Hỏi: Tôi đã hướng nghiệp tích cực bằng cách học nghề, có bằng cấp và nhiều chứng chỉ về trình độ. Nhưng, cứ đụng tới nghề là tôi bị rắc rối hoặc rách việc, đi
làm việc được một thời gian phải nghỉ, vì “họ” không thích tôi mà tôi cũng chẳng ưa họ. Vậy tôi bị “thiếu” cái gì? Điều gì còn đòi hỏi tôi ở trên đường hướng nghiệp?
********************
Trả lời: Rất may mắn là bạn đã thấy ra vấn đề “bị thiếu những cái gì đó chưa ổn, còn mơ hồ” trên đường hướng nghiệp. Đấy là những sự phản tỉnh cần thiết trước khi thấy cụ thể những điều đó.
Học nghề để có trình độ tay nghề, mới là điều kiện cần, chưa đủ hành trang để hướng nghiệp tích cực. Các phương tiện truyền thông ở TP.HCM cho biết có hơn 90% sinh viên tốt nghiệp ra trường mà không ổn định việc làm. Trong đó, đại bộ phận không tìm được việc hoặc phải làm những việc “không ưng ý”, “không phù hợp”hoặc “làm việc phù hợp nhưng phải bỏ”… Một trong những lý do căn bản là họ chưa hội đủ những yếu tố tối thiểu về cái “sự biết” (ngoài sự biết
hành nghề theo chuyên môn).
Nhà doanh nghiệp tài danh Rockefeller (Vua dầu hoả) cũng là nhà tư vấn hướng nghiệp nổi tiếng, đã vạch rõ: ”Hãy tìm nguyên nhân của sự thành bại từ sâu thẳm của tâm hồn”.
Và, ông chỉ ra 5 hành trang căn bản về cái “sự biết” của tâm hồn, cần cho người hướng nghiệp. Đó là:
A. Biết chịu khó trong công việc, tự đòi hỏi sự dấn thân. Nhiều cái khó không nằm ở chuyên môn, mà ở thái độ đối với công việc ngoài chuyên môn. Có khi chỉ là việc tạp vụ, vặt vãnh, bạn cũng không nề hà, miễn đem lại lợi ích chung.
B. Biết siêng năng với công việc, tự đòi hỏi sự chuyên tâm. Nếu bạn làm một việc không tùy hứng, không “lửa rơm”, một lòng một dạ kiên trì bền bỉ, người ta sẽ đánh giá cao về bạn. Lúc đó, họ sẵn sàng giao việc và hợp tác bền lâu với bạn.
C. Biết chăm chú vào công việc, tự đòi hỏi sự tập trung. Thiếu sự tập trung toàn tâm toàn ý là một nguy cơ bị “rách việc”, bị mất tin tưởng. Việc nhỏ đã bất thành, người ta sẽ không giao làm việc lớn. Bởi vậy, đừng coi thường các chi tiết
trong công việc.
D. Biết mê say với công việc, tự đòi hỏi sự phấn khích. Có người chỉ say mê với việc lớn, lơ là công việc nhỏ, khiến người giao việc không yên tâm. Hãy tập thói quen làm việc là phấn khích với bất kỳ việc lớn nhỏ, sẽ được quý mến và được tín nhiệm lâu bền.
Đ. Biết giao tiếp có văn hoá, tự đòi hỏi sự ứng xử lịch sự, văn minh, chân thàn, đôn hậu. Một thái độ biết tự trọng và trọng người, biết khôn ngoan mà không khôn lõi, biết lanh lợi mà không ma lanh…. đều được người ta nể trọng.
… Đừng tưởng nữ giới mới có những phẩm chất nói trên. Không, tùy người, còn tùy cách giáo dục và tự giáo dục. Nhiều chàng trai làm trợ lý giám đốc có hiệu quả hơn cả nữ giới. Nên rèn tập từ bây giờ, khi đang học. Chờ đến lúc tốt nghiệp ra trường mới tập 5 cái “sự biết” trên đây thì quá trễ. Khi đó, dù có nhiều bằng cấp cũng khó giữ được việc làm.