KẾT LUẬN CHUNG

Một phần của tài liệu Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng giữa cha mẹ và con (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 50 - 52)

Mối quan hệ giữa cha mẹ với con không chỉ chịu sự điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật mà còn bởi quy phạm đạo đức. Pháp luật HN&GĐ Việt Nam ghi nhận và điều chỉnh một cách cơ bản về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cũng như của con đối với cha mẹ trong chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau. Mối quan hệ này mang tính hai chiều, thể hiện nét đẹp, sự thiêng liêng của quan hệ huyết thống, truyền thống hiếu thuận, vẻ đẹp của đạo đức văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế lại đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi cần phải có sự điều chỉnh của pháp luật để đảm bảo sự cân bằng giữa các giá trị.

Ở chiều thứ nhất, cha mẹ có các quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên bị mất năng lực hành vi dân sự, con không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Nội dung này được áp dụng cho cả cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế (nếu sống chung với con). Nội dung này khá đa dạng, bao gồm cả việc đảm bảo điều kiện vật chất để con sống trong môi trường phát triển đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần. Con không chỉ cần nhận được sự quan tâm của cha mẹ về các giá trị mang tính vật chất mà còn cần có sự chăm sóc, yêu thương đối với các vấn đề xung quanh khác. Tuy nhiên, đôi khi giới hạn của vấn đề này cũng cần được đặt ra. Tình trạng cha mẹ kiểm soát con cái quá mức, khiến cuộc sống của con bị mất tự do, xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của con diễn ra ngày một cao. Điều này đặt ra yêu cầu cần có các quy định mang tính bắt buộc trong việc tôn trọng quyền riêng tư của con. Bên cạnh đó, quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con không mất đi khi cha mẹ ly hôn không còn trực tiếp sống cùng con. Thậm chí, thực tiễn xét xử cho thấy rằng, dù ly hôn nhưng cha mẹ vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình gây ra. Mặt khác, khi ly hôn, các tranh chấp về quyền trực tiếp nuôi con xảy ra khá nhiều, do đó, đòi hỏi cần có một bộ tiêu chí để có thể làm cơ sở cho việc Tòa án lựa chọn, đánh giá, trao con cho người đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con, cho con một cuộc sống tốt nhất kể cả khi cha mẹ không còn chung sống với nhau như trước kia nữa. Do đó, dựa vào các nghiên cứu về lý luận, đặc biệt là từ nhu cầu của thực tiễn, tác giả đã đưa ra một số kiến nghị mang tính xây dựng liên quan đến những vấn đề nêu trên.

46

Ở chiều thứ hai, con cái cũng có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Đây được xem là đạo hiếu cơ bản của con dành cho bậc sinh thành, nuôi dưỡng mình. Nội dung được đặt ra khi con đã thành niên, có khả năng lao động và tạo ra thu nhập để tự nuôi mình. Khi đó, con phải yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ của mình bằng nhiều cách thức, thể hiện trên cả hai mặt, vật chất và tinh thần. Nếu có nhiều con, thì quyền và nghĩa vụ của các con là như nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, con cái thường coi đây là quyền mà dường như bỏ quên nghĩa vụ này. Con cái thường dựa vào các giá trị vật chất được hưởng để có mức cấp dưỡng hay phân chia người chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Điều này lại đi ngược lại các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc. Thậm chí, còn có trường hợp sau khi nhận được tài sản cha mẹ cho con, con lại bỏ mặc, không quan tâm chăm sóc cho cha mẹ của mình. Từ các vấn đề của thực tiễn, tác giả cho rằng, cần có những sự sửa đổi, khẳng định và nhấn mạnh nghĩa vụ phụng dưỡng của con cái dành cho cha mẹ, kể cả khi cha mẹ còn khỏe mạnh, hay có thu nhập. Bên cạnh đó, nếu có vấn đề về xác định người trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, cũng cần dựa trên các tiêu chí nhất định, theo đó, cần cân nhắc và loại bỏ các yếu tố trục lợi vì giá trị vật chất, bởi nó đi ngược với đạo đức xã hội.

Các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ và con thể hiện sự nỗ lực của pháp luật HN&GĐ trong việc luật hóa các quy phạm đạo đức thành giá trị pháp lý mang tính bắt buộc. Tuy nhiên, những vẫn đề của thực tiễn vẫn còn tồn tại và đòi hỏi quá trình khắc phục, hoàn thiện dần những quy định pháp luật, làm cơ sở để áp dụng và điều chỉnh các quan hệ xã hội vốn đa dạng và phức tạp này.

Một phần của tài liệu Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng giữa cha mẹ và con (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 50 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)