Hàm ý chính sách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng mô hình AMO đánh giá hành vi gian lận nghĩa vụ bảo hiểm xã hội – nghiên cứu trường hợp tại tỉnh đồng tháp (Trang 68)

Để hạn chế việc thực hiện hành vi gian lận bảo hiểm xã hội, dựa vào kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm công tác trong ngành tác giả xin đưa ra 3 nhóm giải

pháp tương ứng với kết quả nghiên cứu như sau: 5.2.1 Khả năng thực hiện hành vi

Lĩnh vực BHXH có văn bản pháp lý cao nhất là Luật, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực BHXH cũng ban hành rất nhiều văn bản quy định về lĩnh vực BHXH, bên cạnh đó là các hoạt động thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất, kiểm tra hằng năm từ Trung ương đến địa phương, nhưng các hành vi gian lận về lĩnh vực BHXH vẫn tồn tại, phát triển và có dấu hiệu tăng lên qua từng năm. Như vậy nguyên nhân vì sao mà đơn vị sử dụng lao động, người lao động lại có khả năng để thực hiện các hành vị gian lận? Với hoạt động thanh tra, kiểm tra hằng năm các đơn vị có số lao động lớn, có lịch sử gian lận kéo dài nhiều năm sẽ bị thanh tra, kiểm tra một lần trên một năm, các đơn vị còn lại thì ít nhất hai năm một lần. Ngoài các hoạt động thanh tra, kiểm tra do cơ quan BHXH tổ chức, còn có các hình thức thanh tra, kiểm tra liên ngành trong địa phương, thanh tra, kiểm tra từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Kết quả thanh tra, kiểm tra tại đơn vị sử dụng lao động chỉ ra là vẫn còn tồn tại rất nhiều sai phạm, gian lận từ lợi dụng các kẽ hở của luật pháp đến việc cố tình gian lận trong lĩnh vực BHXH nhằm trục lợi quỹ BHXH hoặc làm giảm số tiền phải trích chuyển BHXH như đã phân tích tại Chương 2. Nghiên cứu các trường hợp thanh tra tại đơn vị lớn, đặc biệt là các đơn vị nợ, tác giả nhận thấy nguyên nhân lớn nhất của vấn đề này là chế tài xử phạt khi phát hiện gian lận tại đơn vị sử dụng lao động chưa đủ mạnh cũng như số tiền xử phạt nhỏ hơn số tiền mà đơn vị có thể gian lận. Do đó để hạn chế phần nào khả năng đơn vị sử dụng lao động có thể gian lận trong lĩnh vực BHXH, tác giả cho rằng cần phải nâng cao hơn nữa các mức xử phạt khi phát hiện đơn vị có hành vi gian lận, các mức xử phạt phải cao đủ để đơn vị sử dụng lao động phải cân đo đong đếm chi phí nộp phạt so với lợi ích do gian lận mang lại. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục để ban hành các quyết định xử phạt đơn vị còn rườm rà, phức tạp, cần nhiều ý kiến, văn bản của nhiều đơn vị. Cải cách thủ tục hành chính, phân công trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước cụ thể, rõ ràng là một giải pháp cần phải thực hiện để rút ngắn quá trình ban hành các quyết định xử phạt khi phát hiện sai phạm nhằm hạn chế, xóa bỏ khả năng đơn vị sử dụng lao động gian lận trong lĩnh vực BHXH.

5.2.2 Cơ hội thực hiện hành vi

Gian lận về cơ bản sẽ mang lại cho người thực hiện hành vi đó một lợi ích nào đó. Trong quá trình thực hiện quy trình thu, giải quyết chế độ trong lĩnh vực BHXH sẽ luôn có những cơ hội để cho người thực hiện quy trình đó có thể lợi dụng để gian lận. Cả hai phía, đơn vị sử dụng lao động cũng như cán bộ cơ quan BHXH, là những người trực tiếp thực hiện quy trình đều có khả năng tìm, phát hiện ra những cơ hội để thực hiện hành vi gian lận. Thực tế đã chứng minh là luật, các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước luôn đi sau, không theo kịp quá trình vận động, phát triển của toàn xã hội, đặc biệt là lĩnh vực BHXH. Cơ quan BHXH là cơ quan đặc thù, phục vụ gần như là tất cả cá nhân, người dân trên cả nước, từ bảo hiểm y tế đến bảo hiểm xã hội. Khối lượng công việc nhiều, phát sinh hằng ngày, tiếp xúc nhiều tầng lớp trong xã hội là một trong những nguyên nhân tạo ra cơ hội cho cán bộ của cơ quan BHXH thực hiện các hành vi gian lận. Đó có thể là việc gian lận hồ sơ, giả mạo hồ sơ, chỉnh sửa dữ liệu người tham gia hoặc là lợi dụng sự hiểu biết của bản thân trong lĩnh vực phụ trách để tư vấn cho đơn vị sử dụng lao động thực hiện các hành vị gian lận, như đã phân tích tại Chương 2. Đơn vị sử dụng lao động thì từ những thông tin tại người lao động trong đơn vị đến cán bộ của cơ quan BHXH sẽ luôn luôn có những cơ hội để thực hiện những hành vi gian lận. Do đó để hạn chế phần nào cơ hội đơn vị sử dụng lao động, cán bộ cơ quan BHXH có thể gian lận trong lĩnh vực BHXH, tác giả cho rằng cần phải thường xuyên rà soát các quy trình thực hiện lĩnh vực BHXH, kịp thời phát hiện, chỉnh sửa những kẽ hở còn tồn tại, không tạo cơ hội cho những các nhân thực hiện có thể tìm kiếm, khai thác. Đối với đơn vị sử dụng lao động thì bên cạnh việc hoàn thiện quy định, quy trình thì cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra từ phía cơ quan BHXH cũng như các cơ quan có thẩm quyền. Thực tế đã chỉ ra rằng, nếu thường xuyên thanh tra, kiểm tra, trao đổi với đơn vị sử dụng lao động thì các hành vi gian lận của đơn vị có dấu hiệu giảm rõ rệt. Về phía cơ quan BHXH, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra, tăng cường trao đổi với đơn vị sử dụng lao động thì việc thường xuyên rà soát quy trình, thủ tục, cá nhân thực hiện là việc phải thực hiện thường xuyên. Lãnh đạo cơ quan BHXH phải quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ tại đơn vị, kịp thời động viên tránh tình trạng áp lực công việc tạo ra tâm lý chán nản, không còn

tinh thần phục vụ công việc. Vì khi người lao động không còn mong muốn gắn bó với công việc, không còn e sợ các chế tài xử lý từ đơn vị, không còn làm theo đúng quy trình, quy định nữa thường sẽ tìm kiếm các cơ hội để có thể trục lợi, mang lại lợi ích cho cá nhân. Bên cạnh đó, khi phát hiện sai phạm, gian lận của cán bộ cơ quan BHXH thì cơ quan BHXH phải mạnh tay xử lý bằng cách hình thức phù hợp, không để tình trạng cán bộ gian lận nhưng không bị xử lý, hoặc xử lý nhẹ, khi đó cán bộ sẽ thường xuyên vị phạm, gian lận với mức độ ngày càng tăng.

Đối với người lao động, đặc biệt là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp với trình độ học thức không cao, thì chỉ cần có cơ hội thực hiện hành vi gian lận, họ sẽ nắm bắt và thực hiện, không cân nhắc đến các hậu quả về sau. Hành vi gian lận ở đây có thể là cố tình hoặc lợi dụng các kẽ hở của luật pháp để gian lận (như đã phân tích tại chương 2). Với nhóm đối tượng này thì các hành vi gian lận sẽ rất nguy hiểm, để lại hậu quả lớn và đặc biệt là nếu xảy ra sẽ xảy ra với số lượng lớn, vì đây là nhóm đối tượng không có sự hiểu biết nhất định về các quy định của pháp luật, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ thực hiện các hành vi gian lận. Do đó để hạn chế phần nào cơ hội người lao động có thể gian lận trong lĩnh vực BHXH, tác giả cho rằng cơ quan BHXH cũng như các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng người lao động đặc biệt là đối tượng công nhân trong các khu công nghiệp. Bằng việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, hướng dẫn cho người lao động trong việc tuân thủ quy định của pháp luật, và hơn nữa là phổ biến các chế tài của pháp luật xử lý khi phát hiện các hành vi gian lận của người tham gia BHXH sẽ giảm đi các cơ hội để người lao động thực hiện các hành vi gian lận.

5.2.3 Động cơ thực hiện hành vi

Đối với hành vi gian lận của người lao động tham gia BHXH với hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ khi tìm kiếm việc làm, thì đây là hành vi có động cơ thực hiện nên được xem xét và đánh giá là không gây nguy hại, không sai khi đối chiếu với luật. Người lao động do không đáp ứng được các điều kiện về tuyển dụng đã phải thực hiện hành vi sai pháp luật để có thể có việc làm, có thu nhập cho bản thân. Người lao động tuy thiếu các điều kiện về tuổi đời, bằng cấp nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc và hoàn thành được công việc đối với đơn vị sử dụng lao

động. Tuy nhiên hành vi này vẫn phải được ngăn chặn, điều chỉnh và xử lý các trường hợp đã phát sinh bởi các văn bản pháp luật. Hành vi gian lận này chỉ có thể được ngăn chặn bởi các văn bản pháp luật, quy định cụ thể mức xử phạt, chế tài đối với đơn vị sử dụng lao động cũng như người lao động. Bên cạnh đó phải nâng cao việc tuân thủ quy định pháp luật của đơn vị sử dụng lao động trong việc tuyển dụng và sử dụng người lao động. Vì rõ ràng là nếu đơn vị sử dụng lao động thực hiện đúng quy trình, kiểm tra hồ sơ của người lao động thì sẽ phát hiện ra hành vi gian lận này. Do đó để giải quyết triệt để vấn đề này, một mặt đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện đúng quy trình, quy định về tuyển dụng và sử dụng người lao động, mặt khác Nhà nước phải có các văn bản quy định cụ thể để xử lý các hành vi gian lận này.

Đối với hành vi gian lận của cán bộ cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, giả mạo hồ sơ, điều chỉnh dữ liệu quản lý thu thì động cơ thực hiện là rất phức tạp và khó đánh giá cũng như đưa ra giải pháp để xử lý. Đối với hành vi lợi dụng sự hiểu biết của bản thân về quy định, quy trình, về thủ tục hồ sơ để tư vấn, hướng dẫn nhằm mang lại lợi ích cho đơn vị sử dụng lao động là hành vi khó đánh giá và xử lý nhất vì đây chỉ là hành vi lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để trục lợi cho bản thân, chưa đến mức độ sai phạm pháp luật; hành vi gian lận này cũng rất khó phát hiện trong thực tế vì hành vi này không sai khi đối chiếu với các quy định của pháp luật, do đó cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan BHXH không thực hiện rà soát, xem xét và xác định mức độ sai phạm để tìm ra cá nhân sai phạm. Còn lại với các hành vi gian lận khác của cán bộ cơ quan BHXH đã được trình bày tại chương 2, thì động cơ gian lận, hành vi gian lận là rõ ràng và phải cần có các giải pháp đồng bộ để xử lý. Tác giải cho rằng bên cạnh các quy định của pháp luật về quy trình nghiệp vụ, các chế tài, hình thức xử lý khi phát hiện sai phạm, gian lận của cán bộ cơ quan BHXH thì lãnh đạo tại từng cơ quan BHXH phải nâng cao hơn nữa vai trò giám sát quy trình nghiệp vụ, các bộ phận có liên quan đến nhau trong quy trình phải thực hiện đúng và đủ quyền hạn và trách nhiệm của bản thân trong việc kiểm soát.

Do vậy luôn luôn tồn tại những kẽ hở của pháp luật và con người dù thuộc đối tượng nào, người thực hiện hay người kiểm soát cũng sẽ luôn tìm kiếm và sử

dụng những kẽ hở đó để mang lại lợi ích cho bản thân. Ngoài những kẽ hở của pháp luật thì cũng còn rất nhiều người sẵn sàng thực hiện các hành vi gian lận về lĩnh vực BHXH, dù biết sẽ phải chịu các hình thức trừng phạt từ luật pháp nếu bị phát hiện, để trục lợi, để tìm kiếm các lợi ích cho cá nhân, cho đơn vị. Ở một mức độ nào đó, các văn bản luật, văn bản quy định về quy trình thủ tục đã phần nào hạn chế được động cơ, khả năng cũng như cơ hội để các cá nhân, tổ chức có thể thực hiện các hành vi gian lận về lĩnh vực BHXH. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, thực tế xã hội luôn luôn vận động, phát triển và phát sinh các tình huống mới, chưa có trong quy định của luật pháp, và khi luật pháp được thay đổi để phù hợp với những phát sinh đó thì thực tế xã hội đã phát sinh những vấn đề mới hơn. Luật pháp là điều kiện tối quan trọng để có thể điều chỉnh hành vi, điều chỉnh động cơ, ngăn chặn cơ hội, khả năng thực hiện các hành vi gian lận trong lĩnh vực BHXH của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Do đó, giải pháp cần phải được ưu tiên hàng đầu là các nhà làm luật phải làm sao để luật phải kịp thời thích nghi với những tình huống phát sinh hằng ngày ngoài xã hội, đặc biệt là phải dự đoán các phát sinh đó và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Cần phải có các quy định để ngăn chặn các khả năng phát sinh việc gian lận cũng như các chế tài đủ mạnh để cá nhân, đơn vị sử dụng lao động không có ý định thực hiện hành vi gian lận. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về Luật BHXH và các văn bản có liên quan, để người lao động tin tưởng hơn vào việc tham gia BHXH và thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đơn vị để kịp thời hướng dẫn đơn vị trong việc thực hiện các hồ sơ giao dịch cũng như kịp thời phát hiện những hành vi gian lận của đơn vị.

5.3. Hạn chế của đề tài và hướng nghiên cứu tiếp theo

Mặc dù đề tài đã giải quyết xong mục tiêu nghiên cứu đã đề ra, nhưng vẫn còn một số hạn chế như sau:

Thứ nhất, đối tượng nghiên cứu chỉ là người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Thứ hai, nghiên cứu này chỉ nghiên cứu về hành vi lảng tránh trách nhiệm BHXH

Thứ ba, nghiên cứu này chỉ giải thích được 67,3% sự biến thiên của Hành vi lảng tránh trách nhiệm BHXH của người sử dụng lao động bởi sự biến thiên của 03 biến độc lập. Như vậy, còn nhiều nhân tố khác ảnh hưởng Hành vi lảng tránh trách nhiệm BHXH của người sử dụng lao động mà nghiên cứu chưa tìm ra.

Từ các hạn chế của đề tài nói trên, tác giả đề nghị các hướng nghiên cứu tiếp theo để bổ sung cho nghiên cứu trên.

Thứ nhất, nghiên cứu tiếp theo cần mở rộng đối tượng khảo sát là người lao động.

Thứ hai, nghiên cứu tiếp theo nên nghiên cứu thêm về hành vi gian lận BHXH.

Thứ ba, nghiên cứu tiếp theo cần nghiên cứu sâu hơn để tìm ra một số nhân tố mới ảnh hưởng đến ành vi lảng tránh trách nhiệm BHXH của người sử dụng lao động

Kết luận chương 5

Chương 5 tổng kết lại tất cả các mục tiêu trong ngiên cứu, đồng thời dựa vào kết quả nghiên cứu đưa ra hàm ý chính sách đối với tổ chức để nhằm hạn chế hành vi gian lận BHXH. Cu thể mô hình nghiên cứu đề xuất 3 thành phần gồm:

(1) khả năng (2) cơ hội và (3) động cơ có tác động đến kết quả của hành vi. Kết quả nghiên cứu tất cả các biết độc lâp trong mô hình đều có tác động đến biến phụ thuộc. Tác giả cũng nêu các giải pháp cu thể nhằm hạn chế hành vi gian lận trên cơ sở tác động vào 3 thành phần trên.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu tiếng Việt

1. Nguyễn Văn Định (2012), Giáo trình Bảo hiểm, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng mô hình AMO đánh giá hành vi gian lận nghĩa vụ bảo hiểm xã hội – nghiên cứu trường hợp tại tỉnh đồng tháp (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)