Về xác định nghĩa vụ và quyền của người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ

Một phần của tài liệu Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng giữa cha mẹ và con (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 42 - 44)

CHƯƠNG 2 NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG CỦA CON ĐỐI VỚI CHA MẸ

2.3. Về xác định nghĩa vụ và quyền của người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ

dưỡng cha mẹ

Tương tự như con chưa thành niên, cha mẹ khi già yếu, bệnh tật cũng cần có sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cái. Pháp luật không ghi nhận trách nhiệm trực tiếp chăm sóc, sống cùng với cha mẹ của con cái mà để cho hoàn cảnh của mỗi gia đình có thể tự điều chỉnh các mối quan hệ và quy phạm đạo đức ràng buộc nghĩa vụ hiếu thảo. Bởi không ghi nhận, thế nên trên thực tế, nếu các con có tranh chấp về quyền được trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ thì cơ sở pháp lý nào để Toà án vận dụng giải quyết. Các căn cứ để xác định có thể áp dụng tương tự pháp luật như đối với trường hợp quyền chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con hay không hay sử dụng yếu tố văn hoá truyền thống để xác định người con trai trưởng, con út phải có nghĩa vụ chung sống, phụng dưỡng cha mẹ của mình. Tác giả cho rằng, để đánh giá nội dung này cũng cần phải được xem xét trên nhiều góc độ bởi bản chất của hai nhóm đối tượng là khác nhau.

Trên thực tế, quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ cũng gặp phải nhiều vấn đề, trong đó, con cái muốn thực hiện quyền này cũng đôi khi gặp trở ngại từ nhiều yếu tố. Xét bản án số 12/2019/HN&GĐ-PT ngày 28/3/2019 của TAND tỉnh Cà Mau. Theo đó, ông P bị bệnh tâm thần, có con ruột là anh S. Tuy nhiên, ông P ở cùng với mẹ ruột là cụ Lê Thị T và vợ chồng ông Nguyễn Văn Q, bà Đoàn Thị U (ông Q em ruột ông P). Năm 1995, cụ T qua đời có để lại quyền sử dụng đất cho ông Q quản lý để nuôi dưỡng ông P. Từ nhỏ anh S được mẹ lo lắng, chăm sóc, ông P do

38

bệnh nên chưa thực hiện được nghĩa vụ của mình. Dù vậy, tác giả cho rằng, anh S vẫn là con do đó quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ vẫn được đặt ra chứ không thể yêu cầu sự có qua có lại từ phía cha mẹ được. Tòa án lại không làm rõ yếu tố này mà nhận định rằng việc vợ chồng ông Q là em ruột của ông P chăm sóc ông P thì hợp lý hơn và đáng ghi nhận, nhưng xem xét lại không được thuận tiện, vì hiện tại gia đình ông Q chỉ có vợ chồng ông Q sống cùng nhà với ông P. Hơn nữa, anh S đã rất nhiều lần mong muốn được đón cha là ông P về để phụng dưỡng nhưng vấp phải nhiều khó khăn, ngăn cản từ phía gia đình ông Q vì cho rằng anh S vì tiền lương của ông P nên mới giành quyền chăm sóc ông P. Qua xác minh, nhận thấy căn cứ này là không hợp lý. Tòa án quyết định giao ông P cho anh S chăm sóc, phụng dưỡng bởi “vợ chồng ông Q cũng đã mệt mỏi về việc nuôi ông P nhưng vì tình thương và cũng có thực hiện theo lời căn dặn của cụ T. Hội đồng xét xử ghi nhận tình thương, trách nhiệm của vợ chồng ông Q về việc chăm sóc, nuôi dưỡng ông P. Nhưng nếu giao ông P cho con ruột nuôi dưỡng thì cũng đảm bảo được tình thương, trách nhiệm và đúng với quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện cho anh em của anh S có được thời gian sống gần bên cha ruột của mình”.

Vụ việc trên cho thấy được hai vấn đề, thứ nhất, để được chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp cha mẹ đòi hỏi con phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Vấn đề này pháp luật không quy định, nhưng thực tế cho thấy, ông P đang do vợ chồng em ruột của mình chăm sóc, nhưng để con trai ruột được quyền chăm sóc cha, Tòa án lại dựa vào nhiều luận cứ (i) sự mệt mỏi không muốn tiếp tục nuôi dưỡng ông P của vợ chồng ông Q, (ii) điều kiện kinh tế đạo đức của anh S, (iii) ý muốn thực tế của anh S và (iv) đạo lý nghĩa vụ của con cái với cha mẹ. Như vậy, không phải bất kỳ con cái nào muốn được chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ cũng đều được chấp nhận.

Vấn đề tác giả cho rằng chưa hợp lý ở bản án nêu trên không nhấn mạnh hay làm rõ quyền và nghĩa vụ của anh S đối với cha của mình được xác lập ngay từ khi anh S đủ tuổi trưởng thành dù có sống chung với cha là ông P hay không. Việc ưu tiên thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng này phải được sắp xếp cho con đã thành niên phải có nghĩa vụ, do đó, vợ chồng ông Q mặc dù đang thực hiện vai trò này nhưng về mặt pháp luật và đạo lý thì anh S vẫn là chủ thể được ưu tiên hơn. Vấn đề còn lại là xem xét về mặt đạo đức cũng như điều kiện kinh tế. Các căn cứ tác giả khái quát nêu trên từ lập luận của Tòa án là cần thiết để trở thành tiêu chí xác định trách nhiệm cũng như quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ của con cái.

39

Thứ hai, xem xét sự tác động về vật chất đến thái độ hiếu thảo của con cháu là điều hợp lý. Tòa án cũng đã xem xét liệu rằng anh S có vì mục đích là tiền lương hay tài sản của ông P mà đòi quyền được chăm sóc ông P hay không. Rõ ràng, hồ sơ cho thấy anh S không làm vì điều đó, mà xuất phát từ mong muốn, từ tấm lòng, thậm chí anh S còn sẵn sàng không nhận toàn bộ số tiền lương và thanh toán lại chi phí mà ông Q bỏ ra để chăm sóc cha mình là ông P. Các lập luận của Tòa án về việc xác định người có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp ông P là hợp lý. Tác giả cho rằng, cũng tương tự như quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, đối với con cái cũng cần có một tiêu chí để xác định, là cơ sở để giải quyết các tranh chấp sau này giữa các con nếu có, các tiêu chí được nêu lên ở trên thể hiện sự đánh giá khách quan, đảm bảo được giá trị đạo đức trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con.

Pháp luật không có quy định bắt buộc các con phải chịu trách nhiệm là phụng dưỡng cha mẹ một cách trực tiếp, luật trao quyền tự định đoạt và quyết định cũng như dựa vào hoàn cảnh vốn đa dạng của từng gia đình. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp phát sinh liên quan đến việc giành quyền chăm sóc, phụng dưỡng, Tòa án cũng cần căn cứ vào đa dạng các yếu tố, dựa vào thực tiễn các tranh chấp nêu trên, tác giả kiến nghị Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần có hướng dẫn về các tiêu chí để xem xét và xác định người trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ (trừ trường hợp cha mẹ từ chối) như sau: (i) khả năng tài chính của con, (ii) đánh giá về đạo đức của con, (iii) mục đích của việc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng. Theo đó, cần làm rõ việc thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ có nhằm để chiếm đoạt tài sản hay không. Đây là vấn đề thuộc về đạo đức, do đó, tránh xảy ra các tranh chấp khác trong tương lai, Tòa án cần xác định rõ những vấn đề này.

Một phần của tài liệu Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng giữa cha mẹ và con (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)