3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
3.4.2. Hoàn thiện hệ thống quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm
Quy hoạch là khoa học dự báo, để dự báo được cụ thể, chi tiết cần phải có thông tin đầy đủ về khả năng phát triển của tất cả các ngành kinh tế quốc dân. Quy hoạch sử dụng đất đai và mục đích sử dụng đất đai sẽ cung cấp cơ sở cho việc hoạch định chiến lược về khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai một cách hiệu quả nhất.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước bảo đảm phân bổ một cách hợp lý nguồn tài nguyên phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH bền vững là định hướng chủ đạo và yêu cầu xuyên suốt. Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất là cơ sở, là công cụ nhằm phát huy tối đa năng lực quản lý Nhà nước đối với đất đai và kiến trúc đô thị, hướng việc sử dụng đất đúng hướng chiến lược cũng như khai thác có hiệu quả cao nhất nguồn lực tài chính từ đất đai. Tuy nhiên. trong điều kiện khó khăn của huyện, việc phát triển kinh tế thường xuyên có sự thay đổi để phù hợp với xu hướng chung nên nhiều chỉ tiêu KT-XH, quốc phòng - an ninh cũng theo đó luôn luôn thay đổi, vì thế, việc phá vỡ quy hoạch sử dụng đất thường xuyên xảy ra, gây nên nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển của huyện Xuân Lộc.
Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trước mắt, UBND huyện phải nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, trên cơ sở đó, tập trung nguồn lực tài chính để đảm bảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thực sự có tính khả thi cao, đảm bảo định hướng phát triển bền vững.
Mô tả được thực trạng các nguồn lực đất đai của huyện một cách chính xác nhất, trong đó phải chỉ ra được lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh của từng thửa đất cụ thể.
Thể hiện được dự báo sự biến động về diện tích đất đai và biến động về nhu cầu sử dụng đất đai của huyện, đặc biệt, cần nắm rõ thông tin chi tiết về sự tác động của công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Việc quản lý, sử dụng đất phải thông qua công cụ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vừa bảo đảm quỹ đất phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quỹ đất sử dụng phù hợp cho từng giai đoạn và lâu dài. Vì vậy, yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng đất phải thực hiện tốt các vấn đề sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân biết và thực hiện. tham gia quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Rà soát lại việc quản lý và sử dụng đất, cần tiếp tục đẩy mạnh việc đưa quỹ đất do nhà nước quản lý, đất trống, đất chưa sử dụng, để tăng nguồn thu nhưng về lâu dài đảm bảo đất không bị lấn chiếm trái phép. Đối với đất đã giao nhưng chưa đầu tư hoặc đầu tư nhưng hiệu quả mang lại chưa cao thì rà soát, có chuyển sang mục đích sử dụng khác có hiệu quả cao hơn.
- Trong quá trình thực hiện chính sách về đất đai, một diện tích không nhỏ được giao cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhưng đã sử dụng sai mục đích hoặc sử dụng kém hiệu quả. Thực tiễn cho thấy một nghịch lý là bên cạnh nhiều doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước được cấp giấy chứng nhận QSDĐ với diện tích lớn, vị trí đất thuận lợi nhưng hiệu quả sử dụng thấp, trong khi các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất cần diện tích đất lớn, vị trí thuận lợi thì không được giao hoặc giao không phù hợp. Vì vậy, việc cần thiết trước mắt là rà soát lại quỹ đất đã giao cho các cơ quan, đơn vị nhưng hiệu quả sử dụng thấp hoặc sử dụng sai mục đích để có hướng thu hồi, chuyển mục đích sử dụng, đưa vào quỹ đất nhằm tăng khả năng huy động tài chính từ các diện tích này. Về lâu dài, việc giao đất, cho thuê đất phải được tính toán kỹ trên cơ sở quy hoạch, nhu cầu thực tế và khả năng, hiệu quả sử dụng đất nhằm tránh lãng phí về đất đai.
- Cần có chính sách, cơ chế khuyến khích, động viên tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất khẩn trương đưa đất vào khai thác, quản lý, sử dụng đất tiết kiệm. hiệu quả và thực hiện nghiên túc các quy định về nghĩa vụ tài chính về đất đai.