Sự cần thiết phải thành lập Khu bảo tồn Saola Quảng Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng hoạt động sinh kế của người dân vùng đệm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của khu bảo tồn sao la quảng nam (Trang 49 - 54)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.4.2. Sự cần thiết phải thành lập Khu bảo tồn Saola Quảng Nam

3.4.2.1. Các giá trị nổi bật a) Các giá trị nổi bật về tự nhiên

- Giá trị trong vị trí địa lý và phạm vi bảo vệ rộng lớn

Khu vực đề xuất nằm ở trung tâm của Trung Trường Sơn, được coi là một trong những trung tâm đa dạng sinh học toàn cầu (WWF Global 200, 2000).

Khu vực đề xuất Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la Quảng Nam có diện tích gần 16.000 ha, nối liền với Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la Thừa Thiên - Huế (hơn 13.000 ha) và Vườn quốc gia Bạch Mã (hơn 37.000 ha) tạo ra một vùng sinh thái rộng

lớn. Hơn nữa, toàn bộ khu vực này nằm trong hành lang đa dạng sinh học của khu vực Trung Trung Bộ và nối với Lào. Điều này cho thấy vùng bảo tồn rộng lớn này là địa điểm tốt nhất đối với sự sinh tồn của loài Sao la, đồng thời là cơ hội tốt có các loài động thực vật quý hiếm khu vực Trung Trung Bộ.

- Giá trị bảo tồn cao

Khu bảo tồn Sao la bao gồm nhiều hệ sinh thái rừng, bao gồm hệ sinh thái tiêu biểu đặc trưng vùng đất thấp Việt Nam, có tính đa dạng sinh học cao. Đây là hệ sinh thái được đánh giá là có giá trị bảo tồn cao (WWF, 2008).

Cùng với Khu bảo tồn loài Sao la Thừa Thiên - Huế, hiện là khu vực được đánh giá là nơi phân bố tập trung nhất của loài Sao la ở Việt Nam. Ngoài ra, trong khu vực đề xuất còn có tính đa dạng sinh học cao với sự có mặt của nhiều loài động thực vật quý hiếm như thực vật có: Trầm hương (Aquilaria crassna pierre), Sến mật (Madhuca pasquiari), Trắc (Dalbergia cochinchinensis), Gụ lau (Sindora tonkinensis), Kiền kiền (Hopea pierrei), động vật có: Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis), Trĩ sao (Rheinardia ocellata), Voọc vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), ....

b) Các giá trị nổi bật về văn hoá, lịch sử

Người dân trong các xã vùng đệm chủ yếu là người Cờ Tu, là một trong những dân tộc đặc trưng nhất của tỉnh Quảng Nam và dãy Trường Sơn. Đồng bào Cơ Tu đã sinh sống lâu đời ở đây, trải qua hàng nghìn năm đấu tranh với tự nhiên đã hình thành nên những bản sắc văn hóa riêng biệt. Những kinh nghiệm đúc rút từ nghìn đời nay về sử dụng tài nguyên rừng là một kho tàng quý báu có thể ứng dụng trong công tác nghiên cứu loài Sao la cũng như nghiên cứu về đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên.

Hình 3.1. Bản đồ quy hoạch Khu bảo tồn Sao la và vùng đệm

Thông qua đánh giá các giá trị đa dạng sinh học, cũng như các điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội nêu trên cho thấy sự cần thiết phải thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la, với các lý do sau:

a) Sự cần thiết phải bảo tồn loài Sao la

Khi Sao la được phát hiện cho khoa học (1992) đã làm chấn động các nhà sinh học trên thế giới về những bí ẩn của đa dạng sinh học ở Việt Nam. Đó là động lực để các nhà khoa học chú ý đến việc nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Kết quả là tại khu vực Trường Sơn, một số loài thú lớn nữa đã được phát hiện cho khoa học như Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), Mang Trường sơn (Muntiacus trươngsonensis). Điều này cũng dẫn đến khu vực miền Trung Việt Nam được xếp vào

một trong 200 trung tâm đa dạng sinh học trên toàn cầu (WWF, 2000 - Global 200). Từ đó đến nay, Sao la đã trở thành một trong những loài biểu tượng của công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam. Cũng từ đó, nhiều tổ chức chính phủ, phi chính phủ đã hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính cho công tác bảo tồn thiên nhiên nói chung và bảo tồn loài Sao la nói riêng tại khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, áp lực đối với sự tồn tại của Sao la vẫn còn rất lớn. Số lượng Sao la vẫn tiếp tục suy giảm. Những đánh giá của Viện Điều tra Quy hoạch Rừng và Viện sinh thái Tài nguyên Sinh vật cho thấy từ năm 2005 đến nay ước tính Sao la đã bị giảm khoảng 40 cá thể, chỉ còn khoảng 120 - 200 cá thể trên toàn quốc (Nguyễn Xuân Đặng, 2007). Nếu như với tốc độ suy giảm nhanh như vậy và chúng ta không có những hành động mang tính cấp thiết thì một câu hỏi mà không một cơ quan bảo tồn nào muốn đặt ra là “còn bao nhiêu lâu nữa thì chúng ta không còn tìm thấy loài Sao la trong tự nhiên?”.

Bởi vậy, việc thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la là rất cần thiết, tạo cơ hội tồn tại cho Sao la và nhiều loài động thực vật khác trong tự nhiên.

b) Sự cần thiết phải bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học

Hiện trạng quản lý đa dạng sinh học ngoài rừng đặc dụng Quảng Nam nói riêng và toàn quốc nói chung còn nhiều tồn tại dẫn đến nguồn tài nguyên đa dạng sinh học ở các khu vực này vẫn đang trên đà suy thoái. Các kiểu rừng đặc trưng như rừng nhiệt đới thường xanh ở vùng đất thấp đang bị thu hẹp và trở nên rất hiếm. Ngoài Sao la, nhiều loài động thực vật ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ đe dọa bị tuyệt chủng.

Khu vực đề xuất xây dựng khu bảo tồn loài không chỉ là nơi phân bố quan trọng của Sao la mà còn là sinh cảnh quan trọng của một loài thú mới khác là Mang trường sơn

được phát hiện cho khoa học năm 1997. Theo những kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy khu vực này cũng là một trong những trung tâm phân bố của Mang trường sơn.

Việc xây dựng khu bảo tồn loài còn tạo cơ hội để bảo vệ được các hệ sinh thái tiêu biểu rừng nhiệt đới với một phức hệ đa dạng, phong phú của sinh vật cũng như các giá trị tự nhiên khác. Những hệ sinh thái này ngày càng trở nên hiếm ở khu vực Trung Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt hơn nữa là sự cần thiết phải bảo tồn các loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm có giá trị bảo tồn cao như đánh giá ở trên. Ngoài ra, khu rừng đặc dụng còn có chức năng hoàn thiện hơn trong phòng hộ đầu nguồn.

Như vậy, việc thành lập khu bảo tồn Sao la là rất cần thiết để bảo vệ loài Sao la và sinh cảnh của nó cũng như các giá trị đa dạng sinh học, giá trị môi trường khác của khu vực.

c) Vai trò cần thiết đối với phát triển bền vững

Thành lập khu bảo tồn loài Sao la ít ảnh hưởng tới sinh kế của người dân trong khu vực mà còn tạo ra các cơ hội cho phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Các giá trị đa dạng sinh học trong khu vực chính là kho tàng vô tận lưu trữ nguồn gen phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai trên nhiều lĩnh vực như chọn giống vật nuôi cây trồng, các sản phẩm sinh học, dược phẩm, hóa phẩm, mỹ phẩm,... Đây chính là nguồn nguyên liệu phục vụ phát triển ổn định lâu dài. Nếu chỉ là rừng phòng hộ thì chức năng này rõ ràng là hạn chế hơn nhiều so với khu bảo tồn loài và sinh cảnh.

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh được thành lập sẽ tạo ra nhiều cơ hội kêu gọi đầu tư. Giả thiết về đầu tư rừng phòng hộ và rừng đặc dụng sẽ thấy rõ hơn về cơ hội đầu tư trong tương lai. Nếu là rừng phòng hộ thì tỉnh hoàn toàn phải đầu tư cho các hoạt động, các cơ hội đầu tư khác từ bên ngoài hầu như không có. Rừng phòng hộ không có vùng đệm nên không thể kêu gọi đầu tư hỗ trợ người dân trong khu vực. Nếu trở thành rừng đặc dụng thì ngoài những đầu tư của tỉnh sẽ còn nhiều cơ hội kêu gọi nguồn vốn đầu tư khác nhau. Trước hết có thể kêu gọi nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo tồn thiên nhiên của Nhà nước, từ nguồn kinh phí bảo vệ môi trường theo Luật bảo vệ môi trường (1% GDP). Các nguồn vốn đầu tư khác như các Quỹ rừng đặc dụng Việt Nam (VCF), Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (VNFF), chi trả dịch vụ môi trường, các dự án hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên,... Ngoài ra, sẽ có một vùng đệm được xác định cho rừng đặc dụng nên Nhà nước có trách nhiệm đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng đệm, đồng thời cũng có thể kêu gọi nhiều nguồn vốn đầu tư khác cho vùng đệm.

Như vậy, thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh không chỉ cần thiết cho công tác bảo tồn mà còn rất cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

d) Vai trò cần thiết đối với phòng hộ môi trường

Rừng trong khu đề xuất là vùng đầu nguồn quan trọng nhất của các con sông lớn trong khu vực như sông A Vương, sông Kôn. Đây là những con sông đầu nguồn của thủy điện A Vương, các con sông này đổ ra sông Vu Gia là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Nam chảy qua nhiều huyện miền xuôi của tỉnh trước khi ra biển. Dòng sông này vừa có ý nghĩa kinh tế vừa có ý nghĩa lịch sử. Về mặt kinh tế thì sông Vu Gia cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho hàng ngàn hecta đất nông nghiệp và hàng chục ngàn người dân sinh sống trong 4 huyện (Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và TP Hội An). Bởi vậy, phòng hộ đầu nguồn sông AVương, sông Kôn là rất cần thiết, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

So sánh dưới đây cho thấy chức năng phòng hộ của rừng phòng hộ và khu bảo tồn loài và sinh cảnh :

- Nếu khu vực Sao la là rừng phòng hộ thì vẫn duy trì được chức năng phòng hộ cho sông AVương, sông Kôn, nhưng không bền vững vì mục tiêu chính của rừng phòng hộ là duy trì độ che phủ của rừng.

- Nếu Sao la là khu bảo tồn loài và sinh cảnh thì chức năng phòng hộ được hoàn thiện hơn. Khu bảo tồn loài và sinh cảnh không chỉ bảo tồn lớp thảm thực vật có chức năng phòng hộ đầu nguồn (như rừng phòng hộ) mà còn bảo tồn toàn bộ hệ sinh thái rừng. Khi hệ sinh thái rừng được bảo tồn cân bằng và ổn định giữa các mối quan hệ hữu cơ thì sẽ phát huy tối đa vai trò phòng hộ đầu nguồn và sinh thái, môi trường trong khu vực, phòng chống lũ lụt, xói lở đất, các hệ thống giao thông trong vùng... Những đóng góp này của Khu bảo tồn làm giảm các tác động và những rủi ro của thiên tai, là cơ sở cho phát triển bền vững.

e) Sự cần thiết phải gìn giữ các giá trị tiềm năng khác

Các số liệu về loài Sao la cũng như tính đa dạng sinh học của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la chắc chắn mới chỉ là những kết quả ban đầu còn xa so với thực tế. Bởi vậy việc thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la mở ra những tiềm năng và nhu cầu lớn cho các lựa chọn trong tương lai như nghiên cứu khoa học về khu vực này. Khu bảo tồn là hiện trường cho công tác nghiên cứu về đặc điểm sinh thái loài Sao la và nghiên cứu về các hiện tượng tự nhiên. Nơi đây thực sự có tiềm năng lớn cho công tác nghiên cứu của các ngành khoa học tự nhiên và xã hội góp phần khẳng định những giá trị to lớn của Khu bảo tồn đối với hiện tại cũng như trong tương lai.

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la sẽ là trường học ngoài thực địa lớn cho học sinh, sinh viên các trường phổ thông, cao đẳng, đại học ở tỉnh Quảng Nam và của cả miền

Nam và Tây Nguyên. Hơn nữa với hiệu quả mang lại, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Từ những lý do nêu trên, việc thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la là chính đáng và rất cần thiết, đáp ứng được mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, phòng hộ đầu nguồn và môi trường, phát triển bền vững, giữ gìn các di sản thiên nhiên cho các thế hệ sau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng hoạt động sinh kế của người dân vùng đệm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của khu bảo tồn sao la quảng nam (Trang 49 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)