Huy động vốn của ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý nhà nước về hoạt động huy động vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh bắc giang (Trang 27 - 34)

5. kết cấu của đề tài

1.1.3. Huy động vốn của ngân hàng thương mại

1.1.3.1. Nguồn vốn của Ngân hàng thương mại

Vốn của ngân hàng thương mại là những giá trị tiền tệ do ngân hàng thương mại tạo lập hoặc huy động được dùng để cho vay, đầu tư hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh khác. Về thực chất, vốn của ngân hàng là một bộ phận thu nhập quốc dân tạm thời nhàn rỗi trong quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng mà người chủ sở hữu của chúng gửi vào ngân hàng với các mục đích khác nhau. Ngân hàng sẽ thực hiện vai trò tập trung, phân phối lại vốn dưới hình thức tiền tệ, làm tăng nhanh quá trình luân chuyển vốn, phục vụ và kích thích mọi hoạt động kinh tế phát triển (Nguyễn Thị Mùi, Trần Cảnh Toàn, 2014).

Có thể phân chia vốn của NHTM thành nhiều loại khác nhau dựa trên những tiêu thức nhất định: theo thời gian (vốn ngắn hạn, vốn trung hạn và vốn dài hạn), theo nguyên tệ (vốn nội tệ và vốn ngoại tệ), theo đặc điểm của vốn bao gồm nợ và tiền vay… Nếu theo bảng tổng kết tài sản nguồn vốn của NHTM được chia thành: vốn chủ sở hữu, vốn huy động, vốn vay và các nguồn vốn khác.

a. Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu là vốn do các chủ sở hữu đóng góp và các quỹ của Ngân hàng được hình thành trọng quá trình kinh doanh dưới dạng lợi nhuận để lại. Vốn chủ sở hữu, do tính chất ổn định, nó thực hiện chức năng thành lập, chức năng bảo vệ và điều chỉnh đối với hoạt động ngân hàng. (Nguyễn Thị Mùi, Trần

Cảnh Toàn, 2014)

b.Vốn huy động từ nền kinh tế

Đây là nguồn vốn quan trọng nhất trong số vốn thu hút từ bên ngoài của Ngân hàng thương mại. Ngân hàng huy động nguồn vốn này thông qua các nghiệp vụ tín dụng, thanh toán, các nghiệp vụ kinh doanh khác và sử dụng nguồn vốn này để kinh doanh, bao gồm: (i) tiền gửi thanh toán; (ii) tiền gửi có kỳ hạn; (iii) tiền gửi tiết kiệm (Nguyễn Thị Mùi, Trần Cảnh Toàn, 2014)

c. Vốn đi vay

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của ngân hàng trong những trường hợp cần thiết, Ngân hàng có thể vay từ NHTW, từ các tổ chức tín dụng khác hoặc từ thị trường tài chính trong và ngoài nước, bao gồm: (i) vay từ ngân hàng Trung ương; (ii) vay từ các tổ chức tín dụng khác; (iii) vay từ thị trường tài chính trong nước; (iv) vay nước ngoài (Nguyễn Thị Mùi, Trần Cảnh Toàn, 2014)

d.Vốn khác

Các nguồn vốn này thường không lớn, việc gia tăng các nguồn này nằm trong chính sách tăng nguồn thu cho ngân hàng và bị ảnh hưởng rất lớn bởi khả năng thực hiện và mở rộng các loại hình dịch vụ khác (Nguyễn Thị Mùi, Trần Cảnh Toàn, 2014)

1.1.3.2. Vai trò của huy động vốn trong Ngân hàng thương mại

a. Vốn là điều kiện để thành lập, tổ chức hoạt động kinh doanh

Đối với bất cứ loại hình kinh doanh nào, vốn là điều kiện tiên quyết để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Đối với ngân hàng, vốn còn là cơ sở nền tảng để tiến hành tổ chức mọi hoạt động kinh doanh. Thật vậy, với đặc trưng của ngân hàng là tổ chức kinh doanh loại hàng hoá đặc biệt trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thì vốn không còn đơn thuần là phương tiện kinh doanh, mà nó còn là đối tượng kinh doanh chính của NHTM, trực tiếp quyết định tới quy mô hoạt động kinh doanh và sự tồn vong của Ngân hàng. Như vậy, những ngân hàng có vốn lớn sẽ có nhiều thế mạnh trong kinh doanh; ngược lại, những

ngân hàng có ít vốn, cũng đồng nghĩa với việc gặp nhiều khó khăn khi tiến hành kinh doanh. (Phan Thị Thu Hà, 2007)

Muốn mở rộng hoạt động kinh doanh, NHTM cần liên tục bổ sung, tăng trưởng vốn. NHTM hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn huy động và vốn huy động thường chiếm khoảng hơn 90% tổng nguồn vốn của ngân hàng. Do đó, để đảm bảo hoạt động kinh doanh thông suốt, NHTM cần tăng cường hoạt động huy động vốn để thu hút các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của các chủ thể kinh tế phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng và cá nhân, doanh nghiệp.

b. Đảm bảo khả năng thanh toán và uy tín của ngân hàng

Hoạt động kinh doanh của ngân hàng có liên quan đến toàn bộ nền kinh tế. Khả năng thanh toán là một chỉ số quyết định sự tồn tại của ngân hàng. Khả năng thanh toán của ngân hàng càng cao thì uy tín của ngân hàng càng lớn. Vốn tạo niềm tin cho công chúng và là sự bảo đảm đối với các chủ nợ về sức mạnh tài chính của ngân hàng. Ngân hàng cần phải có lượng vốn đủ mạnh để có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Nếu lượng vốn của NHTM không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu tín dụng của khách hàng, ngay lập tức sẽ tạo ra hiện tượng rút tiền ồ ạt, hay chấm dứt quan hệ tín dụng của khách hàng với ngân hàng, gây hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng, thậm chí có thể dẫn tới phá sản. (Phan Thị Thu Hà, 2007)

c. Đảm bảo khả năng cạnh tranh

Vốn đầu tư của NHTM sẽ quy định quy mô hoạt động tín dụng trung, dài hạn và các hoạt động khác của ngân hàng. Vốn của NHTM quyết định đến việc mở rộng hay thu hẹp khối lượng tín dụng. Thông thường so với NHTM lớn, thì các NHTM nhỏ có các khoản mục đầu tư kém đa dạng, khối lượng và phạm vi tín dụng nhỏ hơn. Trong khi các ngân hàng lớn có nhiều vốn đầu tư trung và dài hạn, cho vay được cả thị trường trong nước và quốc tế, thì ngân hàng nhỏ thiếu vốn sẽ bị giới hạn cho vay trong phạm vi hẹp. Thêm vào đó, vì khả năng

vốn hạn hẹp, nên ngân hàng nhỏ không phản ứng nhạy với những biến động về lãi suất, gây ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế và dân cư. Ngân hàng có vốn ít sẽ hạn chế khả năng mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ. Mặt khác, ngân hàng cũng sẽ bỏ lỡ cơ hội tham gia vào các danh mục đầu tư dài hạn như mua trái phiếu Nhà nước, trái phiếu công trình,… thu lợi nhuận cao (Phan Thị Thu Hà, 2007)

1.1.3.3. Các hình thức huy động vốn của Ngân hàng thương mại

Ngân hàng có thể huy động vốn dưới nhiều hình thức khác nhau căn cứ trên các tiêu chí như nghiệp vụ, thời hạn huy động, loại tiền và đối tượng. Mỗi hình thức có những ưu, nhược điểm riêng, đòi hỏi ngân hàng phải tính toán kỹ lưỡng và xây dựng chiến lược hợp lý nhằm huy động được nguồn vốn quy mô lớn với chi phí thấp.

a. Huy động vốn phân theo bản chất nghiệp vụ

Phân loại huy động vốn theo bản chất nghiệp vụ là phương pháp phân loại phổ biến mà các NHTM sử dụng hiện nay vì nó gắn liền với các nghiệp vụ cụ thể của ngân hàng. Theo cách phân loại này, huy động vốn bao gồm nhận tiền gửi, đi vay và các hình thức khác (Phan Thị Thu Hà, 2007)

Nhận tiền gửi: Tiền gửi là nguồn tài nguyên quan trọng nhất của NHTM. Tiền gửi bao gồm tiền gửi thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết tiệm, và tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác.

Đi vay: Trong nhiều trường hợp, huy động vốn vay là giải pháp hữu

hiệu đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng vốn của ngân hàng. Ngân hàng có thể vay từ NHNN, vay các tổ chức tín dụng hoặc vay trên thị trường vốn (phát hành các công cụ nợ).

Huy động vốn qua các hình thức khác: Ngân hàng có thể huy động các

nguồn khác như các khoản tiền uỷ thác, vốn trong thanh toán…Đặc điểm của nguồn này là chi phí thấp, tuy nhiên không chiếm tỷ trọng cao trong nguồn vốn ngân hàng.

b.Huy động phân loại theo vốn

Phân loại huy động vốn theo loại vốn thì huy động vốn bao gồm huy động vốn nội tệ, huy động vốn bằng ngoại tệ và huy động vốn bằng vàng, kim cương, đá quý (Phan Thị Thu Hà, 2007)

Huy động vốn nội tệ: Vốn nội tệ chiếm ưu thế trong số các nguồn vốn

huy động của NHTM. NHTM có thể huy động vốn nội tệ từ các tầng lớp dân cư, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội cũng như từ NHNN và các TCTD khác. Do đặc điểm của VND là đồng tiền dễ biến động nên lãi suất đối với các khoản huy động tiền gửi bằng VND thường cao và không ổn định.

Huy động vốn ngoại tệ: Vốn ngoại tệ cũng là nguồn vốn quan trọng của

ngân hàng. Do đồng nội tệ vẫn là đồng tiền yếu trong khu vực và thế giới, xu hướng cất giữ ngoại tệ có giá trị như USD, EUR để tránh mất giá hoặc để đầu cơ vẫn tồn tại đa số các tầng lớp dân cư, doanh nghiệp trong nền kinh tế. Một phần tiền này được họ gửi vào ngân hàng để đảm bảo an toàn và sinh lời. NHTM cũng có thể huy động vốn ngoại tệ qua nghiệp vụ đi vay như phát hành trái phiếu ngoại tệ..

Huy động vốn bằng vàng, kim khí, đá quý: Bên cạnh nguồn nội tệ và

ngoại tệ, các NHTM còn huy động vàng, kim khí, đá quý từ chủ thể trong nền kinh tế. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp có lượng vàng, kim khí, đá quý cần gửi vào ngân hàng để cất giữ. Tuy nhiên quy mô lượng vốn này thường rất nhỏ so với hai loại vốn còn lại, đồng thời chịu ảnh hưởng của nhiều văn bản quy định, do thị trường vàng nước ta chưa được quản lý chặt chẽ.

c. Huy động vốn theo đối tượng huy động

Phân loại huy động vốn theo đối tượng huy động thì huy động vốn bao gồm huy động vốn từ dân cư; huy động vốn từ doanh nghiệp và các tổ chức xã hội; huy động vốn từ TCTD (Phan Thị Thu Hà, 2007)

Huy động vốn từ dân cư: Dân cư là khu vực huy động vốn nhiều tiềm

cá nhân, hộ gia đình trong nền kinh tế. NHTM thu hút vốn từ dân cư chủ yếu qua hình thức nhận tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trong đó, tỷ trọng tiền gửi tiết kiệm thường cao hơn. Nguồn vốn huy động từ dân cư thường khá ổn định, số lượng khách hàng nhiều nhưng giá trị mỗi khoản lại nhỏ, kéo theo các chi phí hoạt động.

Huy động vốn từ các doanh nghiệp và tổ chức xã hội: Nguồn vốn huy

động từ các doanh nghiệp và tổ chức xã hội là nguồn có quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn. Để tiết kiệm thời gian và chi phí trong thanh toán, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ hầu hết đều có tài khoản tiền gửi không kỳ hạn trong ngân hàng nhằm tạo thuận lợi trong các giao dịch mua bán và đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, ngân hàng còn thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của các đơn vị này qua nghiệp vụ nhận tiền gửi có kỳ hạn. Chu kỳ rút tiền của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội không giống nhau nên vì vậy luôn tồn tại một số dư tiền đáng kể nằm trong ngân hàng mà ngân hàng có thể sử dụng để đầu tư hay cho vay. Tuy nhiên, độ lớn của nguồn này phụ thuộc vào quan hệ khách hàng, các dịch vụ tiện ích mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng. NHTM cũng có thể phát hành các công cụ nợ để vay vốn từ các tổ chức kinh tế xã hội.

Huy động vốn từ các TCTD: Trong quá trình hoạt động các ngân hàng

thường có các khoản tiền gửi lẫn nhau để phục vụ cho các giao dịch, thanh toán…NHTM cũng huy động vốn từ khu vực này bằng cách đi vay. Huy động vốn từ các TCTD thường bị hạn chế về số lượng và chi phí huy động cao nên các ngân hàng không sử dụng nhiều.

d.Huy động vốn phân theo kỳ hạn

Phân loại nguồn vốn theo kỳ hạn cũng có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản trị nguồn vốn, bởi kỳ hạn là cơ sở để NHTM tính toán mức lãi suất và tỷ lệ dự trữ, đồng thời cũng ảnh hưởng tới tính thanh khoản và khả năng sinh lời từ nguồn vốn huy động. NHTM có thể huy động vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn (Phan Thị Thu Hà. 2007)

Huy động vốn ngắn hạn: Nguồn vốn ngắn hạn bao gồm nguồn vốn có kỳ hạn dưới 1 năm và tiền gửi không kỳ hạn. NHTM huy động vốn ngắn hạn chủ yếu thông qua các nghiệp vụ nhận tiền gửi ngắn hạn, tiền gửi thanh toán, phát hành công cụ nợ ngắn hạn trên thị trường tiền tệ, vay ngắn hạn NHNN hoặc các TCTD khác. Nguồn vốn ngắn hạn có tính ổn định không cao và là nguồn nhạy cảm với lãi suất. Đối với tiền gửi ngắn hạn, NHTM còn phải dự trữ với tỷ lệ lớn hơn so với tiền gửi trung dài hạn để đảm bảo chi trả khi khách hàng rút tiền ngoài dự tính. Nguồn vốn ngắn hạn thường có kỳ hạn hoàn trả ngắn, vì vậy phần lớn nguồn vốn này được ngân hàng sử dụng để tài trợ ngắn hạn cho các khoản tín dụng, đầu tư. Tuy nhiên, có những nguồn tiền có kỳ hạn danh nghĩa là ngắn hạn nhưng tồn tại liên tục trong nhiều năm, trở thành nguồn có kỳ hạn thực tế trung dài hạn và được sử dụng để tài trợ cho các tài sản trung dài hạn. Mặc dù có tính ổn định không cao nhưng bù lại, lãi suất ngân hàng phải trả để huy động nguồn vốn ngắn hạn thường thấp. Nhưng trong một số trường hợp, ngân hàng có nhu cầu vốn kỳ hạn ngắn cao và tình hình thị trường nhiều biến động, lãi suất huy động vốn ngắn hạn có thể bằng hoặc cao hơn lãi suất huy động vốn trung dài hạn, nhằm thu hút được nhiều nguồn vốn ngắn hạn hơn.

Huy động vốn trung hạn: Nguồn vốn trung hạn là nguồn vốn có kỳ

hạn từ 1 năm đến 5 năm. NHTM thường huy động vốn trung hạn qua kênh phát hành công cụ nợ trên thị trường vốn hoặc nhận tiền gửi trung hạn. Đây là nguồn vốn thường có lãi suất cao hơn nguồn ngắn hạn, nhưng tính ổn định cũng cao hơn.

Huy động vốn dài hạn: Vốn dài hạn là nguồn vốn có kỳ hạn trên 5 năm. NHTM huy động vốn dài hạn chủ yếu qua hình thức phát hành trái phiếu. Đây là nguồn vốn có tính ổn định cao nhất và thường có lãi suất cao nhất. Nguồn vốn này giúp ngân hàng dễ dàng sử dụng để cho vay hay đầu tư với kỳ hạn dài.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý nhà nước về hoạt động huy động vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh bắc giang (Trang 27 - 34)