23.Khi hướng nghiệp, có nên tin vào vận may?

Một phần của tài liệu Cẩm nang Hướng nghiệp (Trang 88 - 89)

Hỏi: Trong quá trình hướng nghiệp, “vận may” đóng một vai trò như thế nào? Ngược lại với vận may là “xui xẻo”, phải chăng, nó có thể đạp đổ cả sự nghiệp, và do đó nó có thể triệt tiêu cả chí hướng? Em thấy nhiều người đi trước đã từng “lều chõng” mà cứ thi rớt, nếu tốt nghiệp ra trường cũng bơ vơ tìm việc nhưng hành nghề một thời gian lại bỏ cuộc, thối lui. Khi thấy lận đận, họ còn không tin ở mình nữa. Có phải họ không gặp được “thần may mắn”?

**************

Trả lời: Trên đời, nếu có “thần may mắn”, đó chỉ là “thần ảo”, tồn tại trong cõi “mộng” mà thôi. Tuy không có thần may mắn thật nhưng khoa tâm lý học vẫn thừa nhận : có vận may, có cơ hội. Dù thế, bạn nên nhìn vấn đề một cách biện chứng để tự trả lời ba câu hỏi sau: 1. Khi nào thì vận may tới? 2. Nếu vận may chưa tới, thì sao? 3. Nếu vận may tới, thì sao?

Có hai thứ vận may: vận may ngẫu nhiên và vận may tất nhiên. Loại thứ nhất có thể đến với người khác mà không đến với bạn. Nếu đến với bạn, nó không hẹn trước, lại rất đỏng đảnh (Ví dụ: nó ra điều kiện, trước khi cho bạn một cơ may). Loại may mắn kiểu “cà chớn” này chẳng có gì chắc chắn cả, bạn đừng cả tin và dài cổ trông đợi. Nếu bạn không muốn lâm vào tình cảnh “ngồi chờ sung rụng”, hãy nghĩ tới loại may mắn thứ hai: vận may tất yếu. Đó là thứ vận may sẽ tới, chắc chắn tới, nếu bạn chịu học và làm theo… con kiến, con ong.

Loài ong kiến không chờ mồi ngon có sẵn, mà tự mình xây tổ, rồi hành nghề “giao thông vận tải” liên tụcmỗi ngày để tìm hàng, chở hàng và chất hàng cho đầy tổ. Vận may tất yếu sẽ đến với những người biết lam lũ cần cù, không giàu cũng đủ ăn. Từ thực tế của đời mình, nhà doanh nghiệp tỷ phú Bill Gates (Chủ tập đoàn Microsoft) đã tự bạch: “Không ai cho tôi một cơ hội nào cả. Nhưng, càng chăm chỉ bao nhiêu, tôi càng thấy mình may mắn bấy nhiêu.”

Dù thi trượt nhiều lần, dù không có bằng cấp, bạn cũng đừng nhụt chí khi hướng nghiệp. “Tấm bằng chưa phải là “bùa” hộ mạng cho sự may mắn, càng chưa phải là “lực nâng” cho bạn tăng trưởng khi vào đời. Thiếu gì người có bằng cấp mà lu mờ sự nghiệp!” (Kim-Woo-Chung, nguyên chủ tập đoàn DAEWOO – Hàn Quốc).

Đương nhiên, nói lên điều đó không phải để cổ súy cho việc thi rớt hoặc khinh suất mảnh bằng. Vấn đề là phải khích lệ (và bản thân bạn biết tự khích lệ) bản lĩnh tiến thủ trong quá trình hướng nhiệp, dù bị thi rớt hoặc chưa gặp một vận may nào. Tôi còn nhớ năm 1993 tại cuộc gặp gỡ các đại biểu doanh nghiệp trẻ toàn quốc lần thứ 2, người ta đã ghi nhận được một thống kê nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn. Ấy là, 63% trong số các đại biểu đó chưa có bằng đại học.

Trường đời còn rộng hơn trường học, và đó là “mảnh đất dụng võ” cho những bạn trẻ nào… quyết ra tay. ở đây, cái tâm của họ còn nhiều lần mạnh hơn cái trí. Bạn có thể suy ngẫm thêm từ câu nói của ông Beaverbrook (*): ”Cái mà gọi là may, nhiều khi có thể do bạn bền bỉ gắng sức và làm việc hợp lý. Cái mà bạn cho là rủi, nhiều khi chỉ do thiếu hai đức tính đó mà thôi”.

Chân lý ”cái tâm bằng ba cái tài” vẫn được ứng dụng thành công trong tiến trình hướng nghiệp và lập nghiệp.

(*) Beaverbrook: Nhà đại doanh nghiệp lừng danh ở Anh Quốc (từ những năm 1930-1960)

Một phần của tài liệu Cẩm nang Hướng nghiệp (Trang 88 - 89)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w