Một số đặc điểm hình thái và tính trạng đặc trưng của giống lúa thí nghiệm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh một số giống lúa có triển vọng tại tỉnh quảng bình (Trang 55 - 59)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

3.1.2. Một số đặc điểm hình thái và tính trạng đặc trưng của giống lúa thí nghiệm

Hình thái của cây được quy định bởi đặc tính di truyền của giống. Các giống khác nhau có đặc điểm hình thái khác nhau. Ngoài ra, hình thái còn chịu tác động lớn bởi điều kiện ngoại cảnh, khi điều kiện thuận lợi thì kiểu hình được biểu hiện rõ nhất và cây trồng sẽ cho năng suất cao. Ngược lại, điều kiện ngoại cảnh bất lợi thì kiểu hình cũng sẽ biểu hiện theo hướng ngược lại. Do đó, nghiên cứu các đặc điểm này giúp chúng ta chọn ra những giống tốt phù hợp cho các vùng sinh thái khác nhau và có cơ sở để điều chỉnh hợp lý các biện pháp canh tác. Kết quả theo dõi được thể hiện ở bảng 3.3. và 3.4.

Bảng 3.3. Một số đặc điểm hình thái của các giống lúa thí nghiệm vụ Đông Xuân 2014-2015 Giống lúa thí nghiệm Dạng cây Dạng lá Màu sắc lá Độ rụng hạt (điểm) Độ tàn (điểm) Độ thoát cổ bông (điểm) Độ thuần đồng ruộng (điểm)

GM1-9 Gọn Cong đầu Xanh đậm 5 3 3 5

GM2-16 Gọn Cong đầu Xanh nhạt 5 3 3 5

GM1-68 Hơi gọn Lá thẳng Xanh đậm 1 5 3 1

GM2-17 Gọn Cong đầu Xanh nhạt 5 3 3 5

ZZ 01 Hơi gọn Lá thẳng Xanh đậm 1 5 3 1

- Dạng thân

Dạng thân là đặc trưng cần thiết để đánh giá khả năng tiếp nhận ánh sáng và quang hợp của bộ lá. Những giống có dạng cây gọn, lá đứng có diện tích tiếp nhận ánh sáng lớn hơn các dạng cây xòe. Dạng cây có liên quan đến mật độ sạ cấy, khả năng chịu thâm canh, tình hình phát triển sâu bệnh hại, các dạng cây xòe, bộ lá ngang thường bị các đối tượng sâu bệnh hại phát triển, đặc biệt là bệnh đạo ôn và khô vằn. Qua bảng theo dõi chúng tôi thấy các giống lúa có dạng thân từ gọn đến hơi xòe, như vậy các giống lúa đều có thể sử dụng trong thâm canh.

- Dạng lá

Hình dạng lá thể hiện khả năng nhận ánh sáng để cung cấp năng lượng cho quang hợp, tạo nên chất hữu cơ cho cây lúa. Lúa có các dạng lá như cong tròn, cong đầu, lá thẳng đây là đặc tính di truyền của giống, trong đó dạng cong đầu có khả năng nhận ánh sáng tốt và ít che khuất đến các lá tầng dưới tăng khả năng quang hợp cho cây. Qua theo dõi, cho thấy đa số các giống có dạng lá cong đầu, riêng các giống GM1-9 và GM1-68 có dạng lá thẳng. Như vậy, cơ bản các giống có khả năng tiếp nhận ánh sáng tốt.

- Màu sắc lá

Màu sắc lá là đặc tính di truyền của từng giống. Tuy nhiên, ngoài yếu tố di truyền, màu sắc lá còn chịu tác động của các yếu tố ngoại cảnh như phân bón, ánh sáng... Thông thường các giống có lá màu xanh đậm thích hợp ở những vùng đất có điều kiện thâm canh thấp, những giống có màu xanh nhạt hoặc màu xanh là những giống chịu thâm canh, ít sâu bệnh, thích hợp với những vùng đất có điều kiện đầu tư, kỹ thuật cao. Nhìn chung, đa số các giống đều có lá màu xanh nhạt đến xanh đậm, giống đối chứng lá cũng xanh trung bình.

- Độ thoát cổ bông

Các giống có độ thoát cổ bông tốt luôn được ưa thích hơn bởi khả năng cho số hạt chắc trên bông cao hơn. Trong chọn giống, độ thoát cổ bông là một trong những tính trạng để đánh giá giống. Trổ bông không thoát được coi là một nhược điểm di truyền của giống. Độ thoát cổ bông ngoài yếu tố di truyền, nó còn chịu tác động của điều kiện ngoại cảnh, điều kiện canh tác (bón phân, đất đai, nhiệt độ, chế độ tưới) làm cho lúa không trỗ được hoặc trổ bông không thoát. Qua theo dõi, các giống có độ thoát cổ bông từ thoát trung bình đến thoát vừa cổ bông với số điểm 3 điểm, tương đương giống đối chứng HT1.

- Độ thuần đồng ruộng

Độ thuần đồng ruộng nói lên độ đồng đều và đồng nhất của giống. Ngoài ra, độ thuần đồng ruộng còn là cơ sở để đánh giá phản ứng của giống đối với các tác nhân khí hậu thời tiết, điều kiện canh tác, đất đai thổ nhưỡng, nguồn vật liệu thuần hoặc

chưa thuần. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy độ thuần đồng ruộng của các giống đạt mức trung bình (điểm 5).

- Độ rụng hạt

Độ rụng hạt là đặc tính có ảnh hưởng lớn đến năng suất thực thu và quá trình thu hoạch. Đây là đặc tính chịu ảnh hưởng của yếu tố di truyền và tác động ngoại cảnh. Một số giống vụ này dễ rụng hạt, nhưng vụ khác rụng hạt ít hơn. Qua nghiên cứu, cho thấy đa số các giống đều có độ rụng hạt trung bình (điểm 5), tương đương giống đối chứng HT1.

- Độ tàn lá

Độ tàn lá có liên quan đến khả huy động dinh dưỡng trong đất và tích lũy năng lượng của cây. Thông thường độ tàn lá của cây nhanh thì cho năng suất không cao và ngược lại. Độ tàn lá chậm sẽ tăng khả năng tích lũy chất khô vào hạt, P1000 hạt cao, hạt chắc trên bông cao. Độ tàn của lá càng chậm hay bộ lá càng xanh, thì khả năng quang hợp tích lũy dinh dưỡng vào hạt càng cao. Nhìn chung, tất cả các giống đều có độ tàn lá từ trung bình (điểm 3) đến tàn lá sớm (điểm 5). Các giống tàn lá trung bình là giống GM1-9, GM2-16, GM1-68, ZZ 01, HT1 (đ/c), giống GM2-17 tàn lá sớm.

Bảng 3.4. Đặc điểm hình thái của các giống lúa thí nghiệm vụ Đông Xuân 2014-2015

Giống lúa thí nghiệm

Chiều cao cây Chiều dài bông Diện tích

lá đòng Số lá/cây Trung bình (cm) Cv (%) Trung bình (cm) Cv (%) Trung bình (cm2) Cv (%) Trung bình (cm) Cv (%) GM1-9 100,97b 0,20 29,30a 0,68 37,84a 0,14 12,14b 0,04 GM2-16 96,23c 0,98 28,82a 0,10 37,13c 0,01 12,45a 0,16 GM1-68 86,13e 1,39 22,16c 0,04 31,93e 0,05 12,45a 0,16 GM2-17 89,20d 0,48 28,29a 0,92 37,89a 0,06 12,43a 0,20 ZZ01 105,43a 0,90 27,14b 0,03 33,83d 0,45 11,90d 0,24 HT1 Đ/c 105,40a 0,37 26,49b 5,62 31,34f 0,07 12,07c 0,09

Ghi chú: Trong cùng 1 cột, các số liệu theo sau bởi các chữ cái khác nhau thể hiện mức sai khác khi so sánh LSD0,05

Chiều cao cây ảnh hưởng lớn đến tính chống đổ, đây là tính trạng đặc trưng của giống. Chiều cao cây còn chịu ảnh hưởng của điều kiện bên ngoài, như: đất đai, phân bón, điều kiện thời tiết khí hậu. Hiện nay, xu hướng chọn giống lúa là những giống có chiều cao cây từ 84 - 97cm được xem là hợp lý. Tuy nhiên, quá trình chọn giống còn xem xét điều kiện canh tác để có hướng chọn phù hợp. Chiều cao cây có liên quan đến khả năng chống đổ của giống, nhưng không phải là yếu tố quyết định, vì khả năng chống đổ còn phụ thuộc vào mức độ phát triển của bộ rễ, đường kính thân, độ dày của thân rạ, mức độ ôm lóng của bẹ lá.

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy: Các giống khảo nghiệm có chiều cao dao động từ 86,13 cm đến 105,43 cm. Hệ số biến động (Cv) về chiều cao của các giống từ 0,20% (giống GM1-9) và cao nhất là 1,39% (giống GM1-68), tất cả đều nhỏ hơn 10% là mức cho phép trên đồng ruộng, các giống còn lại có chiều cao cây chênh lệch có ý nghĩa so với giống đối chứng HT1.

- Chiều dài bông

Là đặc tính di truyền phản ánh khả năng cho số hạt nhiều hay ít, quyết định năng suất. Chiều dài bông ngoài đặc tính di truyền, còn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố ngoại cảnh, nhất là giai đoạn phân hóa đòng. Nếu điều kiện thuận lợi sẽ cho độ dài bông tốt tương ứng với đặc tính di truyền của giống, nếu điều kiện bất lợi làm cho quá trình phân hóa đòng không thuận lợi, ảnh hưởng đến chiều dài bông và số lượng hạt.

Qua kết quả theo dõi, cho thấy chiều dài bông của các giống dao động không lớn, giống có chiều dài bông lớn nhất là giống GM1-9 (29,30 cm) và ngắn nhất là giống GM1-68 (22,16 cm). Nhìn chung, trừ giống HT1 thì các giống còn lại đều có sự sai khác về chiều dài bông ở mức có ý nghĩa LSD0,05: 1,121cm. Hệ số biến động chiều dài bông của các giống thấp, từ 0,04% ở giống GM1-68 đến 5,62 % ở giống HT1, chứng tỏ tính trạng chiều dài bông tương đối ổn định, ít phụ thuộc vào tác động của môi trường.

- Diện tích lá đòng

Diện tích lá đòng là chỉ tiêu có quan hệ chặt chẽ với năng suất của cây lúa. Lá là cơ quan quang hợp chủ yếu của lúa và quan trọng nhất nhất là 3 lá công năng trên cùng. Diện tích lá đòng càng lớn thì khả năng quang hợp và tích lũy chất khô cao, do đó cây lúa sẽ cho năng suất cao (Suichi Yosida - Mai Văn Huyền dịch - 1985). Các đặc trưng về lá đòng như bản lá to, dài, sẽ sử dụng được nhiều năng lượng ánh sáng mặt trời, đây là kiểu hình lý tưởng để cho năng suất cao. Khi lá đòng bị sâu bệnh, hư hại hoặc bị mất đi sẽ làm khối lượng chất khô trên bông giảm từ 40 - 50% , tỷ lệ lép tăng cao khoảng 50%. Do đó, biện pháp tăng diện tích lá đòng sẽ làm tăng năng suất lúa.

Kết quả theo dõi cho thấy, ngoài giống GM1- 68 có diện tích lá đòng nhỏ, còn lại các giống có diện tích lá đòng lớn hơn đối chứng HT1. Trong đó, giống có diện tích lá đòng lớn nhất là GM1-9,GM2-16, GM2-17 (trên 37,13cm2), trong khi giống đối chứng HT1 đạt 31,34cm2. Các giống có độ đồng đều khá cao về diện tích lá đòng, hệ số biến động thấp, từ 0,01% ở giống GM2-16 đến 0,45% ở giống ZZ01. Mức sai khác có ý nghĩa LSD0,05 là 0,052cm2.

- Số lá trên cây

Lá cây là bộ phận quan trọng nhất của cây trồng. Lá là nơi quang hợp, tổng hợp chất hữu cơ, tạo chất khô và có ảnh hưởng lớn đến quá trình tạo năng suất của cây lúa khi bước vào giai đoạn làm đòng. Số lá trên thân chính nhiều hay ít phụ thuộc vào đặc tính di truyền của từng giống. Số lá trên cây có thể thay đổi khi gieo trồng trong những vùng sinh thái hoặc mùa vụ khác nhau cũng như chế độ chăm sóc khác nhau. Thường thì các giống dài ngày có số lá nhiều hơn giống ngắn ngày, nhưng sự thay đổi này không lớn và chỉ nằm trong giới hạn nhất định.

Qua kết quả khảo nghiệm vụ Đông Xuân 2014 -2015, cho thấy số lá trung bình trên thân chính của các giống đều tương đương nhau và dao động từ 11,90 lá ở giống ZZ01 đến 12,45 lá ở giống GM2-16 và GM1-68. Sự sai khác có ý nghĩa về số lá trên cây của các giống thí nghiệm ở mức LSD0,05: 0,034 lá. Hệ số biến động của các giống từ 0,04 ở giống GM1-9 đến 0,24% ở giống ZZ01. Ngoại trừ giống ZZ01, sự chênh lệch về số lá trên cây các giống còn lại không lớn so với đối chứng HT1.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh một số giống lúa có triển vọng tại tỉnh quảng bình (Trang 55 - 59)