CÁI BIẾT VÀ CÁI THẤY

Một phần của tài liệu Lưới trời ai dệt (Trang 56 - 60)

Thái độ “công cụ” trong khoa học xem mọi lý thuyết, khái niệm vật lý đều là do tư tưởng của con người bày ra để diễn đạt thiên nhiên, chúng không nhất thiết phải là bản chất của thực tại. Chủ trương này mới nghe qua có vẻ hiền lành và khiêm tốn nhưng thật ra nó chứa đựng một nội dung rất sâu sắc và triệt để.

Thật ra, đứng sau thái độ công cụ có nhiều loại tư duy khác nhau về triết học. Tất cả đều công nhận lý thuyết và mô hình chỉ để lý giải hiện tượng chứ không nói lên bản chất của hiện tượng. Thế nhưng cũng có hai trường phái chính trong chủ thuyết công cụ, “mềm dẻo” và “cứng rắn”.

Trường phái thứ nhất cho rằng, tuy ta không nắm bắt được tự tính của hiện tượng nhưng hiện tượng vẫn là một thể khách quan. Trường phái thứ hai thấy rằng hiện tượng cuối cùng đều chỉ là sự phản ánh của tư duy con người, chứ không gì khác cả. Trong khuynh hướng thứ hai, có nhiều nhà khoa học nghiêm túc đặt câu hỏi, giữa giấc mộng và “thực tại” có cái gì khác, cái gì giống. Nơi đây, câu trả lời là, cái giống nhau giữa giấc mộng và thực tại là cả hai đều có tác động lên con người. Còn cái khác nhau là, giấc mộng thì chỉ có một người thấy, còn “thực tại” thì nhiều người thấy. Thế thì phải chăng cái được gọi là “khách quan” chỉ là cái được nhiều người cùng thấy? Và câu hỏi quyết liệt tiếp theo là phải chăng cái khách quan chẳng qua là một sự “tưởng tượng tập thể”? Suy nghĩ này làm ta nhớ tới khái niệm “cộng nghiệp” của Duy thức tông trong Phật giáo.

Quan niệm xem khách quan “là phản ánh của nhận thức” nói trên tuy xa lạ với nền vật lý cổ điển nhưng thật ra đã hiện diện từ lâu tại phương Tây. Đó là quan điểm cho rằng thế giới mà con người nhận thức được chỉ là hình ảnh của chính bản thân con người. Henri Poincaré, một nhà toán học lớn của Pháp, người được xem là nhà bác học “vạn năng” – xuất sắc trong mọi ngành kho học và triết học – cuối cùng của thế kỷ 20, một người thuộc phái công cụ, đã ví chúng ta như những người tiền sử ngồi trong hang động. Họ nhìn bóng hình mình do ánh sáng bên ngoài chiếu lên vách hang và cho những hình bóng đó là “thế giới khách quan”. Ẩn dụ của Poincaré đã quá rõ ràng thế giới chỉ là tâm thức của con người đang phản chiếu.

Đối với quan niệm công cụ, câu hỏi của bản thể học “bản thân thế giới là gì” không quan trọng, thậm chí vô nghĩa. Poincaré cho rằng “một thực tại hoàn toàn độc lập với tinh thần mà tinh thần lại nhận thức nó, thấy nó hay cảm nó, nếu nó có thật, thì chúng ta cũng không bao giờ tiếp cận được”.

Trong nền vật lý hiện đại, khi con người bắt đầu cảm nhậtn rằng, phải chăng thực tại là một thể tính nằm “cao” hơn không gian ba chiều của chúng ta, phải chăng thế giới mà ta cảm nhận chỉ là sự phản ánh của thể tính đó trong không gian của loài người, quan niệm công cụ trong khoa học dần dần được coi trọng. Con người bắt đầu thấy rằng, khi nhìn thế giới “bên ngoài”, ý thức đóng một vai trò quan trọng chứ không hoàn toàn thụ động. Ta nhớ rằng, trong thời Trung cổ, con mắt được xem như một chiếc hộp tí hon và hoàn toàn thụ động, nó “in” hình ảnh của thế giới bên ngoài lên thần kinh thị giác. Ngày nay hình ảnh về con mắt đã khác hơn xưa.

Trong khoảng thế kỷ 19, vai trò thụ động của con mắt đã biến mất. Người ta sớm biết rằng, thế giới “thực có” ở bên ngoài chỉ là nguyên tử, phân tử, hạt và sóng; và chính con mắt là nhân tố cảm nhận màu sắc và “làm nền” màu sắc. Tương tự như thế, ý thức con người nói chung – và sản phẩm của ý thức là các lý thuyết và mô hình vật lý nói riêng – không phải là nơi thu nhận và tổng kết một cách thụ động hình ảnh của “bên ngoài” mà là tác nhân đưa đường dẫn lối cho ta “thấy” thế giới hiện tượng. Cả các nhà vật lý duy thực cũng phải dần dần thừa nhận vai trò tích cực của ý thức con người trong các lý thuyết vật lý. Chính Einstein, nhà duy thực kiên trì nhất của thế kỷ 20 đã chỉ cho Heisenberg – lúc Heisenberg mới là một nhà khoa học trẻ và đại diện cho quan niệm thực chứng, chỉ quan tâm đến những gì “quan sát được” – rằng “chính lý thuyết là yếu tố quyết định con người quan sát được những gì trong thiên nhiên”. Nơi đây ta thấy tính biện chứng hết sức đối xứng trong vật lý. Đó là lý thuyết được xây dựng từ thông tin, kinh nghiệm, trị số đo lường trong thiên nhiên; và ngược lại, lý thuyết lại là yếu tố cho phép ta đo lường và xem xét những gì của thiên nhiên. Cần nói thêm, bản thân các thiết bị đo lường, nhất là trong ngành vật lý hạt, đều được suy nghiệm và triển khai từ lý thuyết và mô hình cả.

Một trong những vấn đề gây khủng hoảng trong nhận thức luận của vật lý ngày nay là vai trò của ý thức con người đối với thiên nhiên. Nó thụ động hay chủ động; và nếu chủ động thì chủ động đến mức nào. Ý thức chỉ là tác nhân tiếp nhận thôi hay nó tác động lại lên thiên nhiên. Câu hỏi ngược lại, thế thì thiên nhiên là gì, thiên nhiên “tự nó” là gì, sự vật là có hay không có. Cuối cùng phạm trù “có-không” lại hiện nguyên hình buộc cộng đồng vật lý phải trả lời. Đây lại là luận đề mà con người nêu lên từ nhiều ngàn năm trước, câu hỏi về “cài đầy và cái không”.

Thế nhưng cái khác vói thời kỳ của Plato và Aristotle là ngày nay người ta đã tìm đến với những đơn vị nhỏ nhất của vật chất, của cái mà người ta cho là “có”. Và tại đơn vị cơ bản nhất của cái “có”, tức là lĩnh vực của thế giới hạ nguyên tử, người ta thấy vật chất dường như vừa có vừa không. Vật chất có hai mặt, mặt sóng và mặt hạt. Ngày

nay sóng được hiểu là “khả năng” xuất hiện của sự vật, còn hạt là sự vật đã xuất hiện thật, khi sự vật bị con người quan sát. Đây là cốt tủy cách diễn dịch cơ học lượng tử của trường phái Copenhage, cách diễn dịch được thừa nhận nhất hiện nay.

Cách diễn dịch này làm quan hệ “có-không” thêm phức tạp. Như thế phải chăng “có” là do con người quan sát mới có. Phải chăng khi không có cái tôi quan sát thì không có sự vật? Điều này cũng hết sức vô lý, xem ra không thể chấp nhận được. Con mèo của Schrödinger nếu không ai quan sát nó thì phải chăng nó vừa sống vừa chết? Trước thế kỷ 20 không có nguyên tử lẫn electron vì chưa ai biết đến chúng?

Các phạm trù “có, không”, “khách quan, chủ quan”, “vật chất, ý thức”, “khả năng, hiện thực” ngày nay tụ hội trong ngành vật lý một cách tinh tế, sâu sắc và gay gắt. Chúng là những phạm trù triết học cơ bản nhất của con người, chúng đã được sinh ra từ ngày con người biết suy tư. Xưa nay, trả lời những câu hỏi xung quanh từng vấn đề này tức là nêu lên hẳn cả một trường phái tư tưởng. Với ngành vật lý, dần dần con người đã tiếp cận triết học bằng cách nêu lên những phạm trù này, nhưng xuất phát từ một tầm nhìn khác. Trong thời đại mới, triết học và khoa học gần nhau tới mức chúng không còn có thể được phân biệt. Song song, các phạm trù mới này cũng có nhưng nội dung rõ nét hơn với những phát hiện quan trọng của vật lý. Trong triết học những mặt mâu thuẫn nói ở trên tưởng như chỉ là trò chơi của tư duy thuần túy. Nay, với cách đặt vấn đề mới của vật lý, chúng trở thành phép nhận thức cụ thể, cách xem xét vật chất đang vận động trước mắt con người.

Ngoài ngành vật lý với những phát hiện về những tính chất lạ lùng của vật chất trong thế giới vi mô, con người còn đến với những nhận thức mới trong ngành thể chất học. Đó là một ngành khoa học mới mà đối tượng của nó là mối liên hệ giữa thân và tâm, sự hình thành của cái thấy, cảm xúc, nhận thức, tư duy. Ngành khoa học ngày nay đã trở thành một lĩnh vực không thể không viết đến, khi tìm hiểu về vật lý và triết học. Nó chính là cầu nối giữa một bên là “vật chất”, bên kia là “tinh thần”, giữa khách thể và chủ thể. Trong thời đại này người ta tìm thấy vô số công trình, tài liệu… về ngành thể chất học và hầu như không ai có được một tầm nhìn toàn thể, có tính chất kết luận về đề tài này. Thế nhưng, nhìn chung, người ta đi đến với sự nhất trí rằng, mối liên hệ giữa thân và tâm là phức tạp hơn hẳn so với những gì người ta biết đến trong những thế kỷ trước, chúng có một mối quan hệ mật thiết và có tính chất “tương tác” lẫn nhau. Kết luận quan trọng nhất là tâm không phải là một thể thụ động, chò đợi vật chất tác động lên, mà nó “tương tác” với vật chất để sinh ra mọi cái mà ta gọi là nhận thức, cảm xúc, tư tưởng.

Cái gì làm ta thấy ly sữa là ly sữa chứ không phải là một thế giới như các vi sinh vật có thể thấy? “Ý niệm” về ly sữa hẳn phải có khi ta thấy ly sữa. Thế nhưng ý niệm đó có từ bao giờ, từ ngày ta còn là một trẻ sơ sinh? Một khán giả không có “ý niệm” về lỗi việt vị trong bóng đá sẽ không bao giờ “thấy” lỗi việt vị. Thế thì phải chăng ý niệm có trước, cái thấy có sau? Cái thấy do dâu mà có, nó đến từ “vật chất bên ngoài” hay từ “ý niệm bên trong”? Ý niệm là một thế giới khách quan thực có hay nó có tính chủ quan của mỗi người? Và nếu nó là chủ quan thì ta là tiên nhiên có trước hay sau khi con người sinh ra, do cha mẹ và môi trường giáo dục? Nơi đây, ta gặp những quan niệm cổ điển nhất của Plato và những phát hiện mới mẻ nhất trong khoa học.

Peter Medawar, giáo sư y khoa lãnh giải Nobel y học năm 1960, nhắc ta đừng quên rằng, “… những gì (con người) thấy mới đầu không chuyển tải thông tin gì cả, mãi cho đến lúc nó biết những gì nó chờ đợi sẽ thấy”. Con người biết trước khi nó thấy, nó thấy những gì nó muốn thấy. Điều này làm ta nhớ đến ý nghĩa những gì Einstein nói với Heisenberg: “chính lý thuyết là yếu tố quyết định con người quan sát được những gì trong thiên nhiên”. Niels Bohr cũng nói điều tương tự khi phát biểu: “… Trên tất cả mọi thứ, chúng ta phải nhớ và xem như một điều hiển nhiên rằng, mọi kinh nghiệm mới mẻ hiện ra cho chúng ta trong khuôn khổ của những quan niệm và củng những dạng nhận thức quen thuộc”.

Thật ra, nhận thức của Medawar không phải mới mẻ, cái mới chỉ vì ông là một giáo sư y khoa, vốn được các nhà khoa học trọng vọng hơn, nếu so với “người điên” Nietzsche. Triết gia người Đức Nietzschem đã từng viết: “mọi thứ mà ta ý thức được đều đã được thu xếp, giản lược, cho vào khuôn khổ, được lý giải”.

Cái biết nội tâm và thông tin từ ngoại cảnh tương tác với nhau để sinh ra nhận thức, đó là kết luận xem ra được thừa nhận nhất hiện nay trong khoa học. Thông tin ngoại cảnh (như sóng hay hạt) đến với ta, chạm vào các giác quan như mắt, tai. Các giác quan này tương tác với những thông tin đó mà sinh ra màu sắc, âm thanh hay cảm xúc nóng lạnh.

Thiết bị đo lường của con người thật ra cũng thế. Có thể chúng là nhiệt kế, thiết bị đo áp suất hay đo hiệu điện thế nhưng tất cả chúng đều tương tác với thông tin bên ngoài và tùy theo cấu trúc bên trong của chúng mà sinh ra những con số hay dấu hiện nhất định. Rồi con người đọc những con số và dấu hiệu đó và lý giải theo cách mà con người hiểu biết về sự vật. Thế nên những tương tác giữa con người và ngoại cảnh cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, được xây dựng trên nhiều quá trình “trao đổi” khác nhau. Trong thế giới hạ nguyên tử, vấn đề lại càng rắc rối hơn. Khi con người không thể tận mắt thấy được các hạt vật chất tí hon, khi con người phải phụ thuộc vào nhiều thiết bị mà bản thân của chúng cũng được cấu tạo bởi nhiều tầng tương tác thì ta càng không được quên rằng mọi nhận thức đều nhuộm tính chủ quan của người nhận thức và của cấu trúc nội tại của thiết bị đo lường.

Bởi thế, nơi đây ta có thể lý giải một cách giản lược về sự nghịch lý của sóng và hạt. Đó là ta phải xem thực tại là một thể chẳng phải sóng chẳng phải hạt và nó xuất hiện bằng cách tương tác với thiết bị. Khi thiết bị chỉ có thể “thấy” sóng thì thực tại xuất hiện với tính chất của sóng và ngược lại.

Vài trò chủ động của cái biết, của ý thức, của quan sát viên khi nhận thức thế giới ngày nay đã được khoa học thừa nhận. Kể cả thiết bị cũng thế, nó được xem là sự tinh tế hóa của người nhận thức, là cánh tay nối dài của quan sát viên.

Với những phát hiện trên, ngành thể chất học đã đặt lại vấn đề khách thể và chủ thể, một vấn đề quan trọng nhất của triết học phương Tây và là then chốt trong khoa học kể từ Descartes. Màu sắc, âm thanh, nóng lạnh… vốn được xem là khách quan thì nay bị đưa vào phạm trù chủ quan. Thế giới của chủ quan đang mở rộng phạm vi của mình về hướng hiện tượng. Đường phân cách giữa chủ thể và khách thể nay đã được vẽ lại. Ngày nay người ta còn đang xem nguyên tử và các hạt của chúng là khách thể. Liệu chúng là khách thể tồn tại độc lập với con người, hay chúng cũng thuộc chủ thể nốt; hay liệu chúng chỉ là sản phẩm của đầu óc con người; hay tất cả thế giới đều là hoạt động của tư duy. Tất cả những câu hỏi này đều là những luận đề thú vị nhất, mà tại đó triết học, vật lý, thể chất học, tâm lý học, bản thể học… đều đang tụ hội.

Trong vật lý hiện đại, con người vẫn tiếp tục nỗ lực nghiên cứu và phát minh ở mọi lĩnh vực, thế nhưng, người ta biết rằng, tình hình này đòi hỏi một sự bừng tỉnh lớn lao trong vật lý, một cuộc cách mạng về nhận thức. Chỉ một sự đảo lộn về tư duy mới họa chăng có thể giải quyết một lúc những mâu thuẫn nói trên.

THẾ GIỚI ĐƯỢC XÂY DỰNG BẰNG Ý THỨC?

Một trong những phát hiện lớn nhất và sinh ra nhiều suy luận triết học nhất của nền vật lý hiện đại là cơ học lượng tử. Nền cơ học này có một ý nghĩa hết sức to lớn ở chỗ, nó tìm hiểu tính chất của thế giới vật chất nội tại “cái nôi” của vật chất, tức là nghiên cứu các phần tử cuối cùng cấu tạo nên vật chất.

Tại đó, người ta thấy vật chất không gì khác hơn là một khoảng không bao la, trong đó có vài phần tử được mệnh danh là “hat”. Kỳ lạ hơn nữa các “hạt” tí hon trong khoảng không đó vừa có tính liên tục của sóng, vừa có tính phi liên tục của hạt. Nhưng khó hiểu hơn tất cả mọi thứ là vai trò của con người. Chỉ khi nào con người tìm cách đo lường, quan sát các hạt đó thì đối tượng mới tự “cụ thể hóa” bằng những hạt hẳn hoi, còn nếu không có quan sát viên thì sự vật tự nó là gì, đó là câu hỏi con người không thể trả lời được. Câu hỏi này, mới nghe qua thì ta có thể

Một phần của tài liệu Lưới trời ai dệt (Trang 56 - 60)