Về nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ

Một phần của tài liệu Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng giữa cha mẹ và con (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 39 - 42)

CHƯƠNG 2 NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG CỦA CON ĐỐI VỚI CHA MẸ

2.2. Về nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ

Khi không sống chung với cha mẹ, con cái vẫn có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Không ai được quyền ngăn cản hay hạn chế việc thực hiện quyền và nghĩa vụ này của con. Thậm chí, người có hành vi này còn có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Khác với con cái khi sống chung với cha mẹ, pháp luật không bắt buộc con khi sống xa cha mẹ phải đóng góp kinh tế, thu nhập của mình vào đời sống chung của gia đình hay phụ giúp cha mẹ khi tuổi già, kể cả là cha mẹ chồng, cha mẹ vợ hay cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế16.

Tuy nhiên, Luật HN&GĐ năm 2014 chỉ quy định nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ trong trường hợp cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Cụ thể Điều 111 Luật HN&GĐ quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ, theo đó, “Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”. Điều luật cũng không cho biết, cha mẹ ở đây là cha mẹ ruột hay cha mẹ nuôi, hay cha mẹ chồng, cha mẹ vợ để ghi nhận trách nhiệm chung thống nhất của con nuôi, con ruột, con dâu hay con rể.

Khả năng lao động ở đây được đánh giá như thế nào thì pháp luật cũng chưa dự liệu. Trường hợp cha mẹ đã mất sức lao động, không có lương hưu thì con cái có nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc như thế nào? Thực tế cho thấy rằng, vấn đề con cái 16 Huỳnh Ngọc Yến Linh (2015), Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ và con theo pháp luật Hôn nhân và gia đình, Khóa luận tốt nghiệp cử nhân Luật, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr.54.

35

cấp dưỡng cho cha mẹ thường bị bỏ quên và ít được quan tâm đến, một phần xuất phát từ nhu cầu của cha mẹ. Xét bản án số 38/2017/DS-ST ngày 22/8/2017 về tranh chấp hợp đồng thuê QSDĐ và hợp đồng vay tài sản của TAND huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Có thể khái quát nội dung vụ việc như sau: Ông N là con của bà C, trước đây, ông N chung sống và chăm sóc, nuôi dưỡng bà C và canh tác, quản lý trên 2000 m2 đất của bà C. Nay ông N không còn chung sống với bà C nữa, đồng thời ông không đồng ý trả lại lúa cho bà C bởi ông cho rằng sẽ dùng giá trị này để lo hậu sự cho bà C. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định, con không sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật, ở đây bà C không yêu cầu mức cấp dưỡng, chỉ yêu cầu đòi lại tài sản, vì vậy, có đủ cơ sở để buộc ông N phải có nghĩa vụ trả cho bà C 200 giạ lúa.

Có thể thấy rằng, nghĩa vụ cấp dưỡng theo lập luận của Tòa án là bắt buộc đối với con cái, nhưng do bà C không yêu cầu cụ thể, thay vào đó bà C đề nghị ông N trả lại tài sản. Thực tế nêu trên cho thấy, cần có sự nhấn mạnh và quan tâm hơn bởi các quy định của pháp luật. Tác giả cho rằng, nghĩa vụ này cần được đặt ra, khi cha mẹ ở vào độ tuổi nghỉ hưu cũng là một căn cứ để chứng minh rằng, cha mẹ đã già yếu và cần con chăm sóc, phụng dưỡng. Như đã trình bày, nghĩa vụ này không chỉ mang tính pháp lý mà còn mang ý nghĩa đạo đức. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con là thiêng liêng, do đó, sẽ không hợp tình nếu cứ phải đưa ra cứ liệu chứng minh cha mẹ đã già yếu không còn khả năng để đi làm việc nữa thì mới đòi hỏi con cái cấp dưỡng cho mình, mà khi cha mẹ đến độ tuổi nghỉ hưu, có thu nhập thấp hoặc không có thu nhập thì con đương nhiên phải thực hiện các nghĩa vụ này nếu chúng tạo ra được thu nhập bằng lao động.

Bên cạnh đó, nghĩa vụ cấp dưỡng liệu có đặt ra cho tất cả các con hay không, hay chỉ áp dụng với con không sống chung với cha mẹ. Mức cấp dưỡng như thế nào giữa các con? Như một tập tục, tại Việt Nam, thông thường con trai cả hoặc con út sẽ nhận trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ trực tiếp, còn những người con khác chỉ đến thăm nom, hoặc phụ giúp cho cha mẹ. Pháp luật không điều chỉnh chi tiết vấn đề này cũng có phần hợp lý, bởi nó tạo điều kiện cho các con trong gia đình tự thỏa thuận với nhau về mức cấp dưỡng, phương thức chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Tuy nhiên, nếu không thỏa thuận được thì các bên sẽ giải quyết như thế nào? Đưa ra Tòa án hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền? Và các cơ quan này căn cứ vào đâu để xử lý? Chẳng hạn như bản án nêu trên, nếu bà C yêu cầu cấp dưỡng, Tòa án sẽ dựa

36

vào đâu để xác định mức cấp dưỡng? Có thể hiểu 200 giạ lúa là mức cấp dưỡng mà ông N buộc phải thực hiện đối với bà C hay không.

Rõ ràng, sự “thiếu vắng” các quy định của pháp luật đối với vấn đề này làm cho thực tiễn thiếu cơ sở pháp lý vững chắc. Tác giả cho rằng, cần có một quy định cụ thể, theo đó, các bên sẽ thực hiện việc cấp dưỡng như nhau khi cha mẹ già yếu, nếu không có sự thỏa thuận, kể cả người sống cùng và trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Bên cạnh đó, khi không sống cùng cha mẹ, con cái cũng có các quyền và nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc cha mẹ, chứ không thể lấy lý do là có gia đình riêng mà bỏ mặc cha mẹ, không quan tâm. Đây là nghĩa vụ về mặt tinh thần.

Xét về mặt đạo đức, đây chính là nghĩa vụ hiếu thảo của con cái đối với đấng sinh thành của mình là cha mẹ, bao gồm cha mẹ nuôi hoặc cha mẹ chồng. Điều này đặt ra câu hỏi rằng, liệu cha mẹ cho con cái phần tài sản nhiều thì người con đó phải cấp dưỡng hay lo lắng nhiều hơn cho cha mẹ hay không hay lúc này vẫn được áp dụng quy định là nghĩa vụ ngang nhau giữa những người con trong gia đình? Và việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ có làm cho việc phân chia di sản thừa kế bị ảnh hưởng hay không? Thực tế vấn đề này khá nhiều và gây tranh chấp giữa những người con trong gia đình. Không phải trường hợp nào cha mẹ cũng cho các con mình phần tài sản như nhau, theo phong tục một số địa phương, người con trai cả hay con trai út trong gia đình sẽ phải sống cùng với cha mẹ để phụng dưỡng, tuy nhiên, nội dung này không phủ nhận hoàn toàn nghĩa vụ cấp dưỡng hay quan tâm, chăm sóc cha mẹ của những người con còn lại.

Về thời điểm cấp dưỡng, khác với Chương 1, ở nội dung này, không tồn tại bản án HN&GĐ để Toà án căn cứ xác định thời điểm cấp dưỡng nếu có tranh chấp. Tác giả cho rằng, đối với quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ, kể từ khi con trưởng thành và có tài sản để tự nuôi mình, nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ đã có thể phát sinh nếu cha mẹ có yêu cầu. Nhận thấy, nghĩa vụ này không chỉ mang tính pháp lý mà còn mang ý nghĩa đạo đức. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con là thiêng liêng, thiết nghĩ không cần phải chứng minh cha mẹ đã già yếu không còn khả năng để làm việc có thu nhập thì mới đòi hỏi con cái cấp dưỡng cho mình.

Do đó, tác giả kiến nghị Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán cần quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của con cái đối với cha mẹ là như nhau giữa các con (gồm cả con ruột, con nuôi, con dâu, con rể) và có xét đến yếu tố sống cùng với cha mẹ hay không

37

để xác định mức cấp dưỡng. Tương tự, mức cấp dưỡng của con đối với cha mẹ cũng nên dựa trên sự đảm bảo điều kiện sống tối thiểu của cha mẹ. Thời điểm cấp dưỡng nếu cha mẹ có yêu cầu thì được tính dựa vào sự thoả thuận, nếu không thoả thuận được Toà án căn cứ vào thời điểm cha mẹ yêu cầu và căn cứ chứng minh con cái trưởng thành và có tạo ra thu nhập để tự nuôi mình. Như bản án trên, 200 giạ lúa liệu có hợp lý hay không thì phải được đánh giá dựa trên mức sống cơ bản của bà C là mẹ của ông N. Vì vậy, tác giả đề xuất Điều 111 Luật HN&GĐ năm 2014 cần được sửa đổi, theo hướng, “Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong mọi trường hợp, trừ việc cha mẹ từ chối nhận phần cấp dưỡng của con. Trường hợp có nhiều con, mức cấp dưỡng của các con là như nhau trừ khi có sự thỏa thuận khác giữa cha mẹ và các con”. Mức cấp dưỡng được tính theo nhu cầu tối thiểu của cha mẹ.

Một phần của tài liệu Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng giữa cha mẹ và con (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)