Sản xuất và tuyển chọn giống lúa ở Quảng Bình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh một số giống lúa có triển vọng tại tỉnh quảng bình (Trang 37 - 41)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.3.3. Sản xuất và tuyển chọn giống lúa ở Quảng Bình

- Sản xuất

Tỉnh Quảng Bình là vùng đất hẹp nhất Việt Nam, có vĩ độ từ 18005’12’’ đến 17005’02’’ vĩ độ bắc, 106059’37’’ đến 105036’55’’ kinh độ Đông. Địa hình Quảng Bình hẹp và dốc từ Tây sang Đông, diện tích đất tự nhiên là 8.055km2, thuộc khu vực

có đặc tính khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu phía Bắc lẫn miền Nam, nên có hai mùa rõ rệt. Từ đặc điểm khí hậu đó, cây lúa có thể trồng được nhiều vụ trong năm, nhưng do thường xuyên xảy ra gió bão, lũ lụt, hạn hán, mưa rét đã gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng. Diện tích trồng lúa hàng năm của tỉnh đạt trên 54,000 ha, năng suất đạt xấp xỉ 5,1 tấn/ha và sản lượng đạt trên 277,471 tấn/năm, diện tích tập trung chủ yếu ở các huyện vùng đồng bằng như huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy (Nguồn Niên giám thống kê Quảng Bình, 2014) .

Bảng 1.4. Tình hình sản xuất lúa của Quảng Bình năm 2010-2014

Năm Diện tích ( ha) Năng suất (tấn/ha) Sản lượng (tấn) 2010 52,096 4,506 234,745 2011 52,679 4,938 260,129 2012 53,445 4,910 262,400 2013 53,606 4,700 251,966 2014 54,234 5,116 277,471

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Quảng Bình năm 2014) Do đặc điểm của địa hình nên vùng đồng bằng nhỏ hẹp, được tạo thành từ những con sông ngắn và dốc, do đó có sự hạn chế về diện tích, tiểu khí hậu cũng như tính chất đất đai, dẫn đến năng suất và sản lượng lúa của tỉnh còn khá thấp, sản xuất đủ để phục vụ tiêu dùng trong tỉnh. Qua bảng 1.3 cho thấy tuy diện tích lúa hàng năm tăng không đáng kể, nhưng vì năng suất tăng nhanh nên sản lượng lương thực của tỉnh cũng tăng từ 234,745 tấn năm 2010 đến 277,471 tấn năm 2015. Trong sản xuất, có nhiều giống lúa thích hợp với điều kiện sinh thái ở địa phương, nhưng năng suất thấp, phẩm chất gạo thương phẩm giảm. Một số giống lúa dài ngày năng suất cao, chủ lực đang được gieo cấy trong vụ Đông Xuân nhưng có xu hương giảm do tình hình biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm, sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, chưa thành tập quán sản xuất hàng hóa nên hiệu quả kinh tế không cao.

Tóm lại, sản xuất lúa gạo là một nghề chủ yếu tạo công ăn việc làm và thu nhập cho gần 80% dân số tỉnh Quảng Bình. Chất lượng lúa gạo của Quảng Bình có cải thiện nhưng còn ở mức thấp, người dân chưa quan tâm đúng mức cho đầu tư giống lúa chất lượng nên hiệu quả kinh tế mang lại từ lúa gạo còn khá khiêm tốn. Hiện nay, do việc phát triển của đời sống kinh tế xã hội, mức sống tăng lên thì nhu cầu thị hiếu về lúa

chất lượng của người dân Quảng Bình nói riêng cũng tăng. Để đáp ứng một phần nhu cầu gạo chất lượng cao trong tỉnh, việc nghiên cứu ứng dụng các giống mới có chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh đang được các nhà khoa học, các cơ quan quản lý và các đơn vị dịch vụ sản xuất nông nghiệp quan tâm.

- Tuyển chọn giống lúa

Xuất phát từ nhận thức vai trò và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, chọn tạo giống đối với sản xuất. Sau khi tái thiết lập tỉnh Quảng Bình năm 1989, tỉnh trở về với đơn vị hành chính cũ là tỉnh Quảng Bình, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Công ty giống cây trồng của tỉnh chú trọng vào công tác nghiên cứu, khảo nghiệm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giống vào sản xuất. Từ năm 1991 đến nay, với nguồn vốn của tỉnh thông qua Sở NN&PTNT cũng như đề tài KHCN cấp tỉnh đã đầu tư cho việc nghiên cứu khảo nghiệm các giống lúa mới có năng suất - chất lượng cao, chương trình trợ giá giống chất lượng cao phục vụ cho sản xuất lúa của tỉnh. Với sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo tỉnh, Sở NN&PTNT và đơn vị trực tiếp là Công ty giống cây trồng Quảng Bình (nay là Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình), nên công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, phục tráng, sản xuất và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giống lúa thu được kết quả vượt bậc.

Thành công trong sản xuất lúa gạo của Quảng Bình trong những năm qua, đó là nhờ những kết quả đáng ghi nhận của công tác chọn tạo, khảo nghiệm giống của các cá nhân, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, mà đơn vị đi đầu là Tổng công ty giống Quảng Bình. Sau khi chia tách tỉnh Bình trị Thiên, công tác nghiên cứu, khảo nghiệm được Công ty thực hiện để phục vụ cho sản xuất trong tỉnh. Công ty có Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giống cây trồng, các Trại giống lúa Mũi Vích, An Ninh và Phúc Lý chuyên nghiên cứu, khảo nghiệm, phục tráng và sản xuất giống gốc (dòng, giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng). Hàng năm, hệ thống này sản xuất hàng trăm tấn giống siêu nguyên chủng phục vụ cho công tác sản xuất giống của công ty.

Ngoài hệ thống các trung tâm, trại sản xuất giống lúa, công ty còn có một hệ thống các Hợp tác xã liên kết sản xuất giống lúa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và Quảng Nam. Với diện tích sản xuất giống nguyên chủng và xác nhận gần 1.000 ha/năm, hàng năm công ty sản xuất và cung ứng 4.000 - 5.000 tấn giống các loại phục vụ không chỉ cho sản xuất Quảng Bình, mà còn cung ứng cho các tỉnh miền trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Xuất phát từ vị trí địa lý, điều kiện kinh tế và vai trò của sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cây lúa nói riêng. Năm 1996, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức DANIDA (Đan Mạch) đã hỗ trợ cho tỉnh Quảng Bình Dự án Phát triển hệ thống cung ứng giống tại Quảng Bình với trị giá 3,7 triệu USD. Dự án đầu tư gồm, xây dựng Hệ thống dây chuyền chế biến hạt giống

với công nghệ tiến tiến hiện đại nhất thế giới với công nghệ Đan Mạch, nâng cấp hệ thống nghiên cứu và sản xuất giống gồm các trại sản xuất của Công ty giống cây trồng Quảng Bình, đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất, quản lý chất lượng hạt giống, bệnh giống cây trồng, sức khỏe hạt giống, cung cấp các trang thiết bị cho công tác sản xuất và cung ứng giống, đầu tư phòng kiểm nghiệm và chứng nhận giống cấp Quốc gia.

Từ thực tế trên, trong những năm qua công tác sản xuất và cung ứng giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tiến bộ vượt bậc. Từ những năm đầu tái thiết lập tỉnh Quảng Bình (năm 1989), Công ty giống cây trồng Quảng Bình chỉ cung ứng theo nhu cầu sản xuất từ 50 - 100 tấn giống/năm. Đến nay, hàng năm Công ty cổ phần giống cây trồng Quảng Bình cung cấp hàng ngàn tấn giống lúa đạt tiêu chuẩn, chất lượng Quốc tế cho sản xuất trong tỉnh, gồm: Giống lúa các loại 2.500 tấn - 3.000 tấn. Ngoài cung ứng giống cho sản xuất trong tỉnh, Công ty còn cung ứng 1.500 - 2.000 tấn giống các loại cho các tỉnh.

Hiện nay, bộ giống lúa chủ lực cho sản xuất tại Quảng Bình gồm:

- Giống thâm canh, năng suất cao: Xi23, X21, NX30, KD18, DV108, Nhị ưu 838, IR50404.

- Giống chất lượng cao: P6, IR353-66, HT1, PC6, Nếp IRI352.

Quảng Bình có điều kiện khí hậu chuyển tiếp giữa Bắc và Nam nên có thể gieo trồng được cả hai nguồn giống lúa ở cả phía Nam lẫn phía Bắc. Trong những năm qua, vật liệu cho công tác khảo nghiệm các giống lúa mới chủ yếu từ các Viện, Trường và các Trung tâm nghiên cứu giống lúa trong toàn quốc nhằm chọn ra các giống phù hợp với địa phương. Bộ giống lúa đã được nâng cấp kịp thời phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, bộ giống chất lượng của tỉnh còn đơn điệu, chưa đa dạng chỉ gồm P6, HT1 và IR352, cần tiếp tục bổ sung liên các giống chất lượng cao mới, năng suất cao, mẫu mã gạo thương phẩm đẹp và có mùi vị đặc trung để hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong tỉnh. Do đó, công tác chọn tạo và khảo nghiệm nhằm tìm ra loại giống có chất lượng cao hơn nữa phù hợp với địa phương, đồng thời khắc phục được các khiếm khuyết về mùi thơm, độ bóng cần được các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm.

Chương 2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh một số giống lúa có triển vọng tại tỉnh quảng bình (Trang 37 - 41)