TRỞ VỀ THỜI GIAN

Một phần của tài liệu Lưới trời ai dệt (Trang 84 - 87)

Với cặp mắt thiện nghiệp của thiên nhân, Thiện Tài thấy ở đâu cũng đầy châu báu, sáng đẹp và thanh tịnh. Cũng với cặp mắt thánh nhân Thiện Tài trực tiếp thấy thế giới Hoa Tạng với vô số thực tại lồng vào nhau, tác động lên nhau trong nguyên lý trùng trùng duyên khởi.

Chúng ta, với thân người nặng nề, còn bị ràng buộc và cuốn hút bởi thực tại vật lý, thì thấy thế gian được xây dựng bằng một chất liệu mà ta gọi là “vật chất”. Quan niệm về chất liệu này đã được nghiên cứu và trình bày suốt 25 thế kỷ qua, kể từ thời cổ đại Hy Lạp. Sự phát triển của quan niệm về vật chất đi từ những nhận thức sơ lược đến tinh tế, từ bình diện thông thường đến lĩnh vực vi mô nằm ngoài tầm nhận thức trực tiếp của con người. Trong sách này ta đã lần lượt đến với nhiều nhận thức khác nhau. Trong vật lý cổ điển, vật chất là những hạt cứng chắc bất hoại; trong thế giới nguyên tử, người ta thấy nó dường như là một cơ cấu trống rỗng với hạt nhân và những electron tí hon; trong nền vật lý hạ nguyên tử người ta thấy chất liệu cơ bản này gồm các hạt hoán chuyển được với nhau và có thể biến thành năng lượng. Trong Phật giáo, người ta cho rằng, vật chất là do Thức biến hiện, là do Nghiệp lực chiêu cảm nên thực tại trình hiện với ta trong dạng đó.

Đó là những quan niệm có tính chất lý thuyết, thậm chí siêu hình về cấu trúc cuối cùng của vật chất. Thế nhưng coon người chúng ta không hề sống trong thế giới vi mô của lĩnh vực hạ nguyên tử. Do đó, vật chất vẫn hiện ra như một thể cứng chắc và độc lập. Nó phát biểu một cách lạnh lùng nhất những giới hạn tự nhiên của thân vật chất chúng ta. Cả trong quan điểm của đạo Phật thì chúng ta cũng đang nằm trong bình diện của thực tại tương đối, trong đó ta thấy có khách thể, chủ thể, có một thế giới độc lập và có cái Tôi của chúng ta.

Con người bình thường không thể mải bay bổng trên các thực tại của Thiện Tài được mà phải trở lại với thế gian, trở về với nền vật lý chung, với môt thực tại vật chất. Các nghiên cứu trong những chương trước không hề có ý định trả lời giữa các thế giới quan đã được trình bày, ai đúng, ai sai. Luận đề về bản chất của thực tại đã được nghiên cứu suốt 25 thế kỷ qua và sẽ còn tiếp tục mãi mãi, hiển nhiên không ai có thể kết luận điều gì. Vả chăng vấn đề thuộc bản thể học không phải là đối tượng của phân tích đúng sai, không ai chứng minh được một luận điểm nhất định là phải hay trái. Vì lẽ đó, để kết luận cuốn sách này, câu hỏi ở đây là: Liệu có một triết lý nhận thức chung giữa vật lý và Phật giáo? Liệu có một triết lý hành động chung giữa con người hiện đại và Phật giáo? Khái niệm trung tâm của vật lý từ xưa đến nay là vật chất, mà vật chất thường được hiểu là “chất liệu”, ít nhất là đến đầu thế kỷ 20. Người ta luôn luôn nghĩ là phải có một chất liệu làm nền tảng cho thế giới. Khi nền vật lý điện từ trường ra đời, người ta biết dạng của điện từ là sóng lan rộng trong không gian. Thế nhưng người ta vẫn xem là phải có một chất liệu nhất định bị rung động, tương tự như nước phải rung mới có sóng, không khí phải rung mới có âm thanh. Nay sóng điện từ là do chất liệu gì dao động mà thành? Chất đó được người ta đặt trước một cái tên là ê-te.

Đầu thế kỷ 20, người ta xác nhận không có ê-te. Điều đó có nghĩa là sóng điệntừ chỉ có thể là dạng rung động của một yếu tố mà ta gọi là năng lượng. Đó là thời điểm mà người ta phải từ bỏ khái niệm cho rằng thực tại vật lý phải có một chất liệu. Thậm chí có thuyết còn cho rằng những thứ được gọi là có chất liệu chẳng qua là nơi mà trường phi chất liệu “dày khít” lại với nhau để sinh ra điểm vật chất.

Bước ngoặt đích thực của nền vật lý hiện đại là ở chỗ, con người phải từ bỏ khái niệm chất liệu trong hình dung về thực tại của mình. Thực tại không hề có chất liệu! Bước ngoặt này quan trọng hơn, cơ bản hơn cả những phát minh vĩ đại về thuyết tương đối và thuyết lượng tử về sau. Đây là một trong những phát kiến làm nền vật lý tiến rất gần với triết học Phật giáo vốn đặt vấn đề một cách khác hẳn, nó tóm chung cả “tam giới”, bao gồm cả thế giới vật chất lẫn toàn bộ hiện tượng tâm lý trong một từ “Sắc”. Tất cả các Sắc đó đều lưu xuất từ Thức mà Thức được xem là mặt tích cực của một Tính Không. Thực tại phi chất liệu của vật lý và Tính Không của Phật giáo có thể gợi mở nhiều điều đáng suy nghĩ. Tuy hai mức độ thế giới quan khác hẳn nhau, nhưng nơi đây ta có một đồng qui thú vị về hiện tượng luận giữa vật lý và Phật giáo.

Một bước ngoặt thứ hai trong vật lý là quan điểm “công cụ”. Đó là thái độ cho rằng những lý thuyết, khái niệm của vật lý chỉ là sản phẩm của đầu óc con người nhằm mô tả thiên nhiên, chúng chưa chắc có trong thực tại. Thái độ “công cụ” xem lý thuyết và khái niệm – những thứ tưởng chừng như đại diện trung thực của thiên nhiên khách quan – không gì khác hơn là sự mô tả về cái biết của chính chúng ta. Nhà công cụ nổi tiếng H. Poincaré từng ví chúng ta như những người tiền sử ngồi trong hang động, tưởng bóng hình mình do ánh sáng bên ngoài chiếu lên vách hang là thực tại khách quan. Quan điểm này đi rất gần với tư tưởng Duy thức, đó là một điều thật đáng kinh ngạc.

Với quan điểm công cụ và Duy thức tông thì một câu hỏi từ xưa đến nay trong vật lý – một câu hỏi mà nhà duy thực Einstein vẫn thắc mắc tới cuối đời – là tại sao con người nhận thức được thiên nhiên độc lập, tại sao thiên nhiên khách quan lại tuân thủ các phép toán học do con người bày ra, được dễ dàng trả lời. Theo Duy thức, thì cả thiên nhiên lẫn cách mô tả về nó cũng như tư duy chúng ta đều là biến hiện của một suối nguồn duy nhất, đó là Thức.

Nếu không có Duy thức thì câu trả lời phải là Thượng đế. Nó vốn đã được các nhà thần học và khoa học trong thời Trung cổ - thậm chí được Newton khi đặt vấn đề nguồn gốc của trọng trường – qui về một nguồn gốc, đó là

Thượng đế. Đối với họ phải có một chiếc cầu bắc giữa con người, thiên nhiên và toán học. Chiếc cầu đó là, thiên nhiên phải do Thượng đế sáng tạo, nhưng toán học cũng là sản phẩm của Thượng đế, còn con người được Thượng đế tạo nên theo hình ảnh của Ngài. Thế nên con người mới nhận thức được thiên nhiên bằng toán học. Vật lý không thể chấp nhận hình ảnh một Thượng đế toàn năng, nhưng với Duy thức tông,v ật lý gặp lại một khái niệm tương tự, đó là Thức. Thức biến hiện ra mọi dạng thứ tâm vật, sinh ra thực tại vật lý lẫn toàn bộ tâm lý. Nhưng Thức khác với Thượng đế của thời Trung cổ ở chỗ, nó cũng biến hiện linh hoạt, nhưng nó vô ngã, vận hành vô chủ và chỉ là dạng động của một Tính Không.

Trong hai mươi thế kỷ qua, nền vật lý đi từ một khoa học mà mới đầu nhiều khái niệm còn phải dựa dẫm vào một “Thượng đế”, sau đó khoảng từ thế kỷ thứ 16 đã tự giải phóng khỏi quan điểm thần quyền. Kể từ thế kỷ 20 nhiều khái niệm và lý thuyết đã được phát biểu hoàn toàn mới, trong đó vai trò của ý thức và sự tương tác giữa thiên nhiên và con người trở thành một luận điểm then chốt. Người ta thấy không thể rạch ròi tách rời ý thức con người ra khỏi thực tại vật lý được. Phải chăng Duy thức tông sẽ cung cấp cho vật lý vài câu trả lời?

Ta cần cẩn trọng khi tìm mối liên hệ này giữa hai hệ tư tưởng. Sự thuyết phục của khoa học vật lý trong suốt mấy mươi thế kỷ qua dựa trên mối liên hệ chặt chẽ giữa lý thuyết và thực nghiệm, với sự tham gia thẩm định của nhiều người. Phương pháp ưu việt đó đòi hỏi nhiều thời gian và luôn luôn vẫn là nền tảng của khoa học.

Ở đây ta thử xem vài hình dung của Duy thức tông, liệu chúng có thể được sử dụng trong nhận thức luận hiện đại chăng. Đó là quan niệm về thực tại trong Duy thức tông. Theo Duy thức, mỗi mong ước, mỗi cảm xúc, mỗi tưởng tượng, mỗi hoạt động tâm lý đều có thực tại của chúng. Thực tại đó là như thế nào, có liên quan gì với thực tại vật chất? Phải chăng khi chúng đủ nhân duyên, đủ năng lực và các điều kiện phụ thì chúng trở thành thực tại vật chất, thì chúng “lọt” vào thế giới ba chiều của chúng ta. Phải chăng có thể quan niệm, các hoạt động tâm lý là những thực tại “khả dĩ” hay “xác suất” và chỉ một trong số đó là “lọt” được vào thực tại vật chất. Phải chăng các thực tại khả dĩ đó có dạng sóng và khi chúng trở thành thực tại thì chúng mang dạng hạt, như một cách nói của cơ học lượng tử?

Câu hỏi quan trọng hơn nữa là, điều gì làm cho nhữung năng lượng tâm lý như ý chí, tưởng tượng, mơ ước… trở thành biến cố hiện thực, làm cho chúng lọt vào trong thế giới ba chiều? “Nhân duyên” ở đây là những gì để một sự vật chất hóa được thực hiện.

Hãy nghĩ đến một nhà họa sĩ Anh có cảm xúc, suy tư, tuởng tượng, hình dung, linh ảnh… và trên cơ sở đó, anh vẽ một bức tranh. Một khi nội tâm anh đã chín muồi và điều kiện vật chất như thời giờ, giấy, vải, mực… đầy đủ thì bức tranh sẽ hình thành. Theo quan điểm của Duy thức thì mỗi khi nội tâm anh suy tư và tưởng tưỡng về bức tranh thì anh đã sống với nó, bức tranh cũng đã thành hình rồi trong thực tại đó rồi. Thế nhưng khi anh đang cầm cọ và vẽ bức tranh thì mức độ chứng thực của anh đã “đông đặc” một cách cao độ để thực tại mà anh vẫn sống với bức tranh giờ đây đã “lọt” vào trong thế giới ba chiều. Tác phẩm của anh vốn đã có từ lâu nhưng nay nó đã được vật chất hóa, nó đã thành vật thế trong thế giới vật lý.

Về mặt nguồn gốc thì bức tranh chưa thành và bức tranh đã thành đều như nhau, đều là từ Thức biến hiện cả. Thế nhưng bức tranh chưa thành còn nằm trong một thể mà con người chưa xem là vật chất, nó nằm dưới mức độ của vật chất. Thể tính này có thể là điều mà H. Stapp nói đến trong luận đề của ông. Tuy thế, bức tranh chưa thành đã mang một năng lượng nhất định và nó có sự tương tác với các năng lượng khác. Nếu năng lượng đó đủ mạnh và tiếp tục được tác giả của nó là nhà họa sĩ nọ cung ứng cùng với các năng lực khác hỗ trợ thì hình ảnh của bức tranh sẽ được đông đặc, nó lọt vào thế giới vật chất bằng cách thể hiện trên giấy và màu.

Hình dung vừa nói sẽ bị nhiều người phản đối. Họ cho rằng bức tranh chỉ là một vật thể vô tri, nếu nó có thành hình là hoàn toàn do người họa sĩ vẽ nên. Nói như thế là quên tính vô ngã của cá thế mà ta gọi là người họa sĩ. Người họa sĩ nọ không khác gì hơn là một tập hợp của cảm xúc, của tưởng tượng, tư duy, tức là của Thức. Tư duy và tưởng tượng đó đã đồng hóa thành một với bức tranh chưa thành. Bức tranh (chưa thành) là một hóa thân của chính người họa sĩ. Thế nên khi người họa sĩ vẽ bức tranh, ta phải quan niệm là một hóa thân của người vẽ đang tự vật chất hóa chính mình.

Đối với Duy thức, một biến cố xảy ta trong thế giới vật chất được quan niệm như là một hoạt động nhất định của Thức đã đủ mạnh, đủ nồng độ, đủ năng lực và chiêu cảm đủ điều kiện phụ để nó lọt vào trong thực tại này. Ngày nay khi nền vật lý hiện đại xem khối lượng là một dạng của năng lượng, xem một vật chất nằm im thật ra là năng lượng đang tụ hội, xem vật thể là một “biến cố”, ta có thể nói cách nhìn đó rất phù hợp với quan điểm Duy thức. Vì đối với Duy thức, mọi biến cố và vật thể trong thế giới ba chiều của chúng ta đều là sự phóng chiếu, sự biến hiện của Thức cả. Chúng là những hoạt động của Thức trong tầm nhìn của ta vốn chỉ tập trung trong thế giới vật chất. Thế giới vật chất chỉ là đỉnh núi thấy được của một tảng băng sơn vĩ đại.

Điều đó có nghĩa là phần lớn thực tại đều không được chúng ta biết đến, chúng nằm dưới một mức độ mà chúng ta cho là “thực có”. Thế nhưng thực tại vật chất cũng không hề bị tách lìa khỏi toàn bộ thực tại đó mà ngược lại, thực tại vật lý phản ánh một cách trung thực sự hoạt động của cái toàn thể.

Trong đời sống bình thường, mang thân người, tất nhiên chúng ta coi trọng thực tại vật lý, đó hính là thực tại tương đối của chúng ta. Ta mong cái may mắn sẽ xuất hiện, cái rủi ro đừng bao giờ tới. Con người muốn có thành công, sức khỏe, sung túc và muốn tránh rủi ro, thất bại, bệnh tật. Làm sao con người tác động được để những thứ tốt đẹp đó xuất hiện trong thế giới ba chiều của mình, những điều không tốt biến mất khỏi thực tại của mình? Duy thức tông có phương pháp gì giúp cho người?

Đúng như tên gọi của nó. Duy thức tông cho rắng mọi thứ đều do Thức của cá thể biến hiện ra cả. Không ai giúp chúng ta xoay chuyển được tình thế, ngoài chính chúng ta. Hãy thay đổi cá thể mình, hãy thay đổi bản thân mình thì thế giới và cả thực tại vật lý cũng sẽ thay đổi theo. Đó là kết luận của Duy thức.

Một phần của tài liệu Lưới trời ai dệt (Trang 84 - 87)

w