Đất đai là cơ sở tự nhiên, là tiền đề đầu tiên của mọi quá trình sản xuất. Đất đai tham gia vào hầu hết các quá trình sản xuất của xã hội, nhưng tùy thuộc vào từng
ngành cụ thể mà vai trò của đất đai có sự khác nhau. Nếu trong công nghiệp, thương mại, giao thông đất đai là cơ sở, nền móng để trên đó xây dựng nhà xưởng, cửa hàng, mạng lưới đường giao thông thì ngược lại trong nông nghiệp ruộng đất tham gia với tư cách yếu tố tích cực của sản xuất, là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế được.
Đất đai có vị trí cố định và có giới hạn nhất định. Chính vì đất đai không thể di chuyển ra các vị trí khác, không thể mở rộng diện tích theo ý thích của con người mà trong sản xuất cũng như trong đời sống phải sử dụng đất có một cách tiết kiệm, có hiệu quả nhất.
Trong nông nghiệp, ruộng đất vừa là đối tượng lao động, vừa là tư liệu lao động. Ruộng đất là đối tượng lao động khi con người sử dụng công cụ lao động tác động vào đất làm cho đất thay đổi về hình dạng như cày bừa, đập đất… làm tăng chất lượng của đất, tạo điều kiện thuận lợi để tăng năng suất cây trồng. Ruộng đất là tư liệu lao động, khi con người sử dụng công cụ lao động tác động lên đất, thông qua các thuộc tính lý học, hóa học, sinh vật học và các thuộc tính khác để tác động lên cây trồng. Sự kết hợp của đối tượng lao động và tư liệu lao động đã làm cho ruộng đất trở thành tư liệu sản xuất chủ yếu, tư liệu sản xuất đặc biệt, tư liệu sản xuất không thể thay thế. Việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đai trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong đời sống là tất yếu khách quan đòi hỏi con người phải biết coi trọng việc bảo vệ và phát triển hợp lý và đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa đất đai và các nguồn lực khác để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.