15. Bảng 3.14 Hiệu quả xã hội của các kiểu sử dụng đất tại xã Mô Ra
3.2.3. Ngành lâm nghiệp
Lâm nghiệp là một ngành sản xuất vật chất đặc biệt. Nói đến lâm nghiệp trước hết phải nói đến vai trò của rừng trong nền kinh tế quốc dân và trong đời sống xã hội. Trong luật bảo vệ và phát triển rừng có ghi “Rừng là tài nguyên quý báu của đất nước, có khả năng tái tạo là bộ phận trong môi trường sinh thái, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế quốc dân, gắn liền với đời sống nhân dân với sự sống của dân tộc”.
Theo số liệu thống kê cho thấy diện tích đất lâm nghiệp của xã Mô Rai chiếm tỷ lệ rất lớn so với diện tích đất tự nhiên. Năm 2013, tổng diện tích đất lâm nghiệp là 114.765,5 ha chiếm 73,30% diện tích đất tự nhiên, trong đó: đất rừng sản xuất là 93.070,99 ha chiếm 59,49% diện tích đất tự nhiên; đất rừng phòng hộ là 4.153,90 ha chiếm 2,65%; đất rừng đặc dụng là 17.540,70 ha chiếm 11,20%. Rừng và đất rừng là tài nguyên chủ yếu, quý giá và là thế mạnh của Mô Rai. Với nhiều loại gỗ quý như: hương, trắc, cẩm lai, cà te, gụ, cẩm xa, sang lẻ,… tre, nứa, lồ ô mọc thành vùng rộng lớn; Nguồn lâm sản dưới tán rừng khá dồi dào như song mây, trầm, hương, chai cục, sa nhân, vằng đắng, mật ong,… Và nhiều thú rừng, chim muông quý hiếm như: voi, bò tót, trâu rừng, hổ, báo, hươu, nai,… Xã Mô Rai có Vườn quốc gia Chư Mom Ray rộng 56.621 ha với nhiều loại gỗ, thú rừng, chim muông quý hiếm đang được bảo tồn.
Về công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, do địa bàn rộng, lực lượng quản lý mỏng. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép, săn bắn thú rừng vẫn diễn ra. Về công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng: Thực hiện theo chủ trương của Đảng, trên địa bàn xã đã tổ chức thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân, trong đó, thực hiện giao rừng theo Quyết định 304 là 5.477 ha, với 273 hộ tham gia; Giao theo Đề án phát triển rừng bền vững là 1.054,6 ha, với 69 hộ tham gia; Giao đất lâm nghiệp và phát triển nông thôn là 962 ha, với 219 hộ tham gia [23].