Giải pháp về giảm mức độ manh mún đất đai

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và ảnh hưởng của manh mún đất đai đến hiệu quả sử dụng đất sản xuất lúa tại thị xã điện bàn, tỉnh quảng nam (Trang 68 - 70)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.7.1. Giải pháp về giảm mức độ manh mún đất đai

Giảm mức độ manh mún đất đai là một trong các biện pháp nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất lúa, do đó cần có các biện pháp nhằm khuyến khích việc tích tụ ruộng đất để giảm mức độ manh mún, nhỏ lẻ đất đai.

3.7.1.1. Tiếp tục thúc đẩy quá trình dồn điền đổi thửa

Dồn điền đổi thửa được xem là một trong những giải pháp khả thi để khắc phục tình trạng manh mún đất đai, trong giai đoạn 2011 – 2015 thị xã Điện Bàn đã triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa trên diện tích 388,1 ha tại 10 thôn, khối phố của 6 xã phường như Điện Phước, Điện Quang, Điện Minh, Điện Thọ, Điện Hồng và Điện An. Kết quả cho thấy, công tác này đã khắc phục được tình trạng manh mún, giảm số thửa trên hộ và tăng diện tích trên một thửa. Đồng thời, dồn điền đổi thửa đi đôi với xây dựng cánh đồng lớn cũng sẽ khắc phục tình trạng sản xuất “da beo”, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Góp phần thu hút doanh nghiệp vào liên danh, liên kết đầu tư. Được biết, giai đoạn 2016 - 2020, Điện Bàn dự kiến tiến hành chương trình dồn điền đổi thửa tại 19 xã, phường với diện tích 3.560 ha, nhu cầu kinh phí khoảng 1.501,2 tỷ đồng.

Qua 2 năm thực hiện dồn điền đổi và xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại khối phố Nhất Giáp phường Điện An, địa bàn đã thực hiện xong việc đo đạc và giao đất cho nông dân vào cuối năm 2014, công tác đo đạc và thành lập bản đồ mới hoàn thành cuối năm 2015 đến nay việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thửa ruộng chưa được thực hiện nên nhiều hộ dân vẫn chưa yên tâm đầu tư sản xuất. Để khắc phục điều này có thể áp dụng một số giải pháp sau: Tăng cường chỉ đạo các ngành, các cấp trong công tác phối hợp tổ chức thực hiện liên quan lĩnh vực đất đai; cấp tỉnh cần xem xét hỗ trợ kinh phí cho thực hiện việc đo đạc, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, bố trí đủ nhân lực và các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết để triển khai được nhanh và đồng bộ; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tập trung ruộng đất để hỗ trợ cơ giới hóa, chấp hành tốt pháp luật trên lĩnh vực đất đai, nhất là thực hiện quy hoạch sử dụng đất, chỉnh lý hồ sơ địa chính; cần phải đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa để tránh tâm lý lo ngại về mất công bằng, phải tạo niềm tin cho người nông dân về kết quả của công tác này.

Để triển khai thành công chủ trương dồn điền đổi thửa tại các địa phương khác trong thời gian tới thì những nhà lập quy hoạch và lãnh đạo thị xã cũng như lãnh đạo các địa

phương cần có sự nghiên cứu để lập quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả; lập các chương trình, phương án dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng mẫu một cách khoa học trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế của công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn trong thời gian qua.

3.7.1.2. Khuyến khích thị trường giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại thị xã Điện Bàn đang diễn ra mạnh mẽ đặc biệt với sự mở rộng các khu, cụm công nghiệp tại địa phương đã thu hút rất nhiều lao động chuyển sang làm công nhân nên một phần ruộng đất không có nhu cầu sử dụng để trồng trọt và có nhu cầu chuyển nhượng phần đất của họ cho những ai muốn tiếp tục tăng gia sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh việc dồn điền đổi thửa, một giải pháp đang được cân nhắc hiện nay để khắc phục thực trạng manh mún ruộng đất là tạo ra thị trường giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp, hay nói cách khác, tạo cho người nông dân quyền quyết định sử dụng mảnh ruộng của họ. Trên lý thuyết, thị trường này đã hình thành từ lâu thông qua việc nhà nước thừa nhận các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, thừa kế, thế chấp ruộng đất, tuy nhiên thực tế tại thị xã Điện Bàn cho thấy thị trường trao đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện nay vẫn còn rất phức tạp và chưa được phát triển.

Để thị trường giao dịch đất nông nghiệp phát triển tại nước ta nói chung và thị xã Điện Bàn nói riêng thì Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan ban hành luật cần xem xét, đưa ra các cơ chế rõ ràng trong việc giao dịch đất nông nghiệp, tạo thuận lợi để các giao dịch mua bán diễn ra đúng với quy luật cung cầu thị trường, xây dựng những cơ chế chính sách quản lý chặt chẽ trong quá trình vận hành thị trường này. Để các giao dịch ruộng đất nông nghiệp được diễn ra đúng quy hoạch và không làm thay đổi mục đích sử dụng đất buộc Nhà nước phải có những biện pháp và chính sách phù hợp, cần có sự tham khảo, học hỏi những kinh nghiệm của các nước khác trong việc giải quyết vấn đề này, nghiên cứu thấy rằng có một chính sách đột phá của Trung Quốc có thể tham khảo đó là: “Nông dân được trao đổi không hạn chế quyền sử dụng đất nông nghiệp mà họ đang được hưởng cho những nông dân khác hoặc cho các doanh nghiệp, miễn là không chuyển đổi mục đích sử dụng. Nông dân cũng sẽ được thế chấp, cầm cố “quyền sử dụng đất” để vay vốn ngân hàng hoặc góp vốn vào công ty nông nghiệp”. Việc nông dân được phép bán đất nông nghiệp mà không chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ tạo điều kiện cho sự ra đời của các nông trại quy mô lớn với công nghệ canh tác hiện đại.

3.7.1.3. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và thủy lợi

Sau khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, việc xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng như đời sống của nhân dân ngày càng được chú trọng. Tại cánh đồng Minh Ma phường Điện An sau dồn điền đổi thửa, hệ thống thủy lợi với các kênh bê tông đã được đầu tư, nâng cấp phục vụ tốt cho việc sản xuất của nông dân tuy nhiên vẫn còn hơn 300 m đường giao thông nội đồng chưa được bê tông hóa gây khó khăn trong việc đi lại, chuyên chở của nhiều bà con do đó buộc Ủy ban nhân dân phường Điện An nhanh chóng triển khai xây dựng đoạn đường còn lại trong thời gian tới để giao thông tại cánh đồng mẫu cơ bản đồng bộ. Do Điện An trở thành phường nội thị khi Điện Bàn lên thị xã nên không được nhận được các nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới, do đó để có nguồn vốn xây dựng tuyến đường này cần tích cực công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng, ngoài nguồn vốn từ ngân sách thị xã và ngân sách địa phương cần linh động, tranh thủ, huy động vốn khác, đa dạng hóa nguồn vốn.

Đối với những hộ gia đình được giao ruộng xấu hơn so với trước dồn điền đổi thửa thì cần có những hỗ trợ như giảm tiền thủy lợi phí, xây dựng giao thông nội đồng... để người dân thấy rằng công tác dồn điền đổi thửa thực sự công bằng, có hiệu quả và mang lại lợi ích cho người nông dân trong việc sản xuất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và ảnh hưởng của manh mún đất đai đến hiệu quả sử dụng đất sản xuất lúa tại thị xã điện bàn, tỉnh quảng nam (Trang 68 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)