3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
1.2.2. Tầm quan trọng và giá trị của cây bưởi Phúc Trạch
1.2.2.1. Vị trí cây bưởi Phúc Trạch trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh
Bưởi Phúc Trạch là cây ăn quả đặc sản bản địa được trồng lâu đời ở Hà Tĩnh tính đến hết năm 2017 toàn tỉnh có 2.180ha chiếm 82% với 1.789ha trong đó có 1.108ha cho quả (chiếm 62%). Ở Hương Khê bưởi Phúc Trạch được trồng tại 20 xã, thị theo phân vùng chỉ dẫn địa lý và được xác định là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao đó là 1 năm 1ha sau khi trừ đi các khoản đầu tư, trồng mới, chăm sóc hàng năm và những khoản khác sẽ có lãi ròng gần 1 tỷ đồng và giá trị này thì không cây trồng nào sánh nổi về mặt giá trị.
1.2.2.2. Giá trị dinh dưỡng
Thành phần các chất trong quả bưởi có giá trị rất cao đối với sức khõe con người và còn có tác dụng chữa bệnh cụ thể là: Hàm lượng đường tổng số: 9-12%; Đường khử: 2,15-3,63%; Vitamin C: 55,84-66,1mg/100g; Đường tổng số/Axit: 14,7- 30,4; Hàm lượng Axit hữu cơ thấp có từ: 0,52-0,6%.
Ngoài ra sản phẩm từ bưởi còn có khả năng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến: Dược phẩm, thực phẩm, tinh dầu, mỹ phẩm và sản phẩm này luôn được người tiêu dùng ưa chuộng.
1.2.2.3. Giá trị kinh tế
1ha bưởi Phúc Trạch trồng 333 cây/ha, thời gian xây dựng cơ bản 2 năm, thời gian cho quả bói 2 năm và thời gian kinh doanh 10 năm (chu kỳ: 14 năm). Thời gian cho quả ổn định từ năm thứ 5 với bình quân 80-120 quả/năm, trọng lượng quả bình quân 1,1kg/quả. Nếu tính 85% số cây cho quả ổn định bằng 280 cây với năng suất 110kg/cây thì 1ha đạt 30,8 tấn/ha, giá bán 40.000đ/kg thì tổng giá trị thu được là 1,232 tỷ đồng/ha/năm.
Lãi ròng 1ha 1 năm là 967 triệu đồng và trong 10 năm là: 9.670 triệu đồng. Giá trị này trên đất đồi núi thì gấp hơn 10 lần lãi ròng và khó có cây nào có giá trị kinh tế sánh nổi. Trên đây, là giá trị thu quả tươi và nếu làm tốt khâu sơ chế và chế biến để xuất khẩu, cung cấp nguyên liệu cho chế biến thì giá trị kinh tế của cây bưởi Phúc Trạch còn cao hơn nữa.
1.2.2.4. Giá trị môi trường và xã hội
Bưởi Phúc Trạch được trồng ở vườn đồi, bán sơn địa tại vườn nhà, vườn đồi (trang trại, gia trại). Cây trồng cao 5-8m, tán rộng 6-9m (tùy theo tuổi cây), thân cây lớn, rễ rộng ăn sâu và khõe nên có tác dụng giữ ẩm cho đất trồng, hạn chế dòng chảy, cường độ gió nên góp phần làm giảm tác hại của lũ lụt, bão tố và đặc biệt chống xói mòn, rửa trôi đất trồng. Lá cây góp phần điều hòa không khí, cải tạo môi trường, môi sinh, tạo nên nền nông nghiệp xanh bền vững.
Hương Khê và những địa bàn tương tự đất đai lại dồi dào, lao động nông nghiệp lại dư thừa. Nếu phát triển bưởi Phúc Trạch đúng quy hoạch sẽ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, tạo nên cảnh quan vùng nông thôn miền núi xanh, đẹp.
1.2.2.5. Giá trị sử dụng và thương mại
Theo trình bày, phân tích ở trên thì ngoài giá trị dinh dưỡng, kinh tế, môi trường, xã hội còn thể hiện rõ giá trị sử dụng đó là: Tận dụng và sử dụng có hiệu quả đất đai, lao động nhàn rỗi, chế biến sản phẩm từbưởi Phúc Trạch. Ngoài ra bưởi Phúc Trạch dùng ăn tươi có giá trị đối với sức khõe con người, sản phẩm cung cấp cho công nghiệp chế biến lại có giá trị rất cao ở nhiều lĩnh vực như: Y dược, dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm…Như vậy, giá trị sử dụng từ cây và sản phẩm bưởi Phúc Trạch có giá trị rất cao.
Bưởi Phúc Trạch với sản phẩm là quả tươi hay là sản phẩm từ công nghiệp chế biến đều được thị trường ưa chuộng nên giá trị thương mại rất cao. Điều này được thể hiện khá rõ sau khi bưởi Phúc Trạch đạt huy chương tại cuộc đấu xảo rau-quả Đông Dương của Chính Phủ Pháp thì bưởi Phúc Trạch đã được xuất khẩu đến Nhật Bản, Hồng Kông và một số nước khác. Nếu tổ chức sản xuất tốt bưởi Phúc Trạch theo hướng hàng hóa bền vững, tập trung sử dụng sản phẩm phụ cung cấp cho công nghiệp chế biến thì bưởi Phúc Trạch thì bưởi Phúc Trạch có giá trị thương mại rất cao.