Cơ hội thực hiện hành vi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng mô hình AMO đánh giá hành vi gian lận nghĩa vụ bảo hiểm xã hội – nghiên cứu trường hợp tại tỉnh đồng tháp (Trang 70 - 71)

Gian lận về cơ bản sẽ mang lại cho người thực hiện hành vi đó một lợi ích nào đó. Trong quá trình thực hiện quy trình thu, giải quyết chế độ trong lĩnh vực BHXH sẽ luôn có những cơ hội để cho người thực hiện quy trình đó có thể lợi dụng để gian lận. Cả hai phía, đơn vị sử dụng lao động cũng như cán bộ cơ quan BHXH, là những người trực tiếp thực hiện quy trình đều có khả năng tìm, phát hiện ra những cơ hội để thực hiện hành vi gian lận. Thực tế đã chứng minh là luật, các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước luôn đi sau, không theo kịp quá trình vận động, phát triển của toàn xã hội, đặc biệt là lĩnh vực BHXH. Cơ quan BHXH là cơ quan đặc thù, phục vụ gần như là tất cả cá nhân, người dân trên cả nước, từ bảo hiểm y tế đến bảo hiểm xã hội. Khối lượng công việc nhiều, phát sinh hằng ngày, tiếp xúc nhiều tầng lớp trong xã hội là một trong những nguyên nhân tạo ra cơ hội cho cán bộ của cơ quan BHXH thực hiện các hành vi gian lận. Đó có thể là việc gian lận hồ sơ, giả mạo hồ sơ, chỉnh sửa dữ liệu người tham gia hoặc là lợi dụng sự hiểu biết của bản thân trong lĩnh vực phụ trách để tư vấn cho đơn vị sử dụng lao động thực hiện các hành vị gian lận, như đã phân tích tại Chương 2. Đơn vị sử dụng lao động thì từ những thông tin tại người lao động trong đơn vị đến cán bộ của cơ quan BHXH sẽ luôn luôn có những cơ hội để thực hiện những hành vi gian lận. Do đó để hạn chế phần nào cơ hội đơn vị sử dụng lao động, cán bộ cơ quan BHXH có thể gian lận trong lĩnh vực BHXH, tác giả cho rằng cần phải thường xuyên rà soát các quy trình thực hiện lĩnh vực BHXH, kịp thời phát hiện, chỉnh sửa những kẽ hở còn tồn tại, không tạo cơ hội cho những các nhân thực hiện có thể tìm kiếm, khai thác. Đối với đơn vị sử dụng lao động thì bên cạnh việc hoàn thiện quy định, quy trình thì cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra từ phía cơ quan BHXH cũng như các cơ quan có thẩm quyền. Thực tế đã chỉ ra rằng, nếu thường xuyên thanh tra, kiểm tra, trao đổi với đơn vị sử dụng lao động thì các hành vi gian lận của đơn vị có dấu hiệu giảm rõ rệt. Về phía cơ quan BHXH, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra, tăng cường trao đổi với đơn vị sử dụng lao động thì việc thường xuyên rà soát quy trình, thủ tục, cá nhân thực hiện là việc phải thực hiện thường xuyên. Lãnh đạo cơ quan BHXH phải quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ tại đơn vị, kịp thời động viên tránh tình trạng áp lực công việc tạo ra tâm lý chán nản, không còn

tinh thần phục vụ công việc. Vì khi người lao động không còn mong muốn gắn bó với công việc, không còn e sợ các chế tài xử lý từ đơn vị, không còn làm theo đúng quy trình, quy định nữa thường sẽ tìm kiếm các cơ hội để có thể trục lợi, mang lại lợi ích cho cá nhân. Bên cạnh đó, khi phát hiện sai phạm, gian lận của cán bộ cơ quan BHXH thì cơ quan BHXH phải mạnh tay xử lý bằng cách hình thức phù hợp, không để tình trạng cán bộ gian lận nhưng không bị xử lý, hoặc xử lý nhẹ, khi đó cán bộ sẽ thường xuyên vị phạm, gian lận với mức độ ngày càng tăng.

Đối với người lao động, đặc biệt là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp với trình độ học thức không cao, thì chỉ cần có cơ hội thực hiện hành vi gian lận, họ sẽ nắm bắt và thực hiện, không cân nhắc đến các hậu quả về sau. Hành vi gian lận ở đây có thể là cố tình hoặc lợi dụng các kẽ hở của luật pháp để gian lận (như đã phân tích tại chương 2). Với nhóm đối tượng này thì các hành vi gian lận sẽ rất nguy hiểm, để lại hậu quả lớn và đặc biệt là nếu xảy ra sẽ xảy ra với số lượng lớn, vì đây là nhóm đối tượng không có sự hiểu biết nhất định về các quy định của pháp luật, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ thực hiện các hành vi gian lận. Do đó để hạn chế phần nào cơ hội người lao động có thể gian lận trong lĩnh vực BHXH, tác giả cho rằng cơ quan BHXH cũng như các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng người lao động đặc biệt là đối tượng công nhân trong các khu công nghiệp. Bằng việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, hướng dẫn cho người lao động trong việc tuân thủ quy định của pháp luật, và hơn nữa là phổ biến các chế tài của pháp luật xử lý khi phát hiện các hành vi gian lận của người tham gia BHXH sẽ giảm đi các cơ hội để người lao động thực hiện các hành vi gian lận.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng mô hình AMO đánh giá hành vi gian lận nghĩa vụ bảo hiểm xã hội – nghiên cứu trường hợp tại tỉnh đồng tháp (Trang 70 - 71)