Hỏi: Em và một số bạn cùng lớp, cùng ở vùng quê, đều thi trượt đại học. Có người mang mặc cảm thua thiệt vào đời, nên mất luôn chí tiến thủ. Người khác bị gia đình trách mắng (vì quá kỳ vọng mà không thành), đâm ra bất cần, sống bạt mạng. Trên báo chí đưa tin có người vì nhiều lần thi trượt mà bị hất hủi, rồi bi quan, muốn tự tử hoặc mang bệnh tâm thần.
Em thì không đến nỗi thế, còn đủ tỉnh táo để định thần. Nhưng em thật sự lúng túng khi biết rõ lực em bất tòng tâm nếu phải tiếp tục lo “trả nợ thi cử”, dù thi
vào trung cấp. Liệu em có nên chọn một hướng đi khác, không qua thi cử? Và, nếu lập nghiệp, em chỉ thích làm nghề khác, ngoài nghề nông, được không? ********************
Trả lời: Thực ra, nghề nông nếu biết cải tiến theo kỹ thuật canh tác hợp lý cũng tạo nhiều thích thú cho những người làm nông. Song, nếu em thật sự có ham thích khác mà hợp với thiên hướng của em, vẫn có nhiều con đường để theo, tuỳ hoàn cảnh mà lựa chọn.
Ở một xã thuộc tỉnh phía Bắc, có chuyện kể mới đây về một trai làng sau ba lần thi vào đại học không đỗ, bèn chuyển hướng vào đời bằng một hoạt động khác. Hoạt động đó không còn gắn với việc “dùi mài kinh sử”, mà gắn với lao động kỹ thuật phục vụ: Chiếu phim nhựa trên màn ảnh lớn để phục vụ bà con ở xóm quê. Khi biết dự định này của chàng trai, nhiều người dè bỉu: “Rõ ngược đời và vớ vẩn! Trước đây khỏi nói, còn bây giờ nhiều nhà đã có tivi và đầu máy, ai chả xem phim trong nhà mình, đem phim ra chiếu ở bãi, liệu có … ma đến xem!?”
“Đó là cách người ta nghĩ xuôi, đúng thôi” – chàng trai suy ngẫm một mình, rồi ngẫm tiếp: “Nhưng, cái đúng của quan niệm đó còn bị “chặn” bởi chưa thấy hết tâm lý của giới trẻ (chiếm số đông trong làng). Đó là tâm lý muốn có dịp để được sống phóng khoáng, được giao du, được reo hò mừng vui (hoặc sụt sùi cảm xúc) trong bối cảnh có đông bà con cùng chia sẻ hoặc đông bạn bè cùng trang lứa. Những dịp như thế mà có thêm không khí điện ảnh, nghệ thuật, với tài tử giai nhân, với trăng thanh gió mát… thì ai chứ nam nữ thanh niên và trẻ em trong làng không thể bỏ qua. Hay ta thử vài lần xem sao, xem có thể kéo khán giả trong làng rời khỏi màn ảnh nhỏ vào những đêm vui thứ bảy - chủ nhật mỗi tuần được chăng!”
Với cách nghĩ “ngược” như thế, anh ta quyết định thử “thời vận” của mình. Vậy mà “gặp thời” được đấy. Được cả “địa lợi” – bãi chiếu phim là sân đình rộng rãi, nơi thường tụ tập dân làng. Được cả “nhân hoà”” giới trẻ trong làng rất thích: làm việc cả tuần, cứ mong chóng đến đêm thứ bảy, chủ nhật để coi “phim bãi”, không thèm coi “phim nhà”. Ở chốn quê, với phần đông thanh niên chưa vợ,
chưa chồng, “phim bãi” còn là nơi hò hẹn, nơi giao lưu, nơi có dịp “để mắt” đến người “bạn lòng” trong xóm mà chưa dám ngỏ lời… Đánh trúng tâm lý, dò đúng mạch khách hàng của “phim bãi” nơi quê mình, anh ta đã thắng lớn. Cứ vậy, anh ta đã nhập “tròn vai” một nhà doanh nghiệp trong nghề chiếu phim.
Việc làm của chàng trai đó xuất phát từ suy nghĩ nhạy bén với nhu cầu thị trường, nắm bắt được thị hiếu của người dân. Đó là một yếu tố để thành công khi hướng nghiệp. Đây chưa hẳn là bí quyết cho mọi trường hợp hướng nghiệp, nhưng ít ra là một gợi ý cho những ai đang muốn vào đời với một nghề chân chính. Cách anh ta làm vừa phục vụ, vừa mưu sinh, và cũng có tác dụng giúp hoàn thiện một tay nghề, một tính cách. Điều này càng chứng minh một chân lý: có nghìn vạn cách để lập nghiệp và vào đời, không cứ phải chen chân ở cổng trường đại học. Ai chưa thể bước lên giảng đường, đừng vì thế mà tự bó tay hoặc tự cho là hết lối đi, hết vận hội, hết tương lai.