 46,8% góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, điều hòa khí hậu, chống xói mòn bảo vệ đất.

Trên địa bàn Huyện có 04 con sông phân bố tương đối đều thuận lợi cho việc tưới tiêu chủ động cho cây trồng và phát triển nuôi trồng thủy sản.

Có 13.054ha đất phù sa thuận lợi cho việc phát triển nền nông nghiệp với đa dạng các loại cây trồng.

Khó khăn:

Địa hình khá phức tạp với nhiều kiểu địa hình khác nhau tạo nên sự thay đổi giữa các vùng, không đồng nhất các loại cây trồng.

Khí hậu khắc nghiệt bởi thường xuyên có bão, lụt vào mùa mưa và nắng hạn gió Tây Nam khô nóng vào mùa khô gây thiếu nước cho sản xuất. Đồng thời khí hậu, thời tiết diễn biễn phức tạp gây khó khăn cho quá trình định hướng sản xuất.

Tài nguyên đất, nước khai thác chưa hợp lý nên dễ bị suy thoái; các nguồn tài nguyên khác khai thác chưa có kế hoạch nên hiệu quả không cao.

* Về điều kiện kinh tế - xã hội

Thuận lợi

Nông - lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đạt kết quả khả quan góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kính tế nông thôn. Thương mại, dịch vụ đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu xã hội. Công nghiệp, xây dựng có bước chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng, mạng lưới giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước được mở rộng. Các công trình phúc lợi cộng đồng như trường học, bệnh viện, trạm y tế được mở rộng và nâng cấp góp phần cải thiện môi trường sống và sinh hoạt của nhân dân.

Hàng năm huyện thực hiện giải quyết tốt các chính sách xã hội cho các đối tượng chính sách như tặng sổ tiết kiệm, tặng quà nhân ngày thương binh liệt sĩ, xây dựng nhà tình nghĩa, trợ giúp lương thực, thuốc men. Tuy vậy một bộ phận đối tượng chính sách và nhân dân còn nằm trong diện đói nghèo.

Công tác quốc phòng an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng được củng cố, tăng cường và xây dựng mới.

Công tác quản lý trong lĩnh vực môi trường ngày càng nâng cao, luật bảo vệ môi trường đã đi vào cuộc sống; hàng năm Huyện tổ chức tuyên truyền giáo dục cho nhân dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môi trường, thực hiện tốt bảo vệ môi trường.

Khó khăn:

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Nền kinh tế phát triển nhưng thiếu bền vững.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển nhưng chưa mạnh, còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm hàng hóa tạo ra chưa nhiều. Thương mại, dịch vụ chưa xứng với tiềm năng, chất lượng phục vụ chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng diễn ra chậm; chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Công tác chỉ đạo dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn còn thiếu quyết liệt, vẫn còn nhiều chủ hộ cùng tham gia trên cánh đồng lớn.

Việc liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quy mô còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao; chưa thu hút được doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp. Việc nhân rộng các mô hình kinh tế có giá trị kinh tế cao còn hạn chế, thực hiện chuyển đổi mô hình ở vùng biển hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững.

Năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm chưa cao. Nguy cơ dịch bệnh trên vật nuôi như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh ở gia súc xảy ra bất cứ lúc nào đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Công tác quản lý đất đai, xây dựng ở một số địa phương chưa chặt chẽ, nhất ở 2 xã Hải An, Hải Khê nên để xảy ra nhiều trường hợp tự ý tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trong vùng quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Việc xử lý xây dựng nhà trái phép chưa được thực hiện nghiêm. Công tác quản lý khai thác tài nguyên và cát sỏi ở một số xã còn thiếu chặt chẽ.

Công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số, hiệu quả quản trị, hành chính chưa có chuyển biến mạnh mẽ; việc thực hiện thủ tục hành chính ở một số cơ quan, địa phương còn chậm so với thời gian quy định, nhất là khâu lập hồ sơ.

Hoạt động thu gom rác thải ở nhiều địa phương còn bất cập, ý thức của người dân về phân loại rác thải chưa cao. Việc vận động chăn nuôi quy mô lớn ra khỏi khu dân cư theo quy hoạch kết quả đạt được còn thấp; tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường còn phổ biến.

Các lĩnh vực xã hội còn nhiều bất cập, công tác quy hoạch ngành thiếu đồng bộ, công tác cải cách hành chính chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, một bộ phận cán bộ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất một số dự án tại huyện hải lăng, tỉnh quảng trị (Trang 52 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)