Hỏi: Bạn em có liệt kê một số nghề nhàn hạ mà thu nhập khá, rồi bảo em nên chọn nghề như vậy, dù không phù hợp cũng ráng cho qua. Em hỏi “không phù hợp” là không phù hợp như thế nào, bạn ấy bảo…ừ thì ráng chiều chuộng người ta một chút dù mình không ưa, ráng chấp nhận thiệt thòi chút đỉnh dù mình thấy tiếc, nhưng bù lại là được làm nơi sạch sẽ, nơi mát mẻ, ngồi phòng lạnh hoặc ngồi xe hơi theo xếp đi ký hợp đồng giống như được du lịch đó đây, làm gì và
làm ở đâu cũng được mở mày mở mặt…
Có lúc em cho như vậy cũng hay, làm nghề gì đó không hợp mà khỏe re cũng được, vẫn còn hơn làm nghề phù hợp mà phải tất bật tối ngày. Nhưng rồi lại đắn đo e ngại, liệu như thế có bị đánh mất chính mình không? Liệu có nghề gì thật nhàn mà vẫn phù hợp không? Nếu được nhàn hạ trong khi hành nghề có bị coi là xấu không?
***************
Trả lời: Người không thạo nghề thì hành nghề rất vất vả. Nhưng khi đã điêu luyện tay nghề thì họ làm như “chơi”, họ thao tác nghề giống như làm xiếc trước mắt ta, thoắt cái là xong, vừa nhẹ nhàng vừa tuyệt hảo. Đó là lúc mà tay nghề đã giúp họ không chỉ đạt hiệu quả, còn đạt tới mức nhàn hạ, mang đến cho họ cả thú vui và nét đẹp tinh tế trong hạnh phúc hành nghề.
Có hai thứ nhàn hạ: nhàn hạ tích cực và nhàn hạ tiêu cực. Loại nhàn hạ nhờ chăm chỉ học hành và thường xuyên rèn luyện mà có (như vừa nêu ở trên), đó là thứ nhàn hạ tích cực. Để có sự nhàn hạ đúng nghĩa tích cực, người ta phải chấp nhận một sự đánh đổi bằng công sức, mồ hôi, thậm chí cả nước mắt và máu đào, chứ không đánh đổi danh dự và phẩm giá. Sự đánh đổi đó mang lại cho họ trí tuệ, chất xám, tài năng, bản lĩnh và cả lương tri – những tiền đề cho một cuộc sống đổi đời: từ bỉ cực sang thái lai. Nếu hôm nay, một nhà sáng chế phát minh hay một nhà doanh nghiệp tỷ phú đang hưởng thụ tài sản của mình trong hạnh phúc nhàn hạ, thì đó là việc họ xứng đáng được hưởng thụ thành quả do họ đã khó nhọc mà có. Họ được “nghỉ ngơi” sau khi đã khó nhọc tự “leo núi”, chứ không nằm một chỗ thụ động chờ người khác khiêng qua núi.
Hy vọng bạn không nằm trong số người muốn nhàn hạ theo kiểu thụ động, tiêu cực, tự đánh mất mình. Nhưng cũng đừng nhầm tưởng rằng, những người đã thực sự thành công và trở nên nhàn hạ trong nghề nghiệp (hơn thế – thành danh trong sự nghiệp, như các đại gia lỗi lạc, các nghệ sĩ tài hoa…) là do họ chọn nghề nhàn hạ, mà chính là nhờ họ đã chọn đúng nghề phù hợp. Chính xác hơn: nhờ nghề họ chọn, khi thấy giữa nghề và họ đều tương hợp tối đa. Một nhà giáo danh tiếng – GSTS Khoa học vật lý Nguyễn Chung Tú đãnhiều lần
khẳng định trước báo giới, bạn hữu và sinh viên của mình: “Chính ngành vật lý chọn tôi, thay vì tôi chọn ngành đó”. Và, trong sự nghiệp giáo dục của mình, GSTS. Nguyễn Chung Tú đã thực sự tìm thấy hạnh phúc khoa học khi đi sâu vào ngành vật lý và nghề sư phạm.
Trên thực tế, có người mong đến với nghề nào đó mà không cần phải tốn công học hỏi, đến khi đi làm thì muốn nhàn hạ mà được lương cao. Ông Kim- Woo-Choong (người sáng lập tập đoàn Deawoo – Hàn Quốc) đã từng nói với họ rằng:”Đừng mơ tưởng ảo. Không có nghề nào thật sự nhàn hạ theo nghĩa đen. Chỉ có người nhàn hạ chứ không có nghề nhàn hạ. Nghề nào cũng đòi hỏi cố gắng liên tục, nếu không vất vả tay chân thì cũng căng thẳng đầu óc. Mặt khác, người có lương tâm nghề nghiệp và lương tâm cống hiến không bao giờ thấy mình nhàn hạ buông thả trong nghề. Họ luôn luôn trăn trở với nghề, với công việc, theo hướng suy nghĩ làm sao đây để cải tiến nhiều hơn, hiệu quả cao hơn, phục vụ tốt hơn”.