Kết thúc thí nghiệm lúc gà 9 tuần tuổi, tiến hành khảo sát năng suất thịt, kết quả thể hiện trên bảng 3.7.1.
Bảng 3.7.1. Năng suất thịt gà thí nghiệm lúc 9 tuần tuổi
Nghiệm thức Số gà mổ (con) KL sống (g) KL thân thịt (g) Tỷ lệ thân thịt (%) Tỷ lệ thịt đùi (%) Tỷ lệ thịt ức (g) pH thịt ức DC.0 4 1073 768,8 71,61b 27,92 20,87 6,701 DC.1 4 1069 773,3 72,38ab 27,65 20,70 6,743 CP3 6 1068 791,5 74,01a 27,23 21,62 6,741 CP4 6 1076 789,5 73,25ab 28,67 21,10 6,717 CP5 6 1089 804,5 73,77ab 29,01 22,18 6,832 SEM - 45,56 37,33 0,4867 0,4618 0,5445 0,03807 P - 0,998 0,973 0,031 0,084 0,401 0,199 Theo cột dọc các giá trị có chữ cái khác nhau là sai khác có ý nghĩa với (p<0,05).
Tỉ lệ thân thịt
Kết quả trên bảng 3.7.1 cho thấy tỷ lệ thân thịt của gà thí nghiệm có giá trị tương đối cao nằm từ khoảng 71,61% ở DC.0 đến 74,01% ở CP3. Tỷ lệ thân thịt của gà trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với nghiên cứu của một số tác giả khác. Phan Xuân Hảo (2009) cho biết tỷ lệ thân thịt của gà F1 (Hồ x Lương Phượng) là 69,29%; F1 (Sasso x Lương Phượng) là 69,36%. Theo Bùi Hữu Đoàn và ctv (2011), tỷ lệ thân thịt của gà lai (Mía x Hồ x Lương Phượng) là 69,38%. Lê Thị Nga 1997 cho biết tỷ lệ thân thịt của gà Đông Tảo, Jiang Cun và con lai (Đông Tảo x Jiang Cun) lần lượt là 70,01 – 71,42%; 69,17 – 71,27%; 70,9 – 72%. Sự chênh lệch về tỉ lệ thân thịt giữa các nghiệm thức cũng không quá lớn, sự sai khác có ý nghĩa chỉ xuất hiện ở gà ăn thức ăn có chế phẩm CP3 so với gà ở lô DC.0 (P<0,05), gà ở các nghiệm thức còn lại đạt tương đương nhau.
Tỉ lệ thịt đùi
Ở chỉ tiêu tỉ lệ thịt đùi, sự dao động cũng không lớn, thấp nhất là ở CP3 với 27,23% và cao nhất là ở CP5 với 29,01%. Tuy nhiên sự chênh lệch này không có ý nghĩa về mặt thống kê (p>0,05). Vũ Đình Tôn và ctv 2009 nghiên cứu trên gà lai (Hồ x Lương Phượng) cho biết tỷ lệ thịt đùi là 20,97%. Bùi Hữu Đoàn và ctv (2011) cho biết
tỷ lệ thịt đùi của gà lai ¾ LP là 22,08 và 17,92; của gà lai ½ LP lần lượt là 19,90. Như vậy kết quả của chúng tôi cao hơn so với công bố của các tác giả trên.
Tỉ lệ thịt ức
Về chỉ tiêu tỉ lệ thịt ức, sự chênh lệch cũng không lớn, thấp nhất là ở DC1 với 20,70% và cao nhất là ở CP5 với 22,38%. Tuy nhiên sự chênh lệch này không có ý nghĩa về mặt thống kê (p>0,05). Hồ Xuân Tùng và ctv (2010) cho biết tỷ lệ thịt ngực ở gà Ri là 14,72%; gà Ri lai là 16,69%.Vũ Đình Tôn và ctv (2009) nghiên cứu trên gà lai (Hồ x Lương Phượng) cho biết tỷ lệ ức lần lượt là 17,23%. Bùi Hữu Đoàn và ctv (2011) cho biết tỷ lệ thịt ức của gà lai ¾ LP là 17,92%; của gà lai ½ LP là 16,73. Như vậy kết quả của chúng tôi cao hơn so với công bố của các tác giả trên.
pH thịt ức
Về chỉ tiêu pH thịt ức, cũng không có sự chênh lệch lớn giữa các nghiệm thức, thấp nhất là ở DC0 với 6,701 và cao nhất là ở CP5 với 6,802. Theo Li và ctv (2006) giá trị pH thịt sau khi giết mổ là một trong những chỉ tiêu quan trọng dùng để đánh giá chất lượng thịt vì chỉ tiêu này liên quan tới độ mềm của thịt. Giá trị pH giảm nhanh thì thịt mềm hơn (dẫn theo Ðinh Vãn Tuyền, 2010). Và các nghiên cứu trước đây cho một số chỉ tiêu về pH như sau: Trần Thị Kim Anh (2010) [68] trên gà Ri: pH15p là 6,05; Bùi Hữu Ðoàn và ctv (2011), pH15p ở gà lai ½ LP là 6,35, ở gà lai ¾ LP là 6,25; giá trị của gà Lingnan vàng là 5,52; tương tự ở gà Hubbard là 6,4 – 6,52. Naveena và ctv (2005) nghiên cứu trên gà broiler nuôi ở Ấn Ðộ có là 6,68.
Sau khi kết thúc thí nghiệm mẫu thịt tươi từ thịt ngực của gà ở các lô có sử dụng chế phẩm CP3, CP4, CP5 với liều dùng cao nhất (lô CP3.3, CP4.3, CP5.3), gà có sử dụng kháng sinh (DC.1, ngưng sử dụng kháng sinh 7 ngày trước khi mổ) và gà không sử dụng kháng sinh, không sử dụng chế phẩm (DC.0), được phân tích tại Trung tâm phân tích thức ăn chăn nuôi thuộc Phân viện chăn nuôi Nam Bộ đều cho kết quả âm tính (bảng 3.7.2).
Bảng 3.7.2. Kết quả phân tích kháng sinh tồn dư trong thịt
Chỉ tiêu phân tích Kết quả Phương pháp phân tích
Tetracycline (ppb) Không phát hiện LC MS/MS
Tylosine (ppb) Không phát hiện LC MS/MS
Theo như Phùng Đức Tiến và ctv (2010) cho biết sự đào thải một số loại kháng sinh trên gà như Tetracycline, Tylosine, Amoxyline là 7 ngày. Nên việc phân tích DC1 là âm tính hoàn toàn hợp lý, đồng thời cũng chứng minh trong thức ăn sử dụng không chứa các loại kháng sinh trên.