Người tham gia bảo hiểm xã hội gian lận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng mô hình AMO đánh giá hành vi gian lận nghĩa vụ bảo hiểm xã hội – nghiên cứu trường hợp tại tỉnh đồng tháp (Trang 28 - 30)

Hình thức gian lận phổ biến nhất hiện nay là việc người lao động khai gian lận về họ tên, năm sinh để đi làm và tham gia BHXH. Lý do là người lao động không đáp ứng các điều kiện về tuyển dụng nhưng có nhu cầu về việc làm nên đã gian lận để được đi làm, trong đó phần lớn là các đối tượng đi làm công nhân trong các khu công nghiệp. Điều kiện cơ bản để người lao động có thể xin việc công nhân là từ 18 tuổi trở lên và phải có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Đối với những khu công nghiệp lớn, những công ty có số lao động lớn thì nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động là rất lớn; người lao động tại các tỉnh nhỏ thường có xu hướng di chuyển lên các thành phố lớn để tìm việc làm, đặc biệt là việc làm tại các khu công nghiệp. Do đó sẽ phát sinh các trường hợp người lao động thiếu điều kiện về tuổi (nhỏ hơn 18 tuổi) và thiếu bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, khi đó người lao động có nhu cầu sẽ mượn, tìm kiếm và sử dụng giấy tờ hợp lệ không phải của bản thân hoặc khai gian lận về năm sinh đối với đơn vị sử dụng lao động. Các đơn vị, công ty lớn với nhu cầu lớn về lao động thường có xu hướng chấp nhập với hình thức gian lận này, nhận người lao động vào và bỏ mặc các kết quả về sau cho cơ quan BHXH và người lao động xử lý với nhau. Tính đến thời điểm hiện tại, hành vi này của người lao động được định nghĩa là gian lận, giả mạo hồ sơ trong Luật bảo hiểm xã hội, và chưa có quy định của pháp luật để xử lý cho các trường hợp gian lận như thế này. Và đến cuối cùng người lao động với hành vi gian lận ban đầu của

mình để có thể có việc làm, có thu nhập đã bị mắc kẹt lại trong tình huống không thể giải quyết giữa cơ quan BHXH và người lao động.

Một hình thức phổ biến tiếp theo là người lao động không trung thực khi khai báo thông tin cần thiết với cơ quan quản lý nhà nước như cơ quan BHXH, Trung tâm Dịch vụ Việc làm trong việc thụ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Theo quy định người lao động khi bị mất việc làm, có đóng BHTN có thể đến Trung tâm Dịch vụ việc làm nộp hồ sơ và hưởng chế độ BHTN từ cơ quan BHXH với điều kiện chưa tìm được việc làm mới cũng như phải thực hiện khai báo hằng tháng. Trong thực tế, người lao động vì không muốn ngưng nhận số tiền BHTN hằng tháng đã gian dối, khai báo không trung thực về tình trạng việc làm hiện tại của bản thân đối với cơ quan quản lý nhà nước. Sau một thời gian nếu người lao động tiếp tục đi làm, cơ quan BHXH rà soát phát hiện ra thì mất rất nhiều thời gian, công sức để xử lý, vì khi đó phải thu hồi số tiền đã hưởng của người tham gia. Và trong thực tế phát sinh rất nhiều trường hợp người tham gia chây ỳ nộp lại số tiền đã hưởng sai hoặc từ chối nộp lại, gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc theo dõi, xử lý dứt điểm hồ sơ.

Một hành vi gian lận phổ biến tiếp theo gây ra rất nhiều khó khăn cho cả đơn vị sử dụng lao động cũng như cơ quan BHXH đó là tình trạng người lao động xin nghỉ không lương ở đơn vị cũ, tìm việc ở đơn vị khác và phát sinh tình trạng được đơn vị mới ký hợp đồng lao động, đóng BHXH ngay trong thời gian đang nghỉ không lương tại đơn vị cũ. Theo quy định của pháp luật, thời gian nghỉ không lương thì hợp đồng lao động vẫn còn giá trị, tuy người lao động cũng như đơn vị không phải đóng BHXH nhưng thời gian đó cơ quan BHXH vẫn ghi nhận là thời gian nghỉ không lương tại đơn vị. Khi đó sẽ phát sinh tình trạng trùng thời gian tham gia BHXH tại hai đơn vị khác nhau. Việc xử lý tình huống này phụ thuộc rất nhiều phía, đặc biệt là đơn vị cũ và đơn vị mới. Thời gian vừa qua, khi gặp phải tình huống này, đơn vị cũ thường thực hiện đúng theo quy định, do người lao động có ý định lừa dối, báo giảm người lao động tại các tháng tiếp theo. Khi đồng bộ thời gian tham gia BHXH của người lao động sẽ phát sinh tình trạng trùng thời gian, gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan BHXH, người lao động cũng như đơn vị mới của người lao động. [1]

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng mô hình AMO đánh giá hành vi gian lận nghĩa vụ bảo hiểm xã hội – nghiên cứu trường hợp tại tỉnh đồng tháp (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)