- Phông lưu trữ:
2.2. Vị trí, vai trò của các đồng chí Thường trực Ban Bí thư
Chức danh Thường trực Ban Bí thư có từ Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đầu tiên giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư là đồng chí Nguyễn Duy Trinh (1910 – 1985). Kể từ Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, Bộ Chính trị đã bầu ra các đồng chí Thường trực Ban Bí thư qua các thời kỳ, bao gồm: Đồng chí Nguyễn Duy Trinh (1910 – 1985), đồng chí Lê Thanh Nghị (1911 – 1989), đồng chí Võ Chí Công (1912 – 2011), đồng chí Nguyễn Văn Linh; đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Nguyễn Thanh Bình (1918 – 2008), đồng chí Lê Đức Anh, đồng chí Đào Duy Tùng, đồng chí Nguyễn Hà Phan (1933), đồng chí Lê Khả Phiêu (1931), đồng chí Phạm Thế Duyệt, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Trần Đình Hoan, đồng chí Phan Diễn, đồng chí Trương Tấn Sang, đồng chí Lê Hồng Anh (1949), đồng chí Đinh Thế Huynh và hiện nay đồng chí Trần Quốc Vượng đang đương nhiệm từ ngày 2/3/2018.
Vị trí, vai trò của các đồng chí ở mỗi thời kỳ có thể khác nhau, nhưng nhìn chung theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (thông qua tại Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương khoá VII từ ngày 25/11 đến ngày 04/12/1991) quy định trách nhiệm và quyền hạn của Uỷ viên Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư như sau :
- Uỷ viên Bộ Chính trị chịu trách nhiệm trước Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về tổ chức chỉ đạo thực hiện các quyết định của Ban Chấp hành Trung ương và của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ở lĩnh vực công tác được phân công; thường xuyên đề xuất với Bộ Chính trị và Trung ương những vấn đề về chủ trương, chính sách và giải quyết trong lĩnh vực được phân công và các lĩnh vực khác.
- Mỗi đồng chí Bí thư Trung ương Đảng chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các quyết định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực mình phụ trách và là người thường trực giải quyết công việc hàng ngày của Đảng trên lĩnh vực đó; đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền
hoặc thấy cần thiết thì xin ý kiến đồng chí Tổng Bí thư, hoặc đưa ra tập thể Ban Bí thư giải quyết. Đồng chí Bí thư Thường trực giải quyết công việc hàng ngày của Ban Bí thư, thường xuyên trao đổi với các đồng chí Bí thư và báo cáo tình hình giải quyết công việc với đồng chí Tổng Bí thư.
- Khi đồng chí Tổng Bí thư vắng mặt thì Bộ Chính trị cử một Uỷ viên Bộ Chính trị chủ trì công việc của Bộ Chính trị; đồng chí Bí thư thường trực thay mặt đồng chí Tổng Bí thư chủ trì công việc của Ban Bí thư. Các cuộc họp Ban Bí thư do đồng chí Tổng Bí thư hoặc đồng chí Bí thư Thường trực chủ trì.
Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Thường trực Bộ Chính trị như sau:
- Giúp đồng chí Tổng Bí thư giải quyết công việc hàng ngày.
- Chỉ đạo Văn phòng Trung ương cùng các cơ quan liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị.
- Chủ trì cùng với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách lĩnh vực xử lý những công việc cần có sự phối hợp, hoặc những việc do các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách lĩnh vực đề nghị.
- Chỉ đạo việc thực hiện chế độ thông tin cho các Uỷ viên Trung ương, các cấp uỷ đảng về hoạt động của các cơ quan lãnh đạo của Đảng và các thông tin cần thiết khác.
- Thay mặt Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị ký một số văn bản của Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị.
Qua khái quát về chức danh, trách nhiệm, quyền hạn của Thường trực Ban Bí thư, nhìn chung có thể hiểu rằng: Thường trực Ban Bí thư là chức danh do Bộ Chính trị phân công, có nhiệm vụ phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư, thay mặt Tổng Bí thư khi cần.