3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Thị xã Điện Bàn được thành lập trên cơ sở toàn bộ 21.471 ha diện tích tự nhiên, 229.907 nhân khẩu và 20 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Điện Bàn theo Nghị quyết 889/NQ-UBTVQH13 ngày 11 tháng 3 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13.
Thị xã Điện Bàn có tọa độ địa lý xét về vĩ độ từ 15o40’ đến 15o57’ vĩ độ Bắc và kinh độ từ 108o00’ đến 108o20’ kinh độ Đông. Vị trí tiếp giáp của thị xã như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) - Phía Nam giáp huyện Duy Xuyên
- Phía Đông giáp biển Đông và phía Đông Nam giáp thành phố Hội An - Phía Tây giáp huyện Đại Lộc [14].
Hình 3.1. Bản đồ hành chính thị xã Điện Bàn (Nguồn: [5])
Thị xã Điện Bàn nằm trên trục quốc lộ 1A, cách thành phố Đà Nẵng 25 km về phía Bắc và cách tỉnh lỵ thành phố Tam Kỳ 48 km về phía Nam; có các tuyến giao thông huyết mạch của cả nước chạy qua như quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc - Nam;
trung tâm huyện lỵ gần sân bay quốc tế Đà Nẵng, gần cảng lớn Tiên Sa của khu vực miền Trung. Với vị trí địa lý trên, phát triển đô thị Điện Bàn có nhiều cơ hội liên kết với các đô thị liền kề như Đà Nẵng và Hội An tạo nên dải đô thị của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung [8].
Xét về mặt tự nhiên, thị xã Điện Bàn một nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố cho phát triển đô thị với hướng mở, lưng tựa núi mặt nhìn ra biển, địa hình khá bằng phẳng, trong đó địa hình ven biển gồm các phường Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Dương, vùng này chủ yếu là cồn cát và bãi cát ven biển chạy dài từ Bắc xuống Nam với diện tích khoảng 5.300 ha (chiếm 25 % diện tích thị xã). Địa hình đồng bằng là dạng địa hình chính, gồm hầu hết các xã, phường đồng bằng ở khu vực trung tâm và phía Tây của thị xã, diện tích khoảng 15.500 ha (chiếm 73 % tổng diện tích tự nhiên). Địa hình gò đồi phân bố chủ yếu ở xã Điện Tiến, có diện tích khoảng 395 ha, chiếm 2 % diện tích tự nhiên [14].
Cả hai phường điều tra khảo sát của đề tài đều nằm trong vùng đồng bằng của thị xã nhưng phường Điện An nằm ở khu vực trung tâm của thị xã Điện Bàn, có tổng diện tích tự nhiên năm 2014 là 1.014,85 ha còn phường Điện Nam Trung là một phường đồng bằng ven biển nằm về phía đông của thị xã có diện tích năm 2014 là 803,74 ha.
3.1.1.2. Khí hậu
Khí hậu tại thị xã Điện Bàn nói chung và hai phường Điện An, Điện Nam Trung nói riêng mang những nét đặc trưng của khí hậu nhiệt đới vùng trung trung bộ: nắng nhiều, mưa theo mùa và chịu ảnh hưởng của gió mùa; gió mùa Tây Nam thổi từ tháng 4 đến tháng 7, gió mùa Đông Nam thổi từ tháng 5 đến tháng 9 và gió mùa Đông Bắc thổi từ tháng 10 đến tháng 12.
Một năm có hai mùa: mùa khô từ tháng 2 đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau. Nhiệt độ trung bình trong năm là 25,6°C, nhiệt độ cao nhất vào tháng 6, 7, 8, thấp nhất vào tháng 12 và tháng 1. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.208 mm, tháng có lượng mưa cao nhất là tháng 10 và tháng 11, tháng có lượng mưa thấp nhất là tháng 3.
Bão thường xảy ra vào các tháng 9, 10, 11 kết hợp với các trận mưa lớn gây lũ lụt làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân [30].
Những năm gần đây, thời tiết khí hậu diễn biến thất thường, vùng hay phải chịu thiên tai, bão, lụt, hạn hán… gây thiệt hại lớn cho cây trồng, vật nuôi và đời sống người dân.
3.1.1.3. Tài nguyên thiên nhiên a. Tài nguyên đất
Điện Bàn là thị xã đồng bằng ven biển được hình thành trên sản phẩm bồi tích có nguồn gốc sông biển. Theo điều tra của viện Quy hoạch - Nông nghiệp thì tổng diện tích đất tự nhiên trên địa bàn huyện là 21.471 ha chia thành 4 nhóm đất sau:
- Nhóm đất cát ven biển (C) - Nhóm đất phù sa (P) - Nhóm đất mặn (M)
- Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá (E)
Nhìn chung đất đai huyện Điện Bàn khá tốt. Nhóm đất phù sa độ phì nhiêu cao có thể cho năng suất cây trồng lớn. Hiện tại nhóm đất này được khai thác sử dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp [30].
Đất đai tại phường Điện An khá màu mỡ, gồm các loại đất như: đất phù sa được bồi hằng năm (Pb), đất phù sa Glây (Pg) nên rất thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây nông nghiệp [27].
Tại phường Điện Nam Trung, thổ nhưỡng có 2 loại chính là: đất phù sa được bồi đắp hàng năm (Pb) chiếm 27,06 % được dùng để sản xuất nông nghiệp cho năng suất cao và ổn định; đất cồn cát, bãi cát trắng vàng (Cc) chiếm 72,94 % phân bố trên địa hình tương đối cao ở khu vực phía đông của phường, được dùng vào mục đích trồng các loại cây hàng năm và phát triển các trang trại lợn, gà [29].
b. Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt: hệ thống sông suối ở huyện nhiều, phân bố đều, thuận lợi cho việc phân bố và sử dụng. Nhờ đó có đủ lượng nước tưới và có thể chủ động cho cây trồng quanh năm [27].
Các con sông lớn trên địa bàn huyện như: sông Thu Bồn, sông Bà Rén, sông Vĩnh Điện, sông Yên, sông Bình Phước, ngoài ra còn có các sông nhánh: sông Thanh Quýt, sông Cổ Cò, sông Hà Sáu, sông Bình Long... [30].
Nguồn nước ngầm: nguồn nước ngầm trên địa bàn tương đối tốt, độ sâu trung bình 3 - 5m. Nhìn chung nguồn nước ngầm có chất lượng đảm bảo yêu cầu trong sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu những năm gần đây đã làm chất lượng nguồn nước mặt bị suy giảm dần do sự xâm nhập sâu của thuỷ triều vào các cửa sông. Sông Vĩnh Điện thường bị nhiễm mặn vùng gần cửa sông nhất là vào tháng 5 và tháng 6, gây ảnh hưởng đến nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt. Sông Cổ Cò là sông nối từ cửa sông Thu Bồn chạy dọc ven biển
thông ra cửa sông Hàn, hiện nay bị cát biển xâm chiếm, tình trạng nhiễm mặn trầm trọng khu vực 2 bên dòng sông. Chất thải của Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và các cụm công nghiệp khác trên địa bàn cũng là nguyên nhân làm cho chất lượng nguồn nước mặt bị giảm suốt [30].
c.Tài nguyên biển
Điện Bàn có bờ biển dài gần 8 km, chạy qua các phường Điện Ngọc, Điện Dương, nằm giữa tuyến ven biển Hội An - Đà Nẵng, có vị trí rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển như đánh bắt, nuôi trồng và khai thác du lịch [30].