Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về vận tải hành khách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý nhà nước đối với vận tải hành khách bằng phương tiện ô tô trên địa bàn tỉnh yên bái (Trang 38 - 43)

4. Đóng góp của luận văn

1.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về vận tải hành khách

1.1.3.1. Các yếu tố khách quan

a) Thể chế, pháp luật, chính sách của nhà nước

Thể chế, pháp luật, chính sách của nhà nước là những công cụ mà nhà nước sử dụng trong việc thực hiện mục tiêu nhiệm vụ chính trị của hệ thống chính trị của một giai cấp thống trị, thể hiện quyền lực của mình trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Nhà nước thực hiện quản lý thống nhất, có chiến lược, kế hoạch cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân trong cả nước, việc quản lý và điều hành toàn bộ quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội của các thành phần và ngành kinh tế

trong đó có lĩnh vực VTHK. Tùy theo từng ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế nhà nước cân đối để chỉ đạo việc thực hiện mục tiêu chiến lược đã đề ra, thực hiện hướng dẫn chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát sự hoạt động của mọi lĩnh vực, mọi thành phần và mọi ngành nghề trong xã hội.

QLNN về VTHK là nhằm tạo điều kiện cho các loại hình tham gia kinh doanh vận tải được phát triển nhanh, bền vững, đúng định hướng, tất cả các thành phần kinh tế kinh doanh VTHK được ổn định sản xuất kinh doanh, đạt hiệu quả cao, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật nhà nước, dần dần tạo nên văn hóa văn minh giao thông.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra nhà nước cần phải xây dựng và ban hành các văn bản luật, các văn bản quy phạm pháp luật một cách đầy đủ, đồng bộ, chặt chẽ, có tính khả thi cao. (Nguyễn Tiến Dũng, 2017)

b) Vai trò của địa phương

HĐND và UBND là cơ quan Trung ương tại địa phương quản lý trên mọi lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, thực hiện theo Nghị quyết, theo kế hoạch 5 năm, hàng năm. Các ngành các cấp có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh theo từng lĩnh vực của ngành phụ trách để UBND ban hành các văn bản quy phạm, các quyết định, trên cơ sở pháp lý các ngành các cấp thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Vì vậy, vai trò quản lý của tỉnh rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong đó có sự phát triển lĩnh vực giao thông đường bộ đặc biệt là lĩnh vực VTHK.[3]

c)Môi trường kinh doanh và điều kiện chính trị - xã hội

Môi trường kinh doanh là tổng thể các yếu tố tác động trực tiếp hay gián tiếp đến các quyết định hoặc hoạt động của các chủ thể kinh tế trên thị trường. Nhóm các yếu tố bên ngoài có tác động gián tiếp đến các đơn vị kinh doanh được gọi là nhóm các yếu tố môi trường vĩ mô, bao gồm: môi trường văn hóa - xã hội, môi trường kinh tế, môi trường pháp lý, môi trường vật chất

và môi trường công nghệ. Nhóm các yếu tố bên ngoài có tác động trực tiếp đến các đơn vị kinh doanh là các yếu tố môi trường vi mô, bao gồm: khách hàng, nhà cung cấp, các đối thủ cạnh tranh, các nhóm quyền lợi trong các cơ sở kinh tế.

Trong các yếu tố thuộc môi trường kinh tế, nhà nước có vai trò đặc biệt với các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô. Vai trò đó được thể hiện qua các nội dung: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm ổn định xã hội.

+ Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô:

Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là làm giảm những biến động ngắn hạn trong nền kinh tế khuyến khích tăng trưởng bền vững lâu dài. Ổn định kinh tế vĩ mô có ý nghĩa rất lớn đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nó củng cố lòng tin của các chủ thể kinh tế vào tương lai của nền kinh tế, nó tránh cho nền kinh tế khỏi những cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến sự tàn phá nền kinh tế. Nó là điều kiện tiên quyết cho việc tính toán kinh doanh của các chủ thể kinh tế.

+ Giữ vững ổn định chính trị:

Chức năng ổn định chính trị của nhà nước xuất phát từ sự tác động của chính trị đối với kinh doanh. Ổn định chính trị tạo ra môi trường thuận lợi đối với các hoạt động kinh doanh. Một nhà nước mạnh, thực thi hữu hiệu các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng được các yêu cầu chính đáng của nhân dân sẽ đem lại lòng tin và hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong một xã hội ổn định chính trị, các nhà kinh doanh được đảm bảo an toàn về đầu tư, quyền sở hữu và các loại tài sản khác, do đó các nhà kinh doanh sẵn sàng đầu tư.

+ Bảo đảm ổn định xã hội:

Mỗi tổ chức kinh doanh đều hoạt động trong một môi trường văn hóa – xã hội nhất định, giữa doanh nghiệp và môi trường có những mối liên hệ chặt

chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Xã hội cung cấp các nguồn lực mà doanh nghiệp cần và tiêu thụ những hàng hóa dịch vụ do doanh nghiệp sản xuất ra. Các giá trị chung của xã hội, các tập tục truyền thống, lối sống của nhân dân, các hệ tư tưởng tôn giáo và cơ cấu dân số, thu nhập cá nhân có tác động nhiều mặt đến các hoạt động của các tổ chức kinh doanh. Tạo môi trường văn hóa – xã hội ổn định, thuận lợi cho các hoạt động của chủ thể kinh tế trên thị trường là nhà nước đã thực hiện vai trò kinh tế của mình đối với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.

Nhà nước cần tiếp tục cải cách hành chính trong các lĩnh vực như thuế, đăng ký kinh doanh…, giúp cho doanh nghiệp kinh doanh VTHK hoạt động có hiệu quả; có chính sách hỗ trợ giá cho hoạt động xe buýt, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh thông qua chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, giá vé…

Việc tạo ra môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp kinh doanh VTHK là điều cần thiết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phương tiện, … để doanh nghiệp thấy được mình sẽ có lợi khi kinh doanh vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cho doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng của mình trong việc góp phần làm thay đổi văn hóa giao thông của đất nước.

d) Nhu cầu và ý thức của người dân

Nhận thức là một quá trình. Đặc biệt là nhận thức về pháp luật – yếu tố nhận thức bắt buộc, đó lại càng là một quá trình phức tạp, khó khăn, kéo dài. Không chỉ thế, từ nhận thức đến hành động đúng lại còn là một khoảng cách rất lớn.

Ý thức của người dân trong giao thông cũng là điều cần phải quan tâm. Phải giáo dục tuyên truyền ý thức chấp hành nghiêm chỉnh Luật GTĐB khi tham gia lưu thông trên đường, điều này cũng thể hiện được văn minh văn hóa của đất nước. Vì vậy mà không thể lơ là trong việc tuyên truyền, giáo dục cho người dân về văn hóa giao thông, về Luật GTĐB.

Để có một thế hệ tương lai có ý thức trách nhiệm với xã hội, quý bản thân mình, nhà nước cần phải có chiến lược, kế hoạch từ Trung ương đến địa phương, các ngành các cấp, nhất là ngành Giáo dục đào tạo, đưa việc giáo dục vào trường học, ngoài ra cần phải luôn tuyên truyền, giáo dục Luật GTĐB với các thành phần khác trong xã hội. Nhà nước cần quan tâm hơn nữa việc nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách pháp luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật để dần dần tạo thành ý thức tư duy trong mỗi một con người.

1.1.3.2. Các yếu tố chủ quan

a) Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về vận tải hành khách

Tổ chức bộ máy QLNN về VTHK phải được thành lập và hoạt động thông suốt, ổn định theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tổ chức bộ máy phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong mọi thời kỳ.

Trình độ, năng lực các cán bộ trong ngành, nhất là các cán bộ công chức trực tiếp làm công tác quản lý phải không ngừng học hỏi nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để có thể quản lý, điều hành công việc được thông suốt, theo kịp sự phát triển của thời đại.

Không quan liêu, hách dịch, cửa quyền, để các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có thể tin cậy vào bộ máy tổ chức điều hành của nhà nước.

Con người là yếu tố quan trọng nhất và không có gì thay thế được, do vậy việc hình thành tổ chức bộ máy điều hành thông suốt cũng như trình độ năng lực của cán bộ góp phần vào sự thành công của nhà nước. Vì vậy, cần phải đầu tư cho đào tạo đối với các cán bộ làm công tác này.

b) Trình độ, năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải

Ngày nay không ai còn phủ nhận tầm quan trọng của chiến lược sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh vẫn là vấn đề xa lạ với nhiều doanh nghiệp vận tải nói chung,

doanh nghiệp kinh doanh VTHK nói riêng. Điều đó nói lên rằng trình độ, năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải vẫn còn yếu kém, các doanh nghiệp chưa chú trọng đến chiến lược tầm nhìn của doanh nghiệp mình. Điều này vẫn còn phổ biến đối với các doanh nghiệp vận tải Việt Nam.

+ Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là:

- Do thiếu hiểu biết đầy đủ về chiến lược sản xuất kinh doanh. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp quan niệm chiến lược sản xuất kinh doanh chỉ là cái gì na ná như công tác kế hoạch trước đây. Trong thời kỳ bao cấp người ta thường nhấn mạnh công tác kế hoạch như một phép mầu nhưng từ khi chuyển sang kinh tế thị trường công tác kế hoạch ít được nhắc tới vì bị coi như một sự lạc hậu.

- Chủ nghĩa kinh nghiệm. Nhiều người đứng đầu doanh nghiệp thường cho rằng giữa sách vỡ và thực tế là một khoảng cách rất xa nên việc quản lý chỉ dựa theo kinh nghiệm và sự khôn khéo của cán bộ lãnh đạo.

Vì vậy, trong lĩnh vực kinh doanh VTHK, trình độ, năng lực của doanh nghiệp có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có chiến lược, kế hoạch đúng hướng thì sẽ tận dụng hết những cơ hội và hạn chế những nguy cơ, thách thức mới có thể tồn tại trong nền kinh tế thị trường.

1.2. Cơ sở thực tiễn quản lý nhà nước về vận tải hành khách bằng phương tiện ô tô

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý nhà nước đối với vận tải hành khách bằng phương tiện ô tô trên địa bàn tỉnh yên bái (Trang 38 - 43)